Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Chuyển đổi số sẽ góp phần cải thiện đời sống nông dân

07:06 12/03/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Chuyển đổi số trong nông nghiệp sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và đô thị, tạo điêu kiện để người dân nông thôn được hưởng chất lượng các dịch vụ như ở đô thị...
Ông Hoàng Xuân Ánh – Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng.

Đó là sự khẳng định của ông Hoàng Xuân Ánh - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng trong cuộc trao đổi với Phóng viên Tạp chí Nông thôn mới về Chương trình chuyển đổi số trong nông nghiệp ở địa phương.

Để triển khai chuyển đổi số trong nông nghiệp, hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh, UBND tỉnh Cao Bằng đã có những Nghị quyết, chương trình hành động cụ thể nào, thưa ông?

Tại Cao Bằng để thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành Kế hoạch số 2769/KH-UBND ngày 10/11/2020 về chuyển đổi số tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 nhằm xác định các nội dung, nhiệm vụ chung về chuyển đổi số của tỉnh, qua đó chỉ đạo các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số.

Tỉnh Cao Bằng đã xác định một số lĩnh vực nông nghiệp để chuyển đổi số gồm:

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

Tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành Nông nghiệp về đất đai, cây trồng, vật nuôi… Thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số.

Tăng cường ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp.

UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 712/KH-UBND ngày 31/3/2021 về thí điểm mô hình chuyển đổi số cấp xã trên địa bàn tỉnh năm 2021, làm mô hình điểm để nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh, đã lựa chọn 02 đơn vị cấp xã có lợi thế về thu hút du lịch, có nét đặc trưng về truyền thống văn hóa, có sản phẩm nghề truyền thống và là xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong giai đoạn 2021 - 2025 để triển khai thí điểm chuyển đổi số, gồm xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa do VNPT Cao Bằng phối hợp triển khai và xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh do Viettel Cao Bằng phối hợp triển khai.

Xin ông cho biết một số kỳ vọng của tỉnh Cao Bằng trong chuyển đổi số ở lĩnh vực xây dựng nông thôn mới (NTM) và NTM thông minh?

Khi triển khai chuyển đổi số ở lĩnh vực xây dựng NTM thì hạ tầng và kết nối mạng Internet đến xã, thôn sẽ được đầu tư phát triển, nâng cao năng lực tiếp cận dịch vụ viễn thông của người dân và hệ thống thông tin điện tử trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch và thương mại điện tử....  cũng sẽ phát triển, sẽ có những tác động tích cực tới các lĩnh vực:

Về kinh tế: Thực hiện chuyển đổi số trong phát triển kinh tế nông thôn như ứng dụng công nghệ số thực hiện quản lý mã số vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi; ứng dụng trực tuyến hỗ trợ công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử trong phát triển sản phẩm OCOP và du lịch nông thôn. Thực hiện hiệu quả được nhiều mục tiêu như: Các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững thông qua các ứng dụng công nghệ số; có các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu và các mô hình dịch vụ du lịch trải nghiệm tại nông thôn được số hóa; các chủ thể OCOP áp dụng thương mại điện tử đối với sản phẩm OCOP… 

Về văn hóa xã hội: Quá trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM hướng tới NTM thông minh sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và đô thị, tạo điều kiện để người dân nông thôn được hưởng chất lượng các dịch vụ như đô thị. Chương trình sẽ đẩy mạnh thúc đẩy chính quyền số, trong đó nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, khả năng tiếp cận với hạ tầng kỹ thuật số, thúc đẩy đời sống của người dân nông thôn.

Về môi trường: Chương trình được triển khai sẽ góp phần thực hiện mục tiêu về môi trường gắn với Chương trình NTM, góp phần giám sát chất lượng môi trường các cơ sở sản xuất, chế biến, làng nghề có chất thải rắn nguy hại; chất lượng nước sinh hoạt của người dân nông thôn.

Ứng dụng công nghệ nhà màng và tưới nhỏ giọt tại xã Đức Hồng (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng).

Trong triển khai xây dựng chuyển đổi số, các doanh nghiệp cung cấp về hạ tầng thông tin, viễn thông là yếu tố quan trọng, vậy tỉnh Cao Bằng đã có những cơ chế, chính sách để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư, thưa ông?

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Cao Bằng các doanh nghiệp cung cấp về hạ tầng thông tin, viễn thông chủ yếu là doanh nghiệp ngành dọc, Tập đoàn viễn thông lớn của cả nước như VNPT, Viettel, Mobifone… triển khai cung cấp hạ tầng, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin. Tỉnh Cao Bằng luôn ủng hộ và ưu tiên chỉ đạo các cơ quan, chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi, cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý thông thoáng đồng hành cùng doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh…

UBND tỉnh đã ký kết thoả thuận hợp tác với Tập đoàn Bưu chính - viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) về hỗ trợ triển khai cung cấp hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian tới, Cao Bằng tiếp tục triển khai tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh, chuyển đổi hạ tầng công nghệ thông tin thành hạ tầng số ứng dụng công nghệ điện toán đám mây theo hướng thuê dịch vụ của các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin, huy động các doanh nghiệp tham gia tư vấn, cung cấp dịch vụ cho tỉnh.

Thưa ông, chuyển đổi số có hiệu quả nhất là đối với cấp xã, bởi liên quan trực tiếp tới người dân. Vậy ở Cao Bằng chuyển đổi số đã có sự thay đổi như thế nào ở các xã, đặc biệt là những xã đã về đích NTM?

Trước hết phải thẳng thắn nhìn nhận, tỉnh Cao Bằng mới chỉ đang triển khai những bước đầu tiên trong tiến trình chuyển đổi số. Để đánh giá được sự thay đổi rõ rệt mà chuyển đổi số đem lại đặc biệt trong xây dựng NTM cần phải có một quá trình và đòi hỏi thêm thời gian để triển khai đồng bộ các giải pháp về chuyển đổi số.

Tuy nhiên, cũng có thể nhận thấy rằng, đối với những xã đã về đích NTM đã có những sự thay đổi tích cực bước đầu mà chuyển đổi số đem lại:

- Thứ nhất, dịch vụ viễn thông, Internet, tất cả các thôn, bản trên địa bàn xã đều đáp ứng nhu cầu sử dụng ít nhất một trong hai loại dịch vụ truy nhập Internet là băng rộng cố định mặt đất hoặc trên mạng viễn thông di động mặt đất.

- Thứ hai, về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, UBND cấp xã đều đã được triển khai các ứng dụng phục vụ hoạt động chỉ đạo điều điều hành cũng như cung cấp dịch vụ công trực tuyến tốt hơn phục vụ người dân.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Tính (thực hiện)