Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Chuyên án M306 – chặn đứng ảo vọng về “bóng ma Fulro” ở Tây Nguyên

17:24 21/04/2020 GMT+7
Với vỏ bọc truyền đạo Hà Mòn, nhiều đối tượng lẩn trốn trên núi, trong rừng tự xưng các chức danh lớn như “tỉnh trưởng”; “quận trưởng” dụ dỗ bà con đồng bào J’rai, Bahnar nhẹ dạ theo chúng… Lẩn trốn trên núi tuyên truyền về đạo Hà Mòn… Qua một thời gian điều tra,

Với vỏ bọc truyền đạo Hà Mòn, nhiều đối tượng lẩn trốn trên núi, trong rừng tự xưng các chức danh lớn như “tỉnh trưởng”; “quận trưởng” dụ dỗ bà con đồng bào J’rai, Bahnar nhẹ dạ theo chúng…

Lẩn trốn trên núi tuyên truyền về đạo Hà Mòn…

Qua một thời gian điều tra, Công an tỉnh Gia Lai xác định, từ tháng 7/2012 đến nay, các đối tượng gồm Kưnh (SN 1992), Lũp (SN 1972), Jưr (SN 1964) cùng trú ở làng Kret Krot (xã H’Ra, huyện Mang Yang, Gia Lai) lẩn trốn trên núi Jơ Mông (nơi giáp ranh xã H’ra và xã Lơ Pang, huyện Mang Yang) để hoạt động. Đối tượng Kưnh có vai trò cầm đầu, móc nối, lôi kéo người trong làng lén lút nhóm họp tôn giáo trái pháp luật. Sau 3 ngày vượt núi cao hiểm trở, vào lúc 3h30 đêm 19/3/2020, Công an tỉnh Gia Lai phối hợp với Bộ Công an tóm gọn 3 đối tượng trên. Việc bắt giữ 3 đối tượng này xem như “dấu chấm hết” vấn đề Fulro lợi dụng tà đạo Hà Mòn trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Đại úy Hoàng Thái Sơn – Đội An ninh Công an huyện Mang Yang kể: “Chúng tôi mất 5 giờ đồng hồ vượt núi để đến nơi đối tượng ẩn nấp. Các phương án đều được tính toán kỹ lưỡng, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, tóm gọn các đối tượng”.

Một trong 3 đối tượng chống phá vừa bị Công an tỉnh Gia Lai bắt giữ tháng 3/2020. Ảnh: Tư liệu

Việc đấu tranh với ổ nhóm Fulro lẩn trốn do Kpăh Bình (kẻ tự xưng là tỉnh trưởng Fulro) cầm đầu là một trong những chuyên án lớn của Công an tỉnh Gia Lai. Nhóm Fulro này có 26 đối tượng, chia thành 3 nhóm hoạt động tại các địa bàn Chư Sê, Chư Pưh, Phú Thiện, Chư Prông và một phần huyện Ea H’leo (Đắk Lắk). Đặc biệt, đối tượng Siu Byơi (ở xã Yun, huyện Chư Sê) chỉ đạo đồng bọn đào hầm trong nhà, ẩn náu hoạt động lâu dài. Quá trình hoạt động, các đối tượng đã tổ chức 24 cuộc họp (17 cuộc trong rừng) với 200 lượt đối tượng tham gia nhằm củng cố tổ chức, phát triển lực lượng. Số đối tượng Fulro này chính là “ngọn cờ” để tổ chức Fulro lưu vong chỉ đạo biểu tình, bạo loạn. Đặc biệt, chúng hoạt động bằng phương thức đe doạ, khống chế quần chúng, cán bộ cơ sở, làm cho quần chúng, cán bộ cơ sở hoang mang dao động, không dám tố giác các hoạt động của chúng.

Trước tình hình trên, Chuyên án M306 hình thành. Các đơn vị chức năng sử dụng trinh sát hoá trang để phục bắt các đối tượng. Đến ngày 22/7/2009, 2 đối tượng Fulro đầu tiên bị bắt là Siu Kêch (còn gọi A Ma Lên) và Rmah Hlach (còn gọi A Ma Blut – trưởng Fulro khu vực huyện Chư Pưh). Chuyên án M306 sau đó truy tố 17 đối tượng, đấu tranh bóc gỡ 464 đối tượng cơ sở Fulro bên trong tại 62 làng, 17 xã, 3 huyện (Chư Sê, Chư Prông, Phú Thiện). Phá vỡ 1 khung cấp tỉnh, 1 khung cấp quận, 7 khung xã, 32 khung làng do Kpă Bình cầm đầu.

Công an tỉnh Gia Lai và lực lượng thanh niên đến từng buôn làng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Ảnh: Tư liệu

Theo Đại tá Rah Lan Lâm – Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai, những năm qua, đơn vị đã chủ động nắm bắt tình hình, chủ động tấn công chính trị, vận động quần chúng đấu tranh với tà đạo, đặc biệt truy bắt các đối tượng lẩn trốn ở rừng thời gian qua đã thành công.

Để làm tốt công tác vận động, Công an tỉnh xác định mục tiêu hàng đầu là “đoàn kết”. Theo đó, đơn vị xây dựng hơn 900 người uy tín làm lực lượng nòng cốt ở cơ sở, đến từng thôn, làng, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với đồng bào để đẩy lùi âm mưu chia rẽ với người Kinh. Cùng với đó, đơn vị nắm bắt tâm tư, khó khăn của đồng bào để làm những việc thiết thực (sinh đẻ có kế hoạch, đưa con em đến trường, khám chữa bệnh, phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống tốt đẹp…).

Cảnh giác, ngăn chặn nguy cơ bạo loạn, chống phá

Trung tá Nguyễn Văn Thông – Phó Trưởng phòng An ninh Dân tộc (Công an tỉnh Gia Lai) cho biết, được sự nuôi dưỡng, hậu thuẫn của Mỹ, Fulro lưu vong đã phục hồi tổ chức dưới hình các hội nhóm như “Hội người Thượng Đêga”, “Quỹ người Thượng”, “Tổ chức Nhân quyền Thượng”. Mục đích của các tổ chức này là tập hợp người dân tộc thiểu số Tây Nguyên trong và người nước để đấu tranh giành quyền “tự trị”, thành lập “Nhà nước Đêga”.

Sau khi thành lập, số cầm đầu các nhóm này đã soạn thảo, phát tán tài liệu và trực tiếp tuyên truyền, chỉ đạo để móc nối phục hồi tổ chức, phát triển lực lượng Fulro ở Tây Nguyên. Từ năm 2013 đến nay, Fulro đã chuyển 70 nghìn đôla từ Mỹ về qua Campuchia để chuyển cho số cầm đầu, cốt cán Fulro, “Tin lành Đêga” ở Tây Nguyên xây dựng nhà thờ, làm kinh tế phục vụ hoạt động và đã phát triển được gần 7 nghìn người theo “Tin lành Đêga” với 11 “Nhà thờ Đêga”.

Từ năm 2004 đến nay, về cơ bản các tổ chức cơ sở của “Tin lành Đêga” dưới hình thức tôn giáo không còn tồn tại, tuy nhiên số cầm đầu cốt cán và một số bộ phận tín đồ chưa từ bỏ, tách thành cộng đồng riêng và nhanh chóng phục hồi, có người đứng đầu, sinh hoạt ngầm. Cá biệt có đối tượng vẫn công khai thách thức chính quyền cơ sở, nhất là vào thời điểm Fulro kích động gây biểu tình, bạo loạn.

Các đối tượng theo tà đạo Hà Mòn nhận lỗi trước người dân buôn làng. Ảnh: Tư liệu

Để tuyên truyền vận động, số đối tượng cầm đầu, cốt cán đã lợi dụng các dịp thường tập trung đông người (ma chay, lễ hội, liên hoan nhà mới, đối tượng ra tù…) nhằm lôi kéo quần chúng tham gia “Tin lành Đêga”. Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt như thay đổi không tuyên truyền rõ nội dung, mà nguỵ trang che đậy bằng hình thức cầu nguyện cho người ở tù, cầu nguyện cho người ốm mau khỏi bệnh…. Thay đổi tên gọi của “Tin lành Đêga” bằng cách gọi Tin lành tách, Tin Lành mới, Tin lành của người dân tộc.

“Hiện nay các đối tượng hoạt động hết sức tinh vi, sử dụng mạng xã hội để liên lạc, tuyên truyền. Nên việc xoá bỏ Fulro gặp nhiều khó khăn”, Trung tá Thông cho biết.

“Tin Lành Đêga” vẫn là nguy cơ thường trực, tiềm tàng sự mất ổn định chính trị ở Tây Nguyên, vì vậy phải tập trung giải pháp một cách quyết liệt, triệt để nhằm đấu tranh xoá bỏ tà đạo Hà Mòn, “Tin lành Đêga” là một trong những yếu tố có tính quyết định trong việc xoá bỏ tổ chức phản động Fulro, ngăn chặn nguy cơ bạo loạn.

Thanh Luận