Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Danh nhân nước Việt tuổi Mão

07:58 22/01/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi) Theo quan niệm tín ngưỡng truyền thống, người tuổi Mão (sinh năm Mèo) thường linh động, tinh khôn, tài giỏi và thành đạt. Trong số các danh nhân góp phần làm rạng rỡ nền văn hiến Việt Nam, có nhiều người sinh năm Mão…
Danh tướng Trần Nhật Duật.

TUỔI ẤT MÃO

* TRẦN NHẬT DUẬT (1255-1331): Danh tướng, người anh hùng trong trận Hàm Tử đánh giặc Nguyên Mông (năm 1285); con thứ 6 của vua Trần Thái Tông, quê Nam Định. Không những rất giỏi việc chính trị, quân sự, thông thạo ngôn ngữ, phong tục tập quán của các sắc tộc trong và ngoài nước, mà ông còn là nhà sáng tác âm nhạc, nhà văn xuất sắc. Từng phò tá 4 triều vua Trần (Nhân Tông, Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông), làm quan đến chức Thái sư (Tể tướng), ông có nhiều công lao xây dựng và bảo vệ đất nước, đem lại an lành cho dân.

* NGUYỄN PHÚC CHU (1675-1725): Chúa thứ 6 nhà Nguyễn, quê Thanh Hóa. Là người học rộng, hiểu nhiều, song toàn văn võ. Ông lên ngôi Chúa từ năm 16 tuổi, trị quốc, an dân, đối ngoại đều xuất sắc. Có công mở mang bờ cõi phương Nam và lãnh hải, nâng cao nền giáo dục và trình độ quân sự nước nhà. Thời ông cầm quyền, Nam - Bắc hòa bình được nhiều năm, dân sống yên ổn, hạnh phúc. Ông là người có nhiều con nhất trong lịch sử Việt Nam (tất cả 146 người con!).

* NGUYỄN CÔNG CƠ (1675-1733): Danh thần thời Lê mạt, quê Hà Nội. Năm 22 tuổi đỗ tiến sĩ (là người giỏi nhất và trẻ nhất khoa này). Năm 1715 được cử làm Chánh sứ sang Trung Quốc, khi về ông được thăng Thượng thư Bộ Binh. Năm 1720, xét thưởng quan lại có thành tích trong 10 năm, đứng đầu nên được phong chức Đồng Tham tụng. Sau xin đổi sang ngạch võ, làm đến Thiếu bảo. Tuy quyền cao chức trọng nhưng ông rất đức độ, liêm khiết, nổi tiếng thanh bần.

TUỔI ĐINH MÃO

* TRẦN QUỐC TOẢN (1267-1285): Tôn thất nhà Trần, anh hùng trẻ tuổi trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, quê Nam Định. Đời Trần Nhân Tông, giặc sang xâm lược, vua họp các vương hầu để bàn cách đối phó; Quốc Toản (bấy giờ mới 16 tuổi) cũng đến nhưng vì còn nhỏ nên không được dự bàn, đã căm uất đến nỗi bóp nát quả cam đang cầm trong tay! Ông về tập hợp thanh thiếu niên, sắm sửa vũ khí, tự xuất binh đánh giặc. Tham gia nhiều trận lớn, lập những chiến tích vang dội và hy sinh năm 18 tuổi. Vua Nhân Tông thương tiếc, đích thân làm bài văn tế và truy tặng ông tước Hoài Văn vương.

Trần Quốc Toản. Tranh minh họa

* VÕ DUY THANH (1807-1861): Chí sĩ thời Nguyễn sơ, quê Ninh Bình. Học rộng biết nhiều, đỗ bảng nhãn nhưng đáng tài trạng nguyên nên được gọi là Trạng Bồng. Ông là nhà cải cách lớn, từng nhiều lần dâng sớ xin tăng cường lực lượng quốc phòng, chấn chỉnh việc nội trị, mở rộng bang giao, cải tổ giáo dục, văn hóa, kinh tế… với những ý tưởng sâu sắc, xác thực, tiến bộ. Ông còn có công phát hiện và bồi dưỡng nhiều nhân tài cho đất nước.

