Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Đắk Lắk: Giá sầu riêng giảm, nông dân bất an

Nguyên Đức - 16:54 08/09/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Sau hơn ba tháng tăng ở mức cao, sầu riêng tại Đắk Lắk đang rơi vào tình trạng giảm giá liên tục suốt tuần qua. Dự báo hai tuần tiếp, là cao điểm vào vụ chín rộ của loại trái cây này, thị trường sẽ có thể còn giảm giá tiếp. Điều này đang khiến hàng trăm hộ nông dân trồng sầu riêng lo lắng vì có thể lặp lại tình cảnh họ từng khốn khổ cách đây hai năm.
Thu gom chế biến sầu riêng.

Theo các hộ trồng sầu riêng, mùa vụ 2021, sầu riêng tại Đắk Lắk ở mức giá tệ hại chưa từng thấy. Nhiều vườn sầu được các đầu nậu định giá chưa đến 4.000 đồng/kg, thay vì có mức giá hàng chục ngàn đồng trước đó. Nhiều bà con nông dân ngậm ngùi chia sẻ, sẽ rút kinh nghiệm để không còn “vướng bẫy đầu nậu” nữa. Nhưng phải chăng chỉ hai năm sau, vấn đề lại tái diễn?

Phải chăng “tham bát bỏ mâm”?

Ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk cho biết, vấn nạn sầu riêng và các loại nông sản Tây Nguyên “được mùa mất giá, được giá mất mùa” đã diễn ra rất nhiều năm rồi. Căn nguyên là bà con nông dân thường không liệu định được tình hình, trước mỗi vụ mùa thu hoạch lại theo lời thương lái đầu nậu đưa giá bán cao để mong được lãi nhiều, khi vào chính vụ sẽ bị ép giá bán tháo. Bởi các loại nông sản chỉ có thời vụ thu hoạch nhất định, khâu bảo quản không cho phép kéo dài, nên người nông dân buộc phải chấp nhận những mức bán lỗ vốn nếu không kịp tiêu thụ hết. Do đó, cứ hễ vào vụ nào, đầu nậu lại hô đẩy giá lên cao, khiến thị trường tiêu thụ lập tức khó khăn.

Kiểm tra thu hoạch sầu riêng tại vườn nông dân.

Với mùa sầu riêng 2023, Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk đã thông tin cảnh báo từ trước, tổ chức cả hội nghị kết nối nông dân với các tổ chức doanh nghiệp chế biến thu mua, mong tạo quan hệ bền vững đảm bảo đầu ra ổn định cho bà con. Nhưng đây là năm đầu tiên vùng sầu riêng Tây Nguyên có các đơn hàng xuất khẩu chính ngạch đi Trung Quốc, tiếp nối thành công gắn kết vùng sản xuất từ Lễ hội sầu riêng 2022, nên dư luận hết sức quan tâm đến cơ hội sầu riêng lên giá. Nắm bắt tâm lý này, các đầu nậu trung gian lại tiếp tục xuất hiện, đưa giá mua vượt ngưỡng nhiều năm, cao điểm giá cọc sầu riêng Dona loại A tại vườn tăng đến 100.000 đồng/kg. Mức giá này vượt quá cao so với chỉ số giá bình thường tầm 40.000 – 60.000 ngàn đồng/kg, nên đa số vườn nông dân đều phấn khởi mà chiều theo đầu nậu. Cá biệt có vườn sầu đã hợp đồng chăm sóc bao tiêu với đơn vị thu mua từ trước, cũng sẵn sàng “bẻ cọc” để có giá bán cao hơn thỏa thuận.

Theo đó, thị trường giá sầu riêng Đắk Lắk liên tiếp ở mức cao hàng tuần. Thông tin từ giới thương lái cho biết, phía Trung Quốc chỉ chấp nhận các đơn hàng từ 90.000 – 95.000 đồng/kg, tính ra giá thu mua chế biến của doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu không thể quá 70.000 đồng/kg. Song đa số nông dân vẫn tin vào dư luận đồn thổi, giữ giá bán cao cho đến hiện tại, khi mùa vụ bắt đầu chín rộ, thông tin sầu riêng trở ngại tại các cửa khẩu mới bắt đầu lan tỏa, người nông dân mới giật mình nhận ra bài học chưa xa, của năm 2021 sẽ tái diễn.

