Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Đầu tư nông nghiệp: Khó ở bài toán vốn

00:00 30/03/2018 GMT+7

Có hướng để phát triển đầu ra cho nông thủy sản nhưng nhiều nông dân, hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp (DN) nhỏ than thở vẫn khó tiếp cận nguồn vốn vay và vốn hỗ trợ để đầu tư. Do loay hoay dòng vốn hạn hẹp, lại nghẽn dòng vốn nên khả năng đầu tư nông nghiệp của họ hạn chế, mất đi lợi thế cạnh tranh.

Bà Mai Thị Thùy Trang, Phó Giám đốc công ty Thương mại sản xuất Tài Thịnh Phát (chuyên về nuôi và kinh doanh tôm cua cá sinh thái) ở xã Tam Giang, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau, cho biết vừa thế chấp sổ đỏ để có thể vay 500 triệu đồng của ngân hàng với lãi suất 8%/năm nhằm đầu tư hoạt động nuôi trồng thuỷ sản của công ty gia đình mới thành lập.

Nhiêu khê tiếp cận

Theo chia sẻ của bà Trang, nguồn vốn vay đó vẫn không đủ cho công ty đầu tư mở rộng sản xuất, tài sản thì đã thế chấp hết, trong khi bà không thể tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi phát triển nông nghiệp ở địa phương. Hiện nay, bà Trang đang muốn thành lập HTX để giúp các nông dân trong xã có đầu ra tôm cua cá ổn định và hiệu quả nhưng do đang kẹt vốn nên ý định này chưa tiến triển.

Để đầu tư nông nghiệp có “trái ngọt” thì cần gỡ nghẽn vốn vay, Ảnh: Minh họa

Ngay như lãi suất 8%/năm của DN nhỏ nêu trên đã cho thấy phần nào thiệt thòi so với các DN lớn. Điều này từng được ông Phạm Thái Bình, Giám đốc công ty TNHH Trung An (một trong những DN có sản lượng gạo xuất khẩu lớn nhất Cần Thơ), thừa nhận. Theo đó, DN của ông Bình được hưởng mức lãi suất vốn vay ưu đãi 5 – 6% dành cho DN xuất khẩu, còn thông thường những DN khác phải chịu mức 7 – 7,5%.

Những ngày gần đây, qua tiếp xúc của Thời báo Kinh Doanh với một số nông dân, HTX, chủ DN ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng được biết việc vay vốn để đầu tư vào nông nghiệp vẫn còn rất nhiêu khê.

Ông Quách Văn Quang, Giám đốc HTX Vĩnh Tiền ở thị xã Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng), than phiền là hoạt động HTX ở đây gặp khó khăn về nguồn vốn hoạt động kinh doanh trong nhiều năm qua.

Theo ông Quang, đối với HTX nông nghiệp chủ yếu là tập trung nông dân lại để hỗ trợ lẫn nhau, mỗi thành viên chỉ có từ 1 – 2ha đất sản xuất nông nghiệp nên nguồn vốn kinh doanh dịch vụ rất khó. Nguyện vọng phía HTX Vĩnh Tiền là được tiếp cận nguồn vốn tín chấp để có thể mở rộng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất lúa giống và lúa thương phẩm theo mô hình VietGAP.

Có thể thấy, thời gian qua đã có nhiều chính sách ưu đãi để nông dân, HTX, DN vay vốn đầu tư nông nghiệp, nhưng giữa chính sách và thực tế triển khai vẫn còn một khoảng cách nhất định.

Ngay tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) ngày 26/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh là không được để lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, người nông dân, DN thiếu vốn phát triển nông nghiệp.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý về tình trạng tín dụng đen ở nông thôn còn xảy ra, nói lên một điều là một bộ phận người dân chưa tiếp cận được nguồn lực từ ngân hàng. Ngoài cho vay hộ nông dân, ngân hàng này cần đẩy mạnh và có cơ chế cho vay HTX, DN nhỏ, siêu nhỏ ở nông thôn.

Phải gỡ điểm nghẽn

Điều đáng lo hiện nay là khả năng tiếp cận vốn ngân hàng còn khó khăn, nhiều DN đầu tư vào nông nghiệp thường tiếp cận tài chính thông qua các tổ chức tín dụng khác hoặc kênh phi chính thức, trong đó các kênh ưu tiên là dùng vốn tự có, qua kênh người thân, bạn bè, gia đình và tệ nhất là tín dụng đen.

Trong khi vay vốn từ người thân hay các tổ chức khác có mức lãi suất không chênh lệch nhiều so với kênh ngân hàng thì lãi suất từ nguồn tín dụng đen lại rất cao, từ 20 đến 25%/năm.

Chưa kể, đầu tư vào nông nghiệp vốn đã gặp nhiều khó khăn thì khi vay vốn, nhiều nông dân và DN còn phải trả các khoản chi phí không chính thức khác như “bồi dưỡng” cán bộ ngân hàng. Các DN nhỏ phải vay vốn ngân hàng với chi phí “đắt đỏ” hơn, với mức cao hơn các DN lớn khoảng 1-2%/năm như thừa nhận của ông Phạm Thái Bình.

Giới chuyên gia cho rằng do quá trình xin vay vốn tại ngân hàng đòi hỏi nhiều văn bản giấy tờ, đặc biệt là các yêu cầu xây dựng và chứng minh hiệu quả của phương án/dự án sản xuất kinh doanh trong ngành nông nghiệp đang vượt quá khả năng của nhiều DN, nhất là DN nhỏ và vừa.

Nhiều DN ở Đồng bằng sông Cửu Long bày tỏ rằng họ không thể vay vốn nếu không có tài sản đảm bảo. Bên cạnh đó, họ còn đối mặt với khó khăn là có tài sản nhưng không có đủ giấy tờ hợp pháp, hợp lệ để làm các thủ tục thế chấp.
Điển hình là các trường hợp DN được giao đất sử dụng, nhưng chưa được cấp giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đất.

Hoặc trường hợp DN có hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm nhưng lại không được thế chấp đất đai đó để vay vốn ngân hàng.

Một số loại tài sản vô hình của DN như nhãn hiệu DN, tài sản sở hữu trí tuệ (bí quyết kinh doanh, quy trình sản xuất đặc biệt…) cũng không được coi là tài sản đảm bảo.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, trong năm 2017 vừa qua đã có thêm gần 2.000 DN tập trung đầu tư vào khu vực nông nghiệp với giá trị vốn đầu tư hàng tỷ USD. Khoản vốn hoàn toàn của DN và huy động của tín dụng, trong đó có những tập đoàn rất lớn cũng đã đầu tư vào khu vực nông nghiệp. Ngay cả HTX kiểu mới năm vừa rồi cũng bùng nổ.

Với khí thế như vậy, từ những than phiền, thiệt thòi từ phía nông dân, HTX hay các DN nhỏ như hiện nay, lưu ý mới nhất “không để thiếu vốn phát triển nông nghiệp” của Thủ tướng Chính phủ là điều mà các tổ chức tín dụng, quỹ hỗ trợ cần suy ngẫm để gỡ nghẽn nguồn vốn vay cho đầu tư nông nghiệp trong thời gian tới.

Thế Vinh