Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Bắc Giang

Hoàng Tính - 07:15 11/09/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi) - Những năm qua công tác đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Bắc Giang đã có nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế hộ gia đình và kinh tế - xã hội của địa phương.

Đào tạo nghề sát với nhu cầu người học

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Bắc Giang có 188 xã, chiếm 72% diện tích tự nhiên. Người dân tộc thiểu số ở tỉnh Bắc Giang có hơn 260 nghìn người, chiếm 14,26% số dân. Xác định tầm quan trọng của việc đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, trong những năm qua tỉnh Bắc Giang đã duy trì thực hiện tốt các chính sách của Trung ương cũng như ban hành những chương trình sát với thực tế tại địa phương.

Hướng dẫn, đào tạo chăn nuôi gà thu hút học viên học nghề ở Bắc Giang

Để làm tốt công tác đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, thời gian qua UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền công tác đào tạo nghề cho lao động là những người đồng bào dân tộc thiểu số; gắn việc rà soát, xác định danh mục nghề đào tạo với làm tốt công tác định hướng, tư vấn nghề cho người lao động.

Các ngành nghề đào tạo chủ yếu là: Chăn nuôi gia súc, gia cầm, sản xuất kinh doanh, điện dân dụng, máy nông nghiệp, trồng nấm, nuôi trồng thủy sản và cơ khí, du lich-dịch vụ... Từ đó công tác đào tạo nghề đã mở ra nhiều hướng đi mới cho bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn; nhiều lao động đã phát triển nghề được học, đem lại thu nhập khá, vươn lên thoát nghèo, làm giàu hiệu quả.

Để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả cao, các đơn vị được giao chỉ tiêu, nhiệm vụ thực hiện công tác đào tạo nghề (Trường nghề, Trung tâm GDNN-GDTX các huyện, thành phố) ngay từ đầu năm đã phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát lựa chọn ngành nghề phù hợp với từng vùng miền, đồng thời có kế hoạch tuyển sinh tại một cách cụ thể. Ngoài ra hình thức dạy nghề cũng được tổ chức sinh động, gần gũi với người học.

Được học nghề người dân tự tin làm chủ kinh tế

Có thể nói, những chính sách đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Bắc Giang trong thời gian qua là một trong những giải pháp căn cơ, thiết thực nhằm giúp cho cộng đồng các tộc người thiểu số có việc làm ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trở về từ các lớp đào tạo nghề, những người đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Bắc Giang đã tự tin áp dụng những kiến thức vào cuộc sống, công việc hàng ngày. Giờ đây họ đã có được kinh tế gia đình vững vàng và cuộc sống ngày một ấm no.

Sinh ra và lớn lên ở thôn Giáp Sơn (xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam) anh Lý Văn Đức người dân tộc Sán Dìu đã gắn bó với con gà từ nhỏ, chính vì vậy gia đình anh Đức đã lựa chọn con gà để chăn nuôi phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhưng khác với chăn nuôi nhỏ (cải thiện bữa ăn gia đình 30-50 con gà), khi chăn nuôi với số lượng lớn (hàng nghìn con gà) thì vấn đề về kỹ thuật chăn nuôi, phòng dịch bệnh… lại đòi phải có kiến thức chuyên sâu.

Với kiến thức được học từ lớp kỹ thuật chăn nuôi thú y giờ đây anh Đức đã mạnh dạn chăn nuôi hàng nghìn con gà

Anh Đức cho hay: Từ năm 2013 gia đình tôi cũng đầu tư chăn nuôi gà nhưng ít kinh nghiệm, vì vậy mà chăn nuôi không phát triển. Nhưng năm 2017 được UBND xã Cẩm Lý chọn tham gia vào lớp chăn nuôi thú y. Qua khóa học, tôi đã nắm vững được nhiều kiến thức trong chăn nuôi, giờ đây đã tự mình mổ gia cầm để chẩn đoán một số bệnh cầu trùng, đầu đen, gumboro, hen,… qua quan sát nội tạng.

“Trong chăn nuôi gà tập trung với đàn gà lớn thì việc phát hiện các dấu hiệu bệnh trên gà càng sớm càng tốt, bởi với số lượng đàn gà lớn khi phát bệnh ra cả đàn thì việc chữa trị rất tốn kém lại gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy người chăn nuôi phải tự mình có được kiến thức, để xử lý kịp thời trong quá trình chăn nuôi” anh Đức cho hay.

Với những kiến thức đã được học từ lớp học nghề chăn nuôi thú y cùng với những kinh nghiệm tích luỹ trong chăn nuôi hàng năm, giờ đây anh Đức đã tự tin phát triển đàn gà của đình mình. Hiện nay mỗi năm gia đình anh Đức đã có thu nhập trên 200 triệu đồng từ việc chăn nuôi gà thịt.

Anh Đức là một trong số hàng nghìn người đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Bắc Giang thời gian qua có cuộc sống khá giả nhờ được trang bị kiến thức, khoa học kỹ thuật từ những lớp học ở địa phương. Giờ đây anh đã mạnh dạn phát triển kinh tế, làm giàu ngay trên chính quê hương của mình.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Để đảm bảo cho công tác đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Bắc Giang phát triển tốt hơn nữa, tháng 3/2022 UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch số 990/KH-UBND về Đào tạo nghề cho người lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2022 – 2025.

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề, tăng thu nhập cho người lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trọng tâm là đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động tham gia sản xuất công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, dịch vụ; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Lớp học nghề chăn nuôi ong tại xã Nghĩa Phương (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) sát với nhu cầu thực tiễn nên thu hút được đông học viên 

Cụ thể, đến năm 2025, tỷ lệ lao động người dân tộc thiểu số qua đào tạo đạt 70%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 17%. Bảo đảm 100% người lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sau khi đào tạo nghề sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin về thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Bắc Giang.

Theo đó, giai đoạn 2022 - 2025 thực hiện tuyển sinh, đào tạo nghề cho tổng số lao động là 40.800 người gồm: Người lao động vùng đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), cơ sở hoạt động GDNN; cơ quan quản lý nhà nước về GDNN, lao động - việc làm; UBND cấp huyện, cấp xã; các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Phạm vi thực hiện tại 73 xã, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc địa bàn các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế và Lạng Giang theo quy định tại Quyết định số 861/QĐ-TTg.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Kế hoạch đề ra một số giải pháp đó là: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn xã hội về công tác chăm lo, đào tạo nghề cho người lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời cơ chế, chính sách về GDNN; các chương trình mục tiêu, đề án, dự án...

Kịp thời triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng trong hoạt động GDNN; Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo hiện đại cho các cơ sở GDNN; tăng quy mô đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Nâng cao chất lượng hoạt động dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo theo lĩnh vực, ngành nghề, cấp trình độ đào tạo cho người lao động trong đó có lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về GDNN cho người lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước trong hoạt động GDNN đối với hoạt động đào tạo nghề cho người lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về GDNN; đào tạo kỹ năng quản lý đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh Bắc Giang đào tạo cho hơn 15 nghìn người đồng bào dân tộc thiểu số (Lĩnh vực nông, lâm, thủy sản 65%, công nghiệp - xây dựng 20%, dịch vụ 15%); Qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 5,2% mỗi năm.