Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Đào tạo nhân lực chất lượng cao để ngành Nông nghiệp “vươn mình”

Minh Long - 06:39 26/01/2025 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Với mục đích đổi mới mạnh mẽ công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, các cơ sở đào tạo thuộc Bộ NN&PTNT đang tích cực đẩy mạnh tự chủ, đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2025 - 2030 nhằm tiếp tục triển khai thực hiện chiến lược, chương trình phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Theo GS.TS Phạm Bảo Dương, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang, chuyển hướng sang đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành Nông nghiệp thông minh, hiện đại là nhiệm vụ trọng tâm của các cơ sở đào tạo thuộc Bộ NN&PTNT.

Đổi mới đào tạo nguồn nhân lực phát triển nền nông nghiệp thông minh

Theo Bộ NN&PTNT, từ năm 2022 đến nay, công tác đào tạo, bồi dưỡng của Bộ đã đạt được những thành tựu nhất định, góp phần tích cực vào chuyển đổi cơ cấu kinh tế của ngành. Hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc Bộ tiếp tục được sắp xếp, kiện toàn về tổ chức bộ máy hoạt động. Với sự quan tâm đầu tư của Bộ và bằng các nguồn kinh phí khác nhau, các cơ sở đào tạo đã được đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học; đổi mới công tác tuyển dụng, thu hút, bồi dưỡng và nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên, giáo viên; thường xuyên rà soát, cập nhật và phát triển chương trình đào tạo, qua đó chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng từng bước được cải thiện. 

Những nỗ lực, cố gắng trên đã đóng góp quan trọng vào việc nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, góp phần quan trọng cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng nền móng đưa Việt Nam có vị trí trong số những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.

Đến nay, Bộ NN&PTNT có 11 cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ, bao gồm 8 viện nghiên cứu và 3 cơ sở sở giáo dục đại học với tổng số 40 chuyên ngành. Công tác tuyển sinh được các đơn vị quan tâm bằng nhiều hình thức như: Tăng cường quảng bá về thế mạnh của các cơ sở đào tạo; định hướng nghiên cứu các đề tài; điều kiện cơ sở vật chất, labo thực hành và các chính sách tạo thuận lợi cho các nghiên cứu sinh thực hiện các hoạt động nghiên cứu...

Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Bảo Dương, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang chia sẻ, là một trong 4 cơ sở giáo dục Đại học trực thuộc Bộ NN&PTNT, với 19 ngành đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp phục vụ nhu cầu đa dạng về nhân lực chất lượng cao của các địa phương, trong bối cảnh mới hiện nay nhà trường xác định, nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực đòi hỏi phải đổi mới để đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực phát triển nền nông nghiệp thông minh, hiện đại. 

“Nhà trường xác định rất rõ nhiệm vụ trọng tâm là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong cả lĩnh vực nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, đã dần chuyển hướng sang đào tạo nông nghiệp thông minh, công nghệ cao và ứng dụng trực tiếp vào sản xuất và đời sống. Cũng là đào tạo về trồng trọt, chăn nuôi, thú y, thủy sản nhưng hiện nay công tác đào tạo phải gắn với kiến thức mới, công nghệ mới đáp ứng trực tiếp yêu cầu của hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”, GS.TS Phạm Bảo Dương thông tin. 

Huấn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo tại Viện Nghiên cứu phát triển, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế. Ảnh minh hoạ

Hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, có tri thức, tay nghề cao

Thực hiện quan điểm chỉ đạo của Bộ giai đoạn 2025 -2030 là phát triển ngành Nông nghiệp hiệu quả, bền vững về kinh tế - xã hội và môi trường, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu thị trường. Sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững, phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Để thực hiện mục tiêu trên, giải pháp quan trọng là đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, đẩy mạnh chuyển đổi số… đồng thời tạo đột phá trong phát triển nhân lực, đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, tận dụng hiệu quả cơ hội cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế. 

Do đó, trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học cần chuyển đổi tư duy quản lý và nghiên cứu giảng dạy nhằm đạt mục tiêu “Hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, có tri thức, tay nghề cao để trở thành lực lượng chính trong quá trình phát triển kinh tế nông thôn: Xây dựng đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học đủ năng lực nghiên cứu, tiếp cận, chuyển giao công nghệ hiện đại và thúc đẩy đổi mới sáng tạo”. 

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nêu ra những vấn đề cấp bách cần giải quyết ngay như: Mục tiêu này đặt ra cho chương trình đào tạo đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, có tri thức tay nghề cao khi nào có tài liệu đào tạo? Trường nào xây dựng và triển khai đào tạo như thế nào? Vấn đề hợp tác liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo trong nước và quốc tế, đặc biệt là đẩy mạnh hợp tác, liên kết giữa các trường đại học, cao đẳng trực thuộc Bộ tiến triển như thế nào? Vấn đề luân chuyển cán bộ quản lý trong các khối trường cần thúc đẩy theo hướng nào để tạo nguồn quy hoạch cán bộ quản lý có tính chất kế thừa? Vì vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học cần đổi mới để phù hợp với xu hướng chuyển đổi nông nghiệp Xanh, tuần hoàn, giảm phát thải. Đây là cơ hội cho các nhà trường trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành NN&PTNT.

Mục tiêu đào tạo giai đoạn 2025 -2027 được Bộ xác định: Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là tiền đề quan trọng để nâng cao trình độ sản xuất, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và bảo đảm phát triển bền vững của ngành, trong đó, cần tập trung: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại ngành theo hướng gia tăng giá trị và phát triển bền vững; đào tạo nhân lực trình độ đại học và sau đại học theo hướng nâng cao chất lượng nghiên cứu và giảng dạy, từng bước hình thành đội ngũ chuyên gia đầu ngành có chất lượng, uy tín trong nước và quốc tế…

Cùng với đó, tiếp tục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, công nghệ số, công nghệ thân thiện với môi trường vào sản xuất nông nghiệp; nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành trong tổ chức sản xuất gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; cung cấp nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, hợp tác xã. 
 

Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp
(Tapchinongthonmoi.vn) - Chiều 13/5/2024 tại Hà Nội, Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam và Tập đoàn Tân Long (Tân Long Group) đã có buổi làm việc trao đổi hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cung ứng theo đơn đặt hàng của các Công ty trong hệ sinh thái của Tân Long Group. Sự hợp tác này mở ra tín hiệu vui cho các học viên sau khoá học “Đi học có lương, ra trường nhận việc”