* PHAN BỘI CHÂU (1867-1940): Danh sĩ, chí sĩ, nhà chính trị xuất sắc thời cận đại, quê Nghệ An. Nổi tiếng thông minh từ nhỏ, năm 1900 đỗ giải nguyên trường thi Nghệ An. Nhiệt tình yêu nước, ngay năm 17 tuổi đã hưởng ứng phong trào Cần vương, viết bài hịch “Bình Tây thu Bắc” rồi cùng bạn thành lập Đội Sĩ tử Cần vương tại quê nhà. Năm 1904, ông vận động thành lập Hội Duy Tân, năm sau sang Trung Quốc, rồi Nhật Bản, gây dựng phong trào Đông du cứu quốc. Năm 1908, bị trục xuất khỏi Nhật, ông trở lại Trung Quốc, rồi sang Thái Lan xây dựng căn cứ chính trị. Sau Cách mạng Tân Hợi 1911 (Trung Quốc), thành lập Hội Việt Nam Quang phục; ông bị bắt giam ở Quảng Châu. Ra tù, càng tích cực hoạt động, năm 1922 cải tổ Hội Việt Nam Quang phục thành Đảng Việt Nam Quốc dân. Năm 1925, bị tay sai Pháp bắt cóc ở Thượng Hải, đưa về nước, chịu án khổ sai chung thân. Nhân dân toàn quốc đấu tranh đòi ân xá cho ông. Toàn quyền Pháp Varenne buộc phải ra lệnh giảm án, giam lỏng ông ở Huế và ông sống tại đây đến cuối đời (năm 1940). Ông để lại nhiều tác phẩm văn chương và báo chí giàu nhiệt huyết cách mạng, được phổ biến sâu rộng trong quần chúng với sức lay động lớn.

Phan Bội Châu.

TUỔI KỶ MÃO

* NGHIÊM ÍCH KHIÊM (1459-1520): Danh tướng thời Lê sơ, quê Bắc Ninh. Văn võ toàn tài, nổi tiếng thơ phú, hơn người sức khỏe và thông hiểu binh pháp. Đỗ tiến sĩ năm 1490, ông làm quan văn ít lâu rồi chuyển sang ban võ, giữ chức Cẩm y vệ Đô chỉ huy sứ. Ông và anh trai là Nghiêm Công Phụ (cũng đỗ tiến sĩ, làm quan cùng triều) được người đời trọng vọng cả về tài lẫn đức.

* ĐÀO CÔNG CHÍNH (1639-1716): Danh thần thời Lê Trung Hưng, quê Hải Dương. Từ bé đã nổi tiếng thông minh, năm 12 tuổi đỗ hương tiến (cử nhân), 22 tuổi đỗ nhất giáp tiến sĩ (trạng nguyên). Năm 1667, ông được cử làm Phó sứ sang Trung Quốc. Làm quan đến Tả Thị lang Bộ Lại, vào hầu kinh diên. Ông còn cộng tác với một số đại thần, biên soạn bộ sách y học “Bảo sinh diên thọ toan yếu” rất giá trị.

* LÊ QUANG ĐỊNH (1759-1813): Văn thần thời Nguyễn Sơ, quê Thừa Thiên-Huế. Rất thông tuệ, hiếu học, ông kết bạn với Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh và sau này cả ba đều tiếng tăm lừng lẫy, được người đương thời xưng tặng là “Gia Định tam gia”. Năm 1788, thi đỗ và làm quan cho chúa Nguyễn tới chức Thượng thư Bộ Binh. Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua (năm 1802), ông được làm Chánh sứ đi Trung Quốc, lúc về thăng Thượng thư Bộ Hộ. Nổi tiếng văn hay, chữ đẹp, hội họa giỏi, ông từng được vua Thanh khen ngợi tài năng và năm 1806 được vua Nguyễn cử biên soạn bộ “Hoàng Việt thống nhất dư địa chí”.

TUỔI TÂN MÃO

* NGUYỄN ĐĂNG ĐẠO (1651-1719): Danh sĩ thời Lê Trung Hưng, quê Bắc Ninh. Nổi tiếng văn thơ, năm 1682 đỗ hương tiến, năm sau đỗ nhất giáp tiến sĩ, ông được bổ nhiệm vào Viện Hàn lâm, làm quan thăng tới Tham tụng (tương đương Tể tướng). Đi sứ Trung Quốc 2 lần (năm 1687 và 1697), ứng đối cực giỏi, khiến vua quan nhà Thanh nể phục, coi như trạng nguyên hai nước (lưỡng quốc trạng nguyên). Ông từng cùng vợ đem hết tiền của dành dụm được cứu trợ dân nghèo, lại sống rất cần kiệm liêm chính, tận tụy vì nước, nên được người đương thời trọng vọng.

