Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Đô thị cổ ‘đang khóc’

06:30 13/11/2017 GMT+7

Hình ảnh những ngôi nhà cổ ở Huế (Thừa Thiên – Huế) và Hội An (Quảng Nam) chìm ngập trong dòng nước lũ những ngày qua không chỉ khiến nhiều người xót xa cho người dân sở tại vì những mất mát khó khăn chồng chất, mà còn dấy lên những lo ngại hoàn toàn có cơ sở về việc bảo tồn những đô thị cổ này.

Hội An những ngày mưa lũ. Ảnh VNE

Trong quá trình phát triển của một đất nước, luôn luôn có những đô thị sinh ra và tàn lụi, hoặc thậm chí biến mất. Là những điểm nút quan trọng trong hành trình di sản miền Trung với cộng đồng dân cư đông đúc, Huế hay Hội An hẳn sẽ không rơi vào cảnh hoang phế hoặc bị quên lãng, nhưng nét cổ xưa gắn liền với những giá trị văn hoá quý báu của dân tộc sẽ dễ dàng bị mất đi nếu quần thể những công trình kiến trúc cổ nơi đây không được sửa chữa, trùng tu kịp thời. Đặc biệt, rất cần có những giải pháp phòng ngừa, ứng phó với thảm hoạ thiên tai trong tương lai.

Ngược dòng lịch sử, tại Việt Nam, đô thị cổ đã xuất hiện khá sớm từ thế kỉ thứ III đến thế kỉ thứ II Trước Công Nguyên. Ngay trong thời kì Bắc thuộc đã xuất hiện những đô thị mang tính chất hành chính – quân sự nhưng cũng có những yếu tố kinh tế vì có hoạt động sản xuất thủ công nghiệp phát triển và giao thương tấp nập như Luy Lâu, Long Biên, Lạch Trường ở miền Bắc, Hội An ở miền Trung và Óc Eo (An Giang) ở miền Nam.

Thế kỉ VII trở đi, các đô thị thương mại tiếp tục hình thành như Vĩnh Bình (Lạng Sơn), Vân Đồn (Quảng Ninh), Phố Hiến (Hưng Yên), Hội An (Quảng Nam), Sài Gòn – Gia Định, Hải Phòng, Đà Nẵng. Những đô thị này được giới trong nghề gọi là “bán công – bán nông”, với cấu trúc một hạt nhân “hành chính – chính trị – quân sự” tạo nên phần “thành”, bao quanh hạt nhân này là phần “thị”, là các phường buôn bán, sản xuất thủ công nghiệp. Vân Đồn (Quảng Ninh), Phố Hiến (Hưng Yên) đã từng là những đô thị buôn bán sầm uất không hề thua kém đất kinh kì.

Đàn cá bơi tung tăng giữa sân Đại Nội Huế do ngập lụt

Bước sang thời Pháp thuộc, những năm 30 của thế kỉ XX mới nổi bật lên một số đô thị thuần tuý, dần tách rời hẳn khỏi nông thôn như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Sài Gòn, Đà Nẵng…

Đến nay, có lẽ Hội An là đô thị cổ xưa nhất còn lại nguyên vẹn hơn cả. Thành phố Huế cũng là một “viên ngọc quý”. Bên cạnh Thành Nội và những đền đình lăng tẩm, kiến trúc nhà vườn ở đây được các kiến trúc sư coi là một di sản đô thị cổ độc đáo.

Cẩm Hà