Cần một tinh thần hợp tác

Bà Nguyễn Thái Thanh, Giám đốc Công ty cổ phần Ban Mê Green Farm, một đơn vị đầu mối chế biến ở Buôn Ma Thuột cho biết, đơn vị bà đã hợp tác một số vườn nông dân, xây dựng mã vùng xuất khẩu, bỏ chi phí chăm sóc vườn cây từ nhiều tháng, chi phí tốn hàng trăm triệu đồng. Nhưng đến mùa, khi giá cả thị trường dao động, nông dân không bán cho doanh nghiệp, gây khó khăn cho kế hoạch xuất khẩu. Đến nay, tình hình tiêu thụ ách tắc, nông dân mới liên lạc lại, thì tiến độ đã rất trễ nãi, thu hoạch không kịp gia công chế biến, mọi chi phí đều tăng lên, doanh nghiệp thật sự vất vả.

Sầu riêng bóc múi cấp đông xuất khẩu sang Trung Quốc.

Bà Thanh chia sẻ, nếu bà con nông dân biết giữ chữ tín, kiên trì hợp tác, đừng tin vào những đồn thổi thị trường, thì tình hình sẽ tốt hơn nhiều. Hiện tại, nếu vào vụ chính, các đầu nậu “bom vườn” không thu hoạch đúng cam kết, nông dân sẽ lại bế tắc điêu đứng như những mùa vụ trước. Năng lực doanh nghiệp lại có hạn, không thể trong một vài tuần giải quyết được hết các đơn hàng. Cho nên, thực sự vùng nông sản chuyên canh rất cần có được tinh thần hợp tác của các bên, cùng nhau xây dựng quan hệ kết nối, doanh nghiệp hỗ trợ nông dân đầu tư vào đồng ruộng, nông dân cũng phải giữ tín đồng hành thu hoạch với doanh nghiệp.

Quan trọng hơn, các HTX nông nghiệp, là đầu mối kết nối, rất cần linh hoạt và chủ động, thông tin cho bà con nông dân thấu đạt tình hình để đừng dao động. mới có thể hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp hợp tác hiệu quả. Cạnh đó, Hội Nông dân với vai trò định hướng, cũng có thể đồng hành cùng người nông dân trong định vị tình hình, đẩy lùi nạn thông tin từ các đầu nậu trung gian, sẽ rất tích cực để người nông dân ổn định được đầu ra tiêu thụ nông sản.

Phân tích từ Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk cho thấy, chi phí sản xuất sầu riêng ở nông dân tối đa là 22.000 đồng/kg Dona loại A. Do đó, mức bán đến 60.000 đồng là đã có lợi nhuận tốt cho người nông dân tái đầu tư sản xuất. Nếu hợp tác cùng các doanh nghiệp chế biến để có các hợp đồng chăm sóc mùa vụ từ đầu, người nông dân rất dễ dàng có được cơ hội chăm sóc, phát triển tốt nông sản mà không lo thị trường biến động. Hiện tại, các cấp ngành quản lý, hội nghề nghiệp, HTX đều rất quan tâm vấn đề này, lại càng thuận lợi cho người nông dân lựa chọn giải pháp làm ăn tốt nhất.

Đáng tiếc là trong bối cảnh hiện nay, nhiều hộ nông dân vẫn không nắm rõ vấn đề, “chạy” theo thông tin thị trường, dẫn đến nguy cơ bị động khi thị trường đảo giá. Giá sầu riêng liên tục giảm trong thời điểm chính vụ, xem ra lại vẫn là câu hỏi hợp tác giữa người nông dân và các doanh nghiệp cần được tăng cường ra sao, mới có thể chấm dứt được những rủi ro tổn thất.