Công chúa Ngọc Hân. Tranh minh họa

* LÊ THỊ NGỌC HÂN (1771-1799): Hoàng hậu thời Tây Sơn, quê Hà Nội. Là công chúa thứ 21 của vua Lê Hiển Tông, nức tiếng xinh đẹp và tài hoa, năm 15 tuổi kết hôn với danh tướng Nguyễn Huệ. Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi (Quang Trung), thiết lập triều Tây Sơn, bà được phong làm Bắc cung Hoàng hậu, sát cánh cùng chồng trong sự nghiệp xây dựng, quản lý, phát triển và bảo vệ đất nước. Khúc ngâm “Ai tư vãn” của bà là tác phẩm đặc sắc trong nền văn học Việt Nam.

* ÔNG ÍCH KHIÊM (1831-1884): Danh sĩ, võ tướng thời Nguyễn Mạt, quê Quảng Nam. Tính khảng khái, cương trực, văn võ toàn tài. Năm 21 tuổi đỗ cử nhân, ông làm quan văn rồi quan võ. Rất giỏi nghệ thuật quân sự, từng đích thân cầm quân dẹp tan nhiều cuộc phản loạn. Ông còn là tác giả của một số bài thơ ý tứ đặc biệt sâu sắc, nặng tính thời cuộc.

TUỔI QUÝ MÃO

* MẠC ĐĂNG DUNG (1483-1541): Người khai sinh triều Mạc, quê Hải Dương. Vốn nhà nghèo nhưng ông có chí lớn, sức khỏe phi thường, hay đi đấu vật, thi lấy giải và làm nghề đánh cá để sống qua ngày. Năm 1516 (đời Lê Chiêu Tông), thi võ đỗ Đệ nhất Đô lực sĩ, làm quan dần thăng đến Thái sư. Ngày càng thâu tóm quyền lực, tới năm 1527 ông lật đổ được vua Lê, lập nên nhà Mạc và trở thành vị vua đầu tiên của vương triều này.

* NGUYỄN THIẾP (1723-1804): Danh sĩ, xử sĩ thời Lê mạt và Tây Sơn, quê Hà Tĩnh. Năm 20 tuổi đỗ hương giải, làm quan ít lâu rồi từ quan, về ở ẩn trên núi Thiên Nhận với nhiều tên hiệu. Nổi tiếng về tài năng thơ văn, tầm nhìn xa rộng và khí phách quân tử, ông được những người đứng đầu ba triều đại đối nghịch nhau (chúa Trịnh Sâm, Hoàng đế Quang Trung, vua Gia Long) đều kính trọng, mời giúp việc chính trị. Nể lời mời chân thành nhiều lần của Quang Trung, ông ra giúp nhà Tây Sơn, làm Viện trưởng Viện Sùng chính. Ông được coi là một “dị nhân” trong lịch sử Việt Nam.

* NGUYỄN CÔNG HOAN (1903-1977): Nhà văn hiện thực danh tiếng thời hiện đại, quê Hưng Yên. Say mê làm báo, viết văn bằng bút pháp chân thành, sống động, ông sớm nổi bật trên văn đàn với những truyện ngắn diễn tả cảnh đời thực tế, hài hước mà đầy xúc cảm, đẫm tình người. Từng giữ các cương vị quan trọng trong Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam và Ban Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, được tặng thưởng nhiều huân, huy chương, danh hiệu cao quý trong kháng chiến, lao động và nghệ thuật. Hơn nửa thế kỷ cầm bút, ông để lại hơn 200 truyện ngắn, 30 truyện dài, rất nhiều bài báo, bút ký, hồi ký, phê bình, tiểu luận về ngôn ngữ, văn chương và đời sống. Một số tác phẩm của ông đã được dịch ra hàng chục thứ tiếng nước ngoài và phát hành khắp thế giới.

Đông Hải (sưu tầm)