Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tín dụng chính sách đồng hành để Điện Biên phát triển

Hoàng Tính - 07:06 25/04/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) – Với hệ thống mạng lưới Phòng Giao dịch đã được xây dựng rộng khắp ở 10 huyện, thị và thành phố trên địa bàn toàn tỉnh Điện Biên, những năm qua nguồn vốn tín dụng chính sách ở Điện Biên đã được triển khai nhanh chóng, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách khác phát triển kinh tế và trở thành động lực quan trọng để thúc đẩy Chương trình mục tiêu Quốc gia.

Đáp ứng nguồn vốn kịp thời cho bà con dù ở bất kỳ nơi đâu

Huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) là huyện vùng sâu vùng xa bậc nhất của tỉnh, từ trung tâm thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) phải mất hơn 200 km mới đến được trung tâm huyện Mường Nhé. Ở Mường Nhé phần lớn hộ dân còn khó khăn, thiếu vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy tín dụng chính sách xã hội được triển khai nhanh chóng, kịp thời tới 11 điểm giao dịch trên địa bàn 11 xã của huyện trong thời gian qua, được coi là một trong những công cụ thiết thực, góp phần tích cực cùng bà con phát triển sản xuất kinh doanh.

Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Mường Nhé giải ngân nguồn vốn kịp thời cho bà con. (Ảnh NHCSXH Mường Nhé)

Ông Hoàng Văn Quyết – Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCXSH) huyện Mường Nhé cho hay: Trong quá trình chuyển tải nguồn vốn vay, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Mường Nhé đã không ngừng nâng cao hoạt động chuyên môn, phối hợp hiệu quả với chính quyền địa phương để thực hiện tốt công tác rà soát, nắm bắt nhu cầu vay vốn của người dân; chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác (Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh) để xây dựng tốt trên 160 Tổ tiết kiệm vay vốn tại các điểm giao dịch xã trên địa bàn huyện nhằm đưa nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đến người dân, đặc biệt là bà con DTTS một cách nhanh chóng, kịp thời. Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ, đời sống vật chất, tinh thần của người dân huyện Mường Nhé có chuyển biến rõ rệt; tính đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Mường Nhé giảm còn 47,3%, giảm 7,47% so với năm 2022; tỷ lệ hộ cận nghèo là 15,21% (Theo chuẩn nghèo đa chiều mới).

Cũng như ở Mường Nhé, đến nay sau 21 năm có mặt trên địa bàn huyện Mường Chà (tỉnh Điện Biên), Phòng giao dịch NHCSXH huyện Mường Chà đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, từ đó đã góp phần đẩy lui tình trạng tín dụng đen ở nông thôn; giải quyết được các vấn đề cấp thiết của nhân dân như: Nhà ở, việc làm, nước sạch, vệ sinh môi trường, điện thắp sáng, chi phí cho con em đi học… làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, sử dụng đồng vốn hiệu quả, góp phần cải thiện nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ông Nguyễn Minh Đức – Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Mường Chà cho hay: Với mạng lưới 12 điểm giao dịch xã, 180 tổ tiết kiệm và vay vốn; nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 12/12 xã, thị trấn, 110/110 bản, tổ dân phố trên địa bàn toàn huyện Mường Chà. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được Phòng Giao dịch tổ chức, phối hợp với các đơn vị liên quan, từ đó đã góp phần quan trọng trong việc: Thúc đẩy kinh tế xã hội theo định hướng của Nghị quyết Đảng bộ huyện Mường Chà; đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng…

Cũng như ở huyện Mường Nhé, Mường Chà tại huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên), nguồn vốn từ tín dụng chính sách cũng đang tích cực đồng hành cùng người dân trong phát triển kinh tế xã hội và Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững.

Phát triển chăn nuôi gia súc từ nguồn vốn tín dụng chính sách

Anh Chảo Quan Tao ở xã Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ) cho hay: Được các cấp chính quyền và cán bộ tín dụng Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Nậm Pồ hỗ trợ kịp thời để làm các thủ tục vay vốn và giải ngân nhanh chóng, năm 2022 gia đình tôi đã được vay nguồn vốn 100 triệu đồng từ để đầu từ mua 6 con trâu về nuôi. Nhờ có nguồn vốn kịp thời, gia đình tôi đã phát triển chăn nuôi đàn gia súc, đến nay kinh tế đã ngày càng ổn định.

