Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Dạy nghề gắn với tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thu Mai - 07:24 30/07/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Một trong những giải pháp để giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số đó chính là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo nghề, tạo việc làm. Giải pháp tuy tốt, nhưng việc thực hiện lại gặp phải nhiều rào cản, khó khăn.

Lao động miền núi được học nghề tạo việc làm
Giàng A La, 28 tuổi (Xóm Pà Khôm, xã Hang Kia, Mai Châu, Hòa Bình) là một trong những thanh niên miền núi được hưởng lợi từ các chương trình giáo dục nghề nghiệp.
A La kể, ban đầu anh chỉ học hết cấp 3 sau đó tự khởi nghiệp với mô hình nuôi gà đen. Thế nhưng, ngay khi khởi nghiệp cậu thanh niên trẻ phải đối mặt với thực tế “được mùa mất giá và ngược lại”. Sau những lần thất bại đó, A La quyết tâm xuống thành phố học nghề và cậu được giới thiệu tham gia khóa học nghề, khởi nghiệp từ Dự án Trung Tâm Hợp tác phát triển Tây Bắc.
“Sống vùng miền núi đặc biệt khó khăn, bạn bè, người thân thường khó tiếp cận được với các lớp học nghề. Nếu được học nghề, mọi người sẽ có cơ hội để tiếp cận với những kiến thức mới, có công ăn việc làm ổn định, gia tăng thu nhập, ổn định cuộc sống”, A La chia sẻ.
Dự án đào tạo, giáo dục nghề nghiệp thực sự đã mở ra những tia hy vọng lớn lao cho A La, giúp cậu thay đổi hoàn toàn nhận thức về khởi nghiệp. Sau khi học nghề, A La tham gia khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp. Ban đầu A La xây dựng HTX gồm 15 thành viên, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.
Mục tiêu của HTX là bảo tồn môi trường sống, quảng bá bản sắc dân tộc, đưa những sản vật của địa phương để quảng bá với bạn bè trong nước và quốc tế. Xa hơn gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, góp phần xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, giúp người dân tránh xa ma túy, bỏ nạn tảo hôn...

Các bộ, ngành hướng tới mục tiêu đào tạo nghề cho 8 triệu người đồng bào dân tộc thiểu số.

Thực tế hiện nay công tác đào tạo nghề cho lao động nói chung và thanh niên nói riêng ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn còn nhiều hạn chế. Mặc dù theo Nghị quyết của Quốc hội đã đặt mục tiêu đến năm 2025 phải đào tạo nghề cho khoảng 80% người dân tộc thiểu số (hiện cả nước có gần 10 triệu người DTTS trong độ tuổi lao động). Đây quả là mục tiêu rất lớn, rất khó thực hiện.
Ông Đào Trọng Độ - Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN - Bộ LĐTBXH) cho biết, hiện nay công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm nói chung và cho thanh niên dân tộc thiểu số nói riêng luôn được quan tâm. Ngoài chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, chương trình mục tiêu phát triển vùng DTTS cũng đang đầu tư nguồn vốn vô cùng lớn cho các chương trình đào tạo nghề ở vùng này.
Chia sẻ về khó khăn trong đào tạo nghề cho lao động vùng DTTS, ông Độ cho rằng, khó khăn lớn nhất vẫn là nhận thức. Nhận thức người dân còn hạn chế, chưa kể các cơ sở đào tạo nghề thường nằm ở trung tâm, khó tiếp cận được với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Các chương trình đào tạo thì gặp cản trở, nghề ít đa dạng... nên lao động chưa thật hào hứng. Nắm bắt những nguyên nhân này, thời gian qua, Bộ LĐTBXH đã và đang thiết kế chương trình đào tạo cũng như truyền thông thay đổi nhận thức của lao động vùng đồng bào DTTS.
Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho người DTTS
Chia sẻ, góp ý kiến về công tác đào tạo nghề cho người DTTS tại buổi Tọa đàm Giáo dục nghề nghiệp gắn với việc làm và hướng nghiệp cho thanh niên dân tộc thiểu số do Bộ LĐTBXH cùng với một số các đơn vị tổ chức, ông Phan Chính Thức - Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết, hiện nay sự quan tâm của Nhà nước với chương trình đào tạo nghề tăng lên. Tuy nhiên có sự chưa công bằng trong chính các loại hình GDNN, cũng như vùng miền. Đào tạo nghề cho vùng DTTS có vai trò quan trọng nhưng sự đầu tư thì rất ít. Chính vì vậy, hiện nay hoạt động đào tạo GDNN có sự bất cập. Trong khi chúng ta có hàng trăm dự án đầu tư vào GDNN cho trung cấp, cao đẳng thì việc đầu tư vào đào tạo nghề trung cấp cho các nhóm đối tượng yếu thế vùng nông thôn, vùng dân tộc, đào tạo sơ cấp.... lại khá nhỏ giọt (hiện chỉ có 2 dự án).

Dạy nghề thú y, chăm sóc gia cầm cho phụ nữ dân tộc thiểu số.

Theo chuyên gia này, để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho vùng đồng bào DTTS, đòi hỏi các trường cần nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô (từng bước phổ cập nghề). Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần xây dựng chính sách GDNN cho thanh niên dân tộc thiểu số có hệ thống giải pháp đồng bộ và toàn diện. Trong đó, cần rà soát, bổ sung chính sách phát triển GDNN, nhất là chính sách đặc thù cho thanh niên DTTS.
Trong quá trình đào tạo các trường chú ý tới việc lựa chọn phương thức đào tạo linh hoạt và các mô hình đào tạo phù hợp với đặc thù của vùng sâu vùng xa. Đặc biệt quan tâm đến đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng cho thanh niên DTTS theo hướng ưu tiên đào tạo nhân lực chất lượng cao để làm đầu mối dẫn dắt, tập hợp đồng bào DTTS… trong phát triển kinh tế.
Có như vậy thì mục tiêu của chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm đối với lao động vùng DTTS mới đáp ứng đủ nguồn nhân lực có tay nghề, linh hoạt, năng động và luôn luôn thích ứng với nhu cầu lao động của thị trường lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới và phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Về phía Bộ LĐTBXH, ông Đào Trọng Độ cho biết, hiện tại cơ quan quản lý cũng đã nắm bắt được thực trạng và những khó khăn trong công tác đào tạo nghề cho người DTTS. Thời gian tới các bộ, ngành sẽ bàn bạc thêm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động đào tạo nghề cho người DTTS, từ đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. 

"Hiện nay có nhiều chương trình mục tiêu quốc gia hướng tới hoạt động đào tạo nghề, giáo dục nghề nghiệp cho vùng đồng bào DTTS. Tổng nguồn vốn từ các chương trình phục vụ cho nhiệm vụ này vào khoảng 70.000 tỷ đồng. Đây là số vốn lớn, nhưng việc triển khai thực hiện không hề đơn giản”.
Ông Đào Trọng Độ - Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên.