Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Huyện Giao Thuỷ kỷ niệm 90 năm thành lập và đón nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao năm 2023

Cao Nhung - 07:56 28/09/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Theo kế hoạch, Lễ kỷ niệm dự kiến tổ chức vào ngày 8/9/2024. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, huyện Giao Thủy (tỉnh Nam Định) đã thống nhất điều chỉnh thời gian tổ chức lễ kỷ niệm 90 năm thành lập huyện, đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, Cờ thi đua của Chính phủ và được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023 vào ngày 28/9/2024.

Đưa Giao Thủy sớm trở thành cực động lực phía Đông Nam của tỉnh Nam Định

Năm 1934, huyện Giao Thủy chính thức được thành lập trên cơ sở tách ra từ phủ Xuân Trường (ngày 20/3/1934); đến năm 1967 lại sáp nhập với huyện Xuân Trường thành huyện Xuân Thuỷ; ngày 1/4/1997, huyện Giao Thủy được tái lập trên cơ sở chia tách huyện Xuân Thuỷ theo Nghị định 19-CP của Chính phủ. Từ khi tái lập đến nay, truyền thống lịch sử cách mạng vẻ vang của Giao Thủy luôn là hành trang, động lực tinh thần, hun đúc ý chí vươn lên mạnh mẽ để cán bộ, đảng viên và nhân dân Giao Thủy tiếp tục xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Giao Thủy nằm ở cực Đông của tỉnh Nam Định, phía Đông và Đông Nam giáp với biển Đông với chiều dài bờ biển 32km từ cửa Ba Lạt - xã Giao Thiện (điểm cuối của con sông Hồng đổ ra biển) đến cửa Hà Lạn - thị trấn Quất Lâm, phía Tây Bắc giáp huyện Xuân Trường, phía Tây Nam giáp huyện Hải Hậu, phía Bắc và Đông Bắc tiếp giáp với tỉnh Thái Bình ranh giới là sông Hồng; có diện tích tự nhiên 238,24km2, dân số 190.291 người, có 18 xã, 2 thị trấn. Dưới bàn tay lao động cần cù, sáng tạo chinh phục thiên nhiên của biết bao thế hệ người dân Giao Thủy; cùng với sự ưu ái mà thiên nhiên ban tặng, mảnh đất này đã được bồi đắp hình thành từ phù sa màu mỡ với hệ sinh thái đa dạng; trong đó Vườn quốc gia Xuân Thủy rộng hàng nghìn héc ta đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ xem xét thông qua chủ trương đề cử Vườn quốc gia Xuân Thủy là Vườn Di sản ASEAN.

Diện mạo nông thôn mới xã Giao Phong (Giao Thủy).

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2020-2025, với tinh thần đề cao trách nhiệm, tính gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị; phát huy sự chủ động, sáng tạo chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của chính quyền và sự vào cuộc trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở; sự phối hợp, hỗ trợ của các sở, ban, ngành của tỉnh và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, tình cảm, trách nhiệm của con em xa quê hướng về quê hương để cộng hưởng thành sức mạnh tổng hợp, đoàn kết, đồng lòng thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Giao Thuỷ lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025 và các Nghị quyết chuyên đề của BCH Đảng bộ huyện về phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025.

Trong tổ chức thực hiện, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Giao Thủy đã bám sát chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và tình hình thực tiễn, nắm bắt kịp thời yêu cầu nhiệm vụ của từng giai đoạn, lựa chọn đúng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và các khâu đột phá, bao gồm: Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch phục vụ phát triển KT-XH; chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; tích cực cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh và chuyển đổi số; đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư; quan tâm triển khai tích cực, hiệu quả công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, bố trí, sắp xếp, luân chuyển cán bộ. Nhờ đó, đã đưa Giao Thủy từ một huyện thuần nông, điểm xuất phát thấp, bứt phá mạnh mẽ, trở thành vùng quê phát triển toàn diện, đáng sống, sẵn sàng chuyển mình lên một vị thế mới để đóng góp ngày càng nhiều giá trị vào sự nghiệp phát triển KT-XH tỉnh Nam Định.

Ông Phạm Quang Ái, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Giao Thủy. Ảnh NĐO

Ông Phạm Quang Ái, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Giao Thủy cho biết: “Thời gian tới, huyện Giao Thủy tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư; Tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu gắn với đô thị hóa nông thôn; phấn đấu được công nhận huyện đạt NTM kiểu mẫu năm 2025; chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị để phát triển bền vững, góp phần đưa Giao Thủy phát triển nhanh và bền vững, sớm trở thành cực động lực phía Đông Nam của tỉnh Nam Định”.

Địa phương đi đầu trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh Nam Định

Những năm qua, các cấp chính quyền và nhân dân huyện Giao Thủy đã tăng tốc bứt phá mạnh mẽ, trở thành địa phương đi đầu toàn tỉnh trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay toàn huyện đã có 18 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 14 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI đã đề ra); trong đó xã Giao Phong là một trong 9 xã của cả nước được Bộ NN &PTNT chọn thực hiện thí điểm “Mô hình xã NTM thông minh” do Trung ương chỉ đạo thực hiện thuộc Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới nông thôn thông minh giai đoạn 2021-2025 (đợt 1). Giao Thủy là huyện đầu tiên của tỉnh và là 1 trong 10 huyện đầu tiên của cả nước đạt chuẩn NTM nâng cao, được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023 tại Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 2/8/2024.

Các phong trào, hoạt động sôi nổi hướng đến lễ kỷ niệm 90 năm thành lập huyện Giao Thủy. (Ảnh: CTTĐT Giao Thủy)

Ông Doãn Quang Hùng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy nhận xét: Từ một huyện thuần nông, đến nay huyện Giao Thủy có nền kinh tế phát triển với tốc độ khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông - lâm - ngư nghiệp. 6 tháng đầu năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 4.559  tỷ đồng, đạt 57,88% kế hoạch, tăng 14,12% so với cùng kỳ; thu ngân sách trên địa bàn đạt 665,4 tỷ đồng, bằng 666,09% so với cùng kỳ năm 2023.

Thông qua xây dựng NTM, kinh tế của huyện phát triển ổn định, quy mô và hiệu quả kinh tế được nâng lên. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2017; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều ở các xã, thị trấn giảm chỉ còn 0,76%. Đặc biệt, huyện đã tập trung chỉ đạo xây dựng và hình thành được nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp mang tính dẫn dắt, lan tỏa, tạo sự thay đổi về tư duy sản xuất của người dân như: Tích tụ ruộng đất thành các cánh đồng lớn, khắc phục manh mún để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng hữu cơ; nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, nuôi ngao sạch; quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, áp dụng công nghệ cao, liên kết các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất… Trên địa bàn huyện đã xây dựng được 11 vùng trồng lúa tập trung với tổng diện tích 395ha được Sở NN& PTNT cấp mã số vùng trồng; đứng đầu tỉnh về số lượng sản phẩm đạt chuẩn OCOP với 105 sản phẩm.

Cũng theo ông Doãn Quang Hùng, giai đoạn tới, Giao Thủy tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện các biện pháp thúc đẩy thu hút đầu tư; Tập trung bố trí nguồn lực, tăng tốc đầu tư các công trình, dự án hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm như: các tuyến đường trục chính, có tính kết nối, liên thông giữa các xã, thị trấn trong huyện với tuyến đường bộ ven biển và tuyến đường trục mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển; xây dựng thêm mới bến xe Giao Thiện và các bến thủy, cảng tại các xã Hồng Thuận, Giao Thiện; cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây dựng mới các khu đô thị, khu dân cư tập trung...

Thực hiện nhất quán quan điểm chỉ đạo trong thu hút đầu tư của tỉnh là phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - doanh nghiệp - người dân; không thu hút đầu tư vào các ngành nghề may mặc, giày da; chú trọng thu hút các dự án ít thâm dụng nhân công, không gây ô nhiễm môi trường, thu nhập của người lao động ở mức khá trở lên; ưu tiên thu hút đầu tư các dự án ngành điện, điện tử công nghệ cao; khuyến khích các dự án phát triển du lịch sinh thái khai thác tối đa tiềm năng thế mạnh và bảo tồn Vườn Quốc gia Xuân Thủy, phát triển và xây dựng trung tâm du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng tại đô thị Quất Lâm (Giao Phong, Quất Lâm và Giao Thịnh).

Để hiện thực hóa các mục tiêu, định hướng nêu trên, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Trong đó, yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động trong hệ thống chính trị luôn phải có ý thức trau dồi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, trở thành “hạt nhân” lan tỏa, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên trong các tầng lớp nhân dân.

Xây dựng chính quyền số từ thôn, xã
(Tapchinongthonmoi.vn) - Xã Trực Khang huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định là 1 trong 9 xã của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu nổi trội về lĩnh vực chuyển đổi số, là xã đầu tiên của tỉnh thực hiện “Kết nối trực tuyến từ phòng họp trực tuyến của xã tới nhà văn hoá thôn trong tiến trình xây dựng Chính quyền điện tử”...