Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Đan Mạch - Việt Nam hội thảo về "Nông nghiệp cho tương lai"

Vân Nguyễn - 16:00 22/11/2023 GMT+7
Ngày 22/11, tại TP. Hồ Chí Minh, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam phối hợp với Cục Thú y và Thực phẩm Đan Mạch, Hội đồng Nông nghiệp và Thực phẩm Đan Mạch tổ chức Hội thảo chuyên đề “Nông nghiệp cho tương lai: Đối thoại Đan Mạch - Việt Nam về sản xuất nông nghiệp và thực phẩm xanh, tiết kiệm tài nguyên”.

Tham gia hội thảo có 9 công ty của Đan Mạch chuyên về lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản; sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm và các giải pháp lưu trữ kiểm soát nhiệt độ. Ngoài ra, dự hội thảo còn có nhiều đại diện của cơ quan bộ, ban ngành và các doanh nghiệp công - tư cùng tham gia để chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm, hợp tác phát triển nông nghiệp xanh.

Hội thảo đã tập trung thảo luận các giải pháp xanh, không chỉ nâng cao hiệu quả mà còn tăng cường tính bền vững cùng các phương pháp và công nghệ mới, sáng tạo, trong sản xuất nông nghiệp và thực phẩm. Đây là cơ hội giúp các công ty nông nghiệp và thực phẩm Đan Mạch và Việt Nam xác định các lĩnh vực hợp tác tiềm năng, đặt nền tảng cho sự hợp tác hai bên cùng có lợi trong tương lai.

Các đại biểu Việt Nam - Đan Mạch tham gia chia sẻ kinh nghiệm. Ảnh: ĐVCC

Bà Mette Ekeroth, Phó Đại sứ Đan Mạch tại Hà Nội cho biết: Chuyển đổi xanh trong sản xuất nông nghiệp và thực phẩm luôn là chủ đề hợp tác trọng tâm giữa Đan Mạch và Việt Nam trong chương trình hợp tác ngành chiến lược hiện tại quan hệ đối tác Chiến lược xanh thiết lập gần đây giữa hai nước. Chúng tôi hy vọng chuyến làm việc của phái đoàn Nông nghiệp và Thực phẩm bền vững Đan Mạch sẽ tạo môi trường để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hai nước trong ngành thúc đẩy hợp tác, góp phần đặt nền móng cho tương lai ngành nông nghiệp và lương thực ở cả hai nước.

Bà Mie Ole Lauritzen, Giám đốc Food Nation Đan Mạch chia sẻ: Trong nhiều năm qua, ngành nông nghiệp và thực phẩm Đan Mạch đã liên tục đầu tư thiết bị và giải pháp mới giúp tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng tiêu thụ ít nước và năng lượng hơn. Hiện nay, Đan Mạch sản xuất lương thực nhiều gấp 3 lần mức dân số quốc gia này tiêu thụ, với lượng phát thải khí nhà kính thấp nhất ở châu Âu. Dân số Đan Mạch chưa tới 6 triệu người nhưng sản xuất cho khoảng 20 triệu người nên dư để xuất khẩu thực phẩm sang các nước.

Với những kinh nghiệm mà Đan Mạch đã có hơn 100 năm nay, sự chuyển đổi mạnh mẽ của ngành nông nghiệp, thực phẩm sau dịch Covid-19, Đan Mạch mong muốn chuyển giao công nghệ, hợp tác sản xuất nông nghiệp, thực phẩm xanh và giảm khí thải carbon tại các nước khác, cụ thể là Việt Nam.

Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Vân Nguyễn

Theo đánh giá của các doanh nghiệp Đan Mạch, Việt Nam là nước thích hợp để phát triển nông nghiệp và thực phẩm xanh. Tuy nhiên, trước mắt Chính phủ và các bộ, ngành, doanh nghiệp cần đẩy mạnh chuyển đổi trang thiết bị sản xuất hiện đại để ngành sản xuất, chế biến nông nghiệp có thể chuyển đổi theo hướng xanh, tiết kiệm năng lượng và giảm khí thải. Phải đáp ứng yêu cầu trên, thì ngành nông nghiệp, thực phẩm Việt Nam mới phát triển bền vững, an toàn và chất lượng.

Ông Jeppe Sondergaard Pedersen, Cố vấn trưởng quốc tế tại Hội đồng Nông nghiệp và Thực phẩm Đan Mạch cho biết: Thông qua hội thảo, Đan Mạch muốn chia sẻ những kiến thức có được và hy vọng tạo cảm hứng hơn nữa cho sự hợp tác mạnh mẽ với các đối tác quan trọng trong quá trình chuyển đổi xanh, tạo ra một tương lai tươi sáng hơn cho sản xuất nông sản xanh tại Việt Nam.

Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1971, Việt Nam và Đan Mạch đã có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và bền chặt. Vào đàu tháng 11/2023, Thủ tướng hai nước cùng tuyên bố thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh (GSP) giữa Việt Nam và Đan Mạch. Việc ký kết thỏa thuận này đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước cũng như thiết lập khuôn khổ vững chắc hỗ trợ Việt Nam phát triển nền kinh tế ít carbon, thích ứng với khí hậu và thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn.

Quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh sẽ xây dựng và củng cố sự hợp tác hiện có trong lĩnh vực khí hậu; môi trường và năng lượng; lương thực và nông nghiệp; hợp tác thương mại và kinh doanh; khoa học y tế và đời sống, đồng thời thống kê và các sáng kiến ​​thuộc các lĩnh vực khác mà các bên cùng quan tâm.