Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Chú trọng chất lượng cán bộ Hội cơ sở vùng núi, vùng khó khăn

(Tapchinongthonmoi) Cấp Hội cơ sở là cấp triển khai mọi nhiệm vụ chính trị của Hội, tổ chức các hoạt động, phong trào thi đua do Hội phát động... Trong nhiệm kỳ 2018-2023, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang xác định, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội Nông dân cơ sở nói chung và các huyện miền núi nói riêng, và coi đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng cần tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ này.
Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội cho cán bộ chủ chốt ở Hội ND tỉnh Bắc Giang.

Ưu tiên cán bộ là người dân tộc 

Bắc Giang có 10 huyện, thành phố, trong đó có 4 huyện miền núi là: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế. Thời gian qua, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh quan tâm thực hiện nhiều giải pháp, nâng cao trình độ, năng lực nhằm từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ ở 4 huyện miền núi: Có tri thức, trình độ chuyên môn, chính trị, kỹ năng vận động nông dân; năng lực công tác và phẩm chất đạo đức tốt, năng động, sáng tạo, trách nhiệm trong công việc; từng bước khắc phục khó khăn hạn chế trong công tác xây dựng tổ chức Hội và phong trào nông dân vùng miền núi và vùng khó khăn. Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã cùng với cấp ủy các cấp tạo sự thống nhất trong việc bố trí sắp xếp cán bộ sang công tác tại Hội Nông dân theo hướng chuẩn hóa về trình độ văn hóa, chuyên môn, lý luận chính trị, từng bước trẻ hóa đội ngũ cán bộ, ưu tiên các đồng chí là người dân tộc… nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đồng thời chủ động, tích cực tham mưu với cấp ủy về công tác quy hoạch, phát hiện bồi dưỡng cán bộ nguồn kế cận, bố trí sử dụng cán bộ hợp với sở trường; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ với nội dung, chương trình phù hợp đối với đội ngũ cán bộ Hội vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; thường xuyên rà soát, kiện toàn đổi mới công tác cán bộ.

Từ năm 2018 đến nay toàn tỉnh có 6.181 lượt cán bộ Hội các cấp được cử đi học các lớp đào tạo về chuyên môn, tập huấn bồi dưỡng về nghiệp vụ công tác Hội như: Kỹ năng vận động nông dân, kỹ năng điều hành sinh hoạt chi, tổ hội; kỹ năng tổ chức các hoạt động, quản lý hội viên; ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo và tổ chức các hoạt động của Hội… do Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Trường Chính trị tỉnh mở hằng năm và các lớp bồi dưỡng Trường Cán bộ Hội ND Việt Nam triệu tập. Hội Nông dân 4 huyện miền núi, vùng khó khăn, Hội Nông dân tỉnh căn cứ vào tình hình thực tiễn, đặc thù riêng của từng huyện đã mở những lớp đào tạo bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho từng huyện với nội dung cụ thể sát với thực tiễn như; Kỹ năng vận động hội viên, duy trì sinh hoạt Hội; tổ chức các hoạt động tập hợp thu hút hội viên tham gia sinh hoạt Hội đối với đồng bào là dân tộc thiểu số. 

Cùng với công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, Hội Nông dân cấp huyện hướng dẫn thành lập nhóm zalo giúp cán bộ Hội cơ sở trao đổi thảo luận những khó khăn, vướng mắc, đưa ra các đề xuất, kiến nghị với Hội Nông dân cấp huyện để kịp thời giải quyết. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện, chấn chỉnh kịp thời về hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của Hội cấp dưới.

93% cán bộ có trình độ đại học

Đến nay, Hội Nông dân 4 huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế đã xây dựng được đội ngũ cán bộ cơ sở với 83/90 đồng chí trong đó 93% có trình độ chuyên môn đại học; 100% có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên; 57 đồng ch(í 63%) tham gia cấp ủy và 46 đồng chí (51%) tham gia HĐND các cấp. Về độ tuổi trẻ hơn 2 tuổi so với đầu nhiệm kỳ; Chủ tịch Hội cơ sở là người dân tộc 27/90 đồng chí (30%), trong đó huyện Lục Ngạn cao nhất là 11/29 đồng chí (38%). Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua thì vẫn còn một số hạn chế đó là tỷ lệ cán bộ chủ chốt nữ còn thấp 7/90 chủ tịch Hội cơ sở (7,7%). Ngoài việc cử cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ do tỉnh và Trung ương tổ chức. Hội Nông dân các huyện còn chủ động tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng, hướng dẫn trực tiếp cho cán bộ Hội cơ sở mới bổ nhiệm, cán bộ còn ít kinh nghiệm thực tế. Nhờ đó nhiều cơ sở Hội của 4 huyện miền núi đã có những sáng tạo, linh hoạt trong triển khai các đợt thi đua, hoạt động phong trào; sinh hoạt chi, tổ hội được đổi mới theo hướng thiết thực hiệu quả; gắn với nhiệm vụ công tác Hội với đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho hội viên nông dân. Trong năm 2021, 4 huyện thu hút 1.776 hội viên nông dân tham gia vào tổ chức Hội Nông dân; thành lập 48 chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp; xây dựng 50 mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác. Được đào tạo bồi dưỡng cùng ý thức tự học, tự rèn luyện đội ngũ cán bộ hội viên nông dân miền núi, vùng dân tộc khó khăn từng bước nâng cao về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị đạo đức lối sống, được hội viên nông dân tin tưởng. Từ đó tham mưu đề xuất với cấp ủy, chính quyền và Hội cấp trên những vấn đề sát với thực tế liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhiều cán bộ Hội cơ sở đã trưởng thành được cấp ủy điều động, phân công đảm nhiệm chức vụ Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Phó Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch MTTQ xã… có những cán bộ vừa làm ăn kinh tế giỏi, vừa năng động trong quản lý, điều hành trách nhiệm với công tác Hội và phong trào nông dân.

Nhờ đội ngũ cán bộ Hội cơ sở có năng lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tâm huyết với phong trào, hoạt động Hội và phong trào nông dân ngày càng được đẩy mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tính đến hết năm 2021 đã có 194/204 cơ sở Hội đạt vững mạnh, còn lại là cơ sở Hội đạt loại khá.

Để công tác cán bộ trong thời gian tới đối với các huyện miền núi và vùng khó khăn cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, các cấp ủy cơ sở cần làm tốt công tác quy hoạch cán bộ của Đảng với Hội Nông dân các cấp, gắn công tác quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ Hội, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao giữa tổ chức Hội với cấp ủy cùng cấp.

Hai là, từng bước trẻ hóa đội ngũ cán bộ Hội cơ sở, gắn với việc tiêu chuẩn hóa về trình độ học vấn, chuyên môn, phẩm chất đạo đức trong sáng, vững vàng, nhiệt tình, trách nhiệm, sáng tạo trong tổ chức các hoạt động của Hội; nâng cao năng lực công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Hội tại cơ sở.

Ba là, ưu tiên cán bộ nữ làm công tác Hội và có chế độ đãi ngộ đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ cơ sở là người dân tộc thiểu số; có chế độ khuyến khích về lương, phụ cấp khó khăn nhằm động viên cán bộ công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.