Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ các vấn đề liên quan đến livestream bán hàng

Minh Tú - 17:30 04/06/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi) - Chiều 4/6, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp 7 nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực công thương. Nghị trường đã thực sự nóng lên khi nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời rõ ràng về vấn đề livestream bán hàng, thuế nhà nước và quyền lợi người tiêu dùng.

Livestream bán hàng có doanh thu một ngày trăm tỷ đồng

ĐBQH đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) cho rằng việc livestream bán hàng trên nền tảng mạng xã hội có doanh thu 1 ngày có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng. Từ đó, ĐBQH tỉnh Phú Yên đặt vấn đề: Với những hình thức thương mại điện tử như vậy thì làm sao để quản lý về chất lượng, đảm bảo quyền lợi của khách hàng; đồng thời có nguy cơ hàng giả tràn lan, vậy Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý Thị trường nhận định và xử lý vấn đề này như thế nào?

ĐBQH đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) chất vấn Bộ trưởng (Ảnh: VPQH)

Ông đề nghị Bộ trưởng Diên cho biết thông tin này đúng hay không? Nếu đúng, ông Nghĩa đề nghị Bộ trưởng cho biết quản lý hình thức thương mại điện tử như thế nào.

Hơn nữa, ông Nghĩa thấy giá bán ở các phiên livestream thường thấp hơn giá đại lý rất nhiều, tiềm ẩn gây bất ổn thị trường. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nhận định vấn đề này và cách xử lý; đồng thời có thể học hỏi kinh nghiệm nào trên thế giới để giải quyết triệt để?

Cùng quan tâm tới nội dung chất vấn của Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, ĐBQH Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) nêu thực tế, đơn hàng bán qua Facebook, Zalo... của người bán hàng nước ngoài, sau đó được xuất khẩu qua biên giới, chuyển phát nhanh và vận chuyển vào Việt Nam. Tuy nhiên, hiện chưa có chế tài xử lý với người bán hay sàn thương mại điện tử khi xảy ra tình trạng hàng giả, nhái. "Giải pháp thế nào khắc phục tình trạng này, bảo vệ người tiêu dùng?", Đại biểu Tạ Văn Hạ nêu câu hỏi.

Trả lời các câu hỏi liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thừa nhận "thực sự khó khăn trong quản lý bán hàng online, livestream". Theo ông, trách nhiệm quản lý này không chỉ của ngành Công Thương, cần sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan như thông tin truyền thông, tài chính...

Giải pháp tốt nhất, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên là sự phối hợp giữa các cơ quan. Với ngành Công Thương, lực lượng quản lý thị trường tăng rà soát, kiểm tra để phát hiện, đấu tranh làm rõ hành vi sai phạm của các đối tượng bán hàng online. Bộ này cũng tăng chia sẻ dữ liệu với các cơ quan, để kịp thời xử lý sai phạm, chống thất thu thuế. "Hoạt động của các đối tượng kinh doanh này thường biến hóa khôn lường, quy định pháp luật cần kịp thời sửa đổi phù hợp thực tế ", ông nói.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn (Ảnh VPQH)

Hiện, tốc độ phát triển thương mại điện tử bình quân khoảng 20-25% một năm, quy mô thương mại 21 tỷ USD. Vì thế, ông Diên nói cần tăng vai trò quản lý Nhà nước của địa phương trong xem xét xử lý xung đột lợi ích. Trường hợp chứng minh được vi phạm của người bán online, livestream... thì ngành chức năng xóa vĩnh viễn các trang kinh doanh online là phù hợp. Việc này sẽ giúp từng bước giảm vi phạm pháp luật trong bán hàng online.

Chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công thương, ĐBQH tỉnh Phú Yên tiếp tục giơ biển xin tranh luận. "Tôi đề nghị Bộ trưởng trả lời thẳng vào câu hỏi là các livestream vừa rồi Bộ biết không, thật hay ảo, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như thế nào?", Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam Đỗ Chí Nghĩa tiếp tục truy vấn.

ĐBQH Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) băn khoăn về vấn đề bảo vệ người tiêu dùng (Ảnh VPQH)

ĐBQH Đỗ Chí Nghĩa cũng cho rằng giải pháp của Bộ Công Thương là quản lý các sàn thương mại điện tử thì rất dễ vì đã có định danh nhưng theo ông, các cá nhân bán hàng mới là vấn đề đáng lo, họ livestream bán hàng doanh thu cả trăm tỷ đồng mỗi ngày là vấn đề rất lớn. Nếu như đi theo giải pháp là xóa các trang như Bộ trưởng trình bày thì cũng không giải quyết được vì lập lại trang mới rất dễ. Đại biểu này cũng cho rằng cứ đuổi theo như vậy khó giải quyết dứt điểm vấn đề này. "Cảm giác nếu không đi đúng hướng thì cơ quan quản lý rất vất vả, cứ đuổi theo như một ma trận, trong khi người tiêu dùng thì lãnh đủ, thuế thì thất thu", ông bình luận.

Thương mại điện tử mang về 50.000 tỷ đồng tiền thuế 5 tháng đầu năm

Đối với giải pháp chống thất thu thuế, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, theo thống kê, nộp thuế trong lĩnh vực này của năm 2003 tăng trên 16% so với năm 2022. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận còn thất thu thuế trong lĩnh vực này. Bộ Công thương tích cực phối hợp với ngành thuế và Bộ Tài chính chia sẻ dữ liệu của hơn 900 website và gần 300 ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử để thực hiện rà soát và tăng cường quản lý thuế trong thương mại điện tử.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử chia sẻ liên thông với các bộ ngành liên quan để phục vụ công tác quản lý thuế và hải quan. Khẩn trương hoàn thành kết nối hệ thống giữa cơ quan chức năng của Bộ Công thương và Tổng cục thuế để trao đổi dữ liệu các website ứng dụng thương mại điện tử bán hàng trong tháng 6/2014.

Một giải pháp khác, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương là tăng cường phối hợp với Bộ Công an trong áp dụng định danh điện tử cho người bán trên sàn giao dịch để tăng cường hiệu quả quản lý, chống thất thu thuế. Tích cực thanh kiểm tra, xử lý vi phạm các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân hoạt động trên thương mại điện tử không kê khai thuế.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết, để tăng cường quản lý hướng dẫn hỗ trợ người tiêu dùng, Bộ đã công khai danh sách các website thương mại điện tử về phản ánh về việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Về lo ngại lợi dụng biện pháp này để cạnh tranh không lành mạnh, nói xấu nhau, Bộ trưởng cho biết Bộ thực hiện quy trình tiếp nhận, công khai thông tin rất chặt chẽ với các yêu cầu cụ thể….

Tham gia trả lời chất vấn của các ĐBQH, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thời gian qua Bộ Tài chính "rất quyết liệt" trong thu thuế của sàn giao dịch thương mại điện tử. Để làm được việc này, Bộ đã mở cổng thông tin điện tử về sàn xuyên biên giới để hướng dẫn các tổ chức, cá nhân nộp thuế.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc tham gia trả lời chất vấn của ĐBQH 

Trong công tác phối hợp thực hiện, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp một cách quyết liệt với Bộ Công thương, Bộ Thông tin Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Công an. Theo đó, việc kết nối cơ sở dữ liệu dân cư bằng 71,37% với 663.157 lượt kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an; quản lý và chia sẻ với Bộ Công thương 929 sàn thương mại điện tử; đã kiểm tra, đối chiếu 361 sàn thương mại điện tử để thực hiện kết nối và quản lý. Ngân hàng Nhà nước đã cung cấp 144 triệu tài khoản, trong đó là khoảng 10 triệu tài khoản của các tổ chức, còn lại 134 triệu tài khoản của cá nhân ở 96 của ngân hàng.

Kết quả, năm 2022 thu được 83.000 tỷ đồng, 2023 thu được 97.000 tỷ đồng và 5 tháng đầu năm nay thu được 50.000 tỷ đồng. Theo ông Phớc, hiện có 96 nhà cung cấp nước ngoài như Facebook, Google, Tiktok đã đăng ký và nộp thuế ở cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính về sàn thương mại điện tử. Hiện, các tập đoàn lớn này đã nộp được 15.600 tỷ đồng về thuế thương mại điện tử.

Sắp tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chỉ đạo các tỉnh, thành giao cơ quan thuế thu thuế qua sàn giao dịch thương mại điện tử. Trong đó, nhà chức trách tập chung chính ở Hà Nội và TP HCM.

Về xuất nhập khẩu, ông Phớc cho hay đã chỉ đạo hải quan triển khai "hải quan thông minh" và trở thành thành viên của hải quan thế giới. Bộ Tài chính cũng triển khai thanh toán điện tử toàn bộ, nộp thuế điện tử, để chống buôn lậu và thông quan một cách chuyên nghiệp. Hơn nữa, thời gian tới Bộ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hải quan để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp.

Quốc hội bàn về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa 2025-2035
Hôm nay, Quốc hội sẽ bàn thảo một số nội dung quan trọng liên quan tới Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật cảnh vệ...