Ông Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Phòng Giao dich NHCSXH huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) cho hay: Anh Tao là một trong số rất nhiều hộ gia đình đã thành công trong việc sử dụng đồng vốn vay từ tín dụng chính sách có hiệu quả. Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi được giải ngân kịp thời đã có hàng nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện Nậm Pồ có nguồn vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, xây dựng nhà ở, xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…

Cho vay gắn với nhu cầu phát triển của địa phương

Bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương để cho vay vốn cũng đang là những nhiệm vụ được Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) tích cực triển khai: Tính đến ngày 25/3/2024 Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Điện Biên Đông đang cho vay 17 chương trình tín dụng chính sách với dự nợ 493,7 tỷ đồng với gần 9.300 khách hàng.

Ông Nguyễn Văn Dũng – Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Điện Biên Đông cho hay: Trong các chương trình tín dụng chính sách đang được thực hiện ở Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Điện Biên Đông, thì cho vay xuất khẩu lao động đi nước ngoài đang là điểm sáng ở huyện Điện Biên Đông. Đến nay nguồn vốn cho vay đã đạt trên 6 tỷ đồng, đó là tín hiệu rất tích cực, bởi người dân đã thay đổi nhận thức, tin tưởng vào chương trình đi xuất khẩu lao động của Đảng và Nhà nước, theo đó mà thu nhập của người dân và gia đình sẽ ngày một nâng cao.

Tín dụng chính sách đã góp phần thay đổi cho cuộc sống của người dân huyện Điện Biên Đông (Ảnh NHCXSH huyện Điện Biên Đông).

Không chỉ vậy, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội còn là công cụ tích cực trong Chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) trong việc đạt các chỉ tiêu về xã nông thôn mới. Minh chứng cụ thể là trong quá trình triển khai tín dụng chính sách xã hội với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, đã bao trùm trong thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Xuân Thắng – Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Điện Biên cho hay: Với vai trò, trách nhiệm là thành viên Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Điện Biên, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện thường xuyên bám sát các Nghị quyết, Chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên; tích cực trong công tác rà soát tham mưu hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định làm căn cứ để giải ngân nhanh chóng nguồn vốn vay. Đến nay đã có 16.321 hộ gia đình là hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách được hưởng thụ nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi, chiếm 63,39 % số hộ trên địa bàn. Từ đó đã góp phần quan trọng đưa 12 xã đạt chuẩn nông thôn và 06 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới.

Không chỉ đồng hành cùng Chương trình xây dựng nông thôn mới, tín dụng chính sách còn thúc đẩy hiệu quả cho các chương trình mục tiêu Quốc gia như giảm nghèo bền vững, vùng đồng bào dân tộc.

Ông Nguyễn Phú Khiêm – Giám đốc Phòng Giáo dịch NHCSXH huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) cho hay: Tính đến ngày 29/2/2024 nguồn vốn tín dụng chính sách ở Tuần Giáo được triển khai rất đa dạng, như cho vay: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, giải quyết việc làm… đạt dư nợ 472 tỷ đồng, chiếm 66,3% tổng dư nợ. Tín dụng chính sách cũng đã phục vụ đời sống, sinh hoạt cho người dân: Cho vay học sinh, sinh viên; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, cho vay nhà ở xã hội, cho vay hộ nghèo làm nhà ở, cho vay chấp hành xong án phạt tù... Dư nợ các chương trình này đạt 239 tỷ đồng, chiếm 33,7% tổng dư nợ. Không chỉ đồng hành cùng nông dân phát triển sản xuất mà tín dụng chính sách còn là động lực quan trọng để thúc đẩy các Chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn sớm về đích.

Cán bộ tín dụng Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tuần Giáo kiểm tra mô hình sau khi vay vốn. (Ảnh NHCXSH Tuần Giáo)

Tính đến đến 31/01/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Điện Biên đạt 4.725 tỷ đồng (Nguồn vốn Trung ương là 4.379 tỷ đồng, chiếm 92,6%; nguồn vốn huy động tại địa phương là 244 tỷ đồng, chiếm 5,2%; vốn ngân sách địa phương ủy thác là 102,2 tỷ đồng, chiếm 2,2%). Có thể nói nguồn vốn tín dụng chính sách được triển khai nhanh chóng, kịp thời, đúng người, đúng việc đã trở thành công cụ, đòn bẩy tích cực cho người dân trong phát triển kinh tế và động lực hiệu quả trong việc thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia.