Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cựu chiến binh làm giàu từ đào ao nuôi cá

07:09 27/07/2021 GMT+7

Trên mảnh đất không lớn của gia đình, người thương binh 3/4 ở Phường 1 TP. Cà Mau đã làm giàu từ mô hình nuôi cá, ếch, ba ba. Thu về hơn nửa tỷ đồng mỗi năm.

Ông Lâm Anh Lữ và mẫu công trình “ Nhà kỷ niệm vùng căn cứ kháng chiến chống Mỹ cứu nước hướng Bắc thị xã Cà Mau”.

Nuôi kiểu cuốn chiếu, lấy ít nuôi nhiều

Không ai nghĩ rằng, trên mảnh đất chưa đầy 4.000m2, một nông dân là thương binh 3/4 đã gần 75 tuổi lại có thể làm giàu từ mấy cái ao tưởng chừng như bỏ đi vì nhiễm phèn, mặn. Nhưng ông đã làm được và thành công, rồi trở nên khá giả từ mảnh đất ấy. Đó là ông nông dân Lâm Anh Lữ, thương binh 3/4, một Cựu Chiến binh thời kháng chiến chống Mỹ, hiện đang sinh sống tại 243C Lý Văn Lâm khóm 6 phường 1 TP. Cà Mau.

Hằng năm cứ mỗi dịp tháng 27/7, ông Lữ lại bồi hồi nghĩ về những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Trong một trận đánh vào thị xã Cà Mau năm 1971, đơn vị thương vong lớn, còn ông bị hàng chục vết đạn M16 và mảnh pháo. Hòa bình lập lại, công tác trong quân đội đến cấp trung úy, sau đó nông về làm nông với mong muốn thoát nghèo.

Khi trở về quê hương, ông phải vay mượn tích cóp, tốn không biết bao nhiêu công sức cải tạo đất. Nhờ kiên trì, chịu khó, từ mảnh đất lau sậy mặn phèn, đã trở nên màu mỡ giúp ông thoát khỏi đói nghèo và làm giàu vững chắc.

Trên diện tích đất, ông quy hoạch 2 ao lớn (có 1 ao thuê) rộng hơn 2.000m2. Cứ 2 – 3 tháng thu hoạch xong kèm thả giống, mỗi đợt ông thu về từ 2,5-3 tấn cá tra và cá rô phi. Tính theo thời giá thấp nhất hiện nay 28.000 đồng/kg, ông bỏ túi từ 75-80 triệu đồng/vụ thu hoạch. Mỗi năm thu hoạch kiểu cuốn chiếu như vậy được từ 5-6 đợt, ông đã thu về từ 400-500 triệu đồng tiền cá.

Trên mặt ao, ông bao lưới thả hàng chục ngàn con ếch, cứ mỗi tháng bổ sung ếch giống mới, ông Lữ lại có ếch bán hàng ngày cho các vựa, lái thu mua. Từ đầu năm đến nay, dù Covid-19 gây ra rất nhiều khó khăn nhưng ngày nào ông cũng đều đặn lựa được bán 20kg ếch cho các vựa vào tận nơi thu mua, bỏ túi gần 1 triệu đồng mỗi ngày.

Chưa kể, mấy ao nhỏ khác kèm hàng chục hồ xi măng trên bờ, ông nuôi hàng chục ngàn con ba ba theo kiểu cuốn chiếu nên hàng tháng đều lại có vài chục ký ba ba từ 1kg đến 1,5kg để bán. Với giá dao động từ 160.000 đồng đến 220.000 đồng/kg hiện nay, mỗi tháng tiền ba ba ông thu về hàng chục triệu đồng…
Bí quyết của ông, chính là nuôi cuốn chiếu, lấy công làm lời, lấy ít nuôi nhiều. Quan trọng hơn là phải chịu thương chịu khó.

Ông Lữ đang gây lại giống đàn heo rừng. Trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, đàn heo rừng gần 300 con của ông thu lợi vài trăm triệu đồng/năm.

Làm giàu từ ý chí của bộ đội Cụ Hồ

Nhờ đào ao nuôi cá, các con ông đều trưởng thành, 2 người là bác sỹ Đông y, 1 người là bác sỹ Bệnh viện Cà Mau, 1 người làm giảng viên Đại học Bình Dương, 1 người làm ở ngân hàng. Một người còn lại ở ấp Đường Đào xã Hồ Thị Kỷ, Thới Bình học theo ông làm giàu từ nuôi tôm, cá, dê, gia cầm.

Trước nhà, ông xây cho các con một phòng mạch và bãi đỗ rửa xe hàng nghìn mét vuông. Dạy con thành tài phục vụ đất nước, ông vẫn chưa mãn ý. Ông còn mong muốn truyền lại ngọn lửa cách mạng cho các thế hệ sau.
Được ông Nguyễn Hoàng Dân, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh TP. Cà Mau giới thiệu trước, mới được biết ông Lữ đang là chủ chốt, đứng ra vận động xây dựng một công trình ghi dấu truyền thống cách mạng của quân dân TP. Cà Mau những năm chống Mỹ.

Được biết cả chục năm nay mỗi dịp 30/4 và lễ 2/9, ông đứng ra tổ chức buổi gặp mặt với hơn 300 đồng đội tề tựu và dùng bữa cơm đồng đội. Vừa gặp mặt, vừa ôn lại kỷ niệm một thời đạn bom, vừa giáo dục cho con cháu biết những hy sinh anh dũng của các thế hệ người đi trước cho độc lập hôm nay.

Ông Lâm Anh Lữ làm giàu từ mô hình đào ao nuôi cá, ba ba, ếch.

Cũng từ buổi gặp mặt, từ một ý tưởng của người đồng đội ở đội biệt động, mọi người đều mong muốn có một “Nhà kỷ niệm vùng căn cứ kháng chiến chống Mỹ cứu nước hướng Bắc thị xã Cà Mau” đặt tại căn cứ năm xưa ở ấp Ngã Bát, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình với dự toán 450 triệu đồng. Mọi người đồng lòng nhưng không có kinh phí, ông xuất ngay 220 triệu tiền mặt và đứng ra quyên góp. Con cháu thành đạt của những đồng đội cũ cũng sẵn sàng ủng hộ phần còn lại. Vậy là nhà kỷ niệm đã được gấp rút thi công, mong kịp đưa vào sử dụng ngay dịp 27/7 năm nay.

Ông thông tin, nhà kỷ niệm này diện tích 9×13,5m2, tưởng niệm hơn 100 liệt sỹ đã hy sinh, hình ảnh các Mẹ Việt Nam Anh hùng, trưng bày lịch sử của các đơn vị Thị ủy, lực lượng vũ trang thị xã Cà Mau đã đóng quân chiến đấu từ năm 1961 (thời điểm cách mạng thành lập thị xã Cà Mau) đến ngày toàn thắng 30/4/1975.

Đại tá Nguyễn Thế Hùng, nguyên Chỉ huy phó Chính trị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bạc Liêu, một đồng đội mấy chục năm với ông khẳng định: “Ông Lâm Anh Lữ là một cán bộ trí thức trung kiên, rời bỏ thị xã vào vùng kháng chiến cầm súng theo cách mạng. Cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, chịu thương chịu khó nên hiểu đất sẽ không phụ người. Và càng hiểu hơn giá trị của hòa bình, nên trăn trở của ông Lữ là tận đáy lòng của một người lính trận với quê hương”.

Thấy tôi cứ chăm chú vào những tấm huân huy chương do Đảng Nhà nước trao tặng, nhiều bài báo viết về đơn vị biệt động thị xã Cà Mau được ông trang trọng treo trong tủ kính. Ông cười, cả đời ông học theo lời Bác dạy trong thời chiến là “không có gì quí hơn độc lập tự do” nên ông theo Đảng chiến đấu đến cùng. Thời bình, ông học câu nói của Bác: “Thương binh tàn, nhưng không phế”.

“Thời chiến ông Lữ là người lính Cụ Hồ kiên trung với Ðảng, với dân và giữ nhiều cương vị quan trọng. Thời bình, ông lại hăng hái cống hiến cho xã hội, tích cực lao động sản xuất” – ông Lê Minh Thăng, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Phường 1.

Hoàng Nam