Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hội Nông dân xã Hương Sơn: Chủ động “tìm nguồn” để phát triển sản phẩm OCOP

Trung Kiên - 07:51 06/11/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) – Bằng nhiều giải pháp cụ thể và đặc biệt là chủ động “tìm nguồn” để hỗ trợ xây dựng các sản phẩm OCOP, vì vậy mà 3 năm trở lại đây, năm nào Hội Nông dân xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang cũng hỗ trợ cho các chủ thể trên địa bàn để xây dựng thành công sản phẩm đạt OCOP.

Không có những lợi thế như: “cánh đồng thẳng cánh cò bay”, đất đai “phì nhiêu mẫu mỡ”, làng nghề với nhiều sản phẩm đặc sắc, độc đáo… nhưng những năm qua, vận dụng tốt sự hỗ trợ của Nhà nước cùng sự nỗ lực vượt khó của người dân trên địa bàn, nhiều chủ thể với những sản phẩm OCOP đã vươn mình phát triển và góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội ở địa phương.

Ông Nguyễn Thế Thi - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang (đứng thứ 3 từ trái sang) đang kiểm tra, hỗ trợ HTX Dứa sạch Hương Sơn phát triển. (Ảnh HND Hương Sơn)

Chị Nguyễn Thị Phương – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Sơn cho hay: Ngay sau khi Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang triển khai Đề án “Hội Nông dân các cấp là nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, giai đoạn 2022-2025”, Hội Nông dân xã Hương Sơn đã họp bàn và thống nhất triển khai những việc làm cụ thể như: Bám sát các nội dung của đề án để thực hiện; Báo cáo với cấp ủy, chính quyền địa phương để thực hiện tốt đề án; đặc biệt là việc phải luôn bám sát hoạt động sản xuất kinh doanh của nông dân, hội viên nông dân để “tìm nguồn” phát triển các sản phẩm OCOP…

Trên cơ sở những điều kiện đang có của xã, Hội Nông dân xã Hương Sơn cũng đã chủ động lên kế hoạch để triển khai phát triển các sản phẩm đạt OCOP. Điều quan trọng nhất là thay đổi nhận thức cho người dân, chính vậy Hội Nông dân xã Hương Sơn đã chủ động phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang, các cấp, ngành, địa phương để tổ chức tập huấn cho cán bộ Hội và người dân trên địa bàn xã hiểu về sản phẩm OCOP và hợp tác liên kết tạo chuỗi giá trị...

Cây dứa là cây trồng đã có từ lâu ở Hương Sơn, nhưng do tập quán canh tác tự phát vì vậy mà cây dứa chưa trở thành động lực để phát triển. Vì vậy để phát triển cây dứa và thực hiện Đề án phát triển sản phẩm OCOP có hiệu quả, Hội Nông dân xã Hương Sơn đã hỗ trợ người dân trên địa bàn để thành lập HTX Dứa sạch Hương Sơn.

Năm 2021 HTX Dứa sạch Hương Sơn được thành lập. Với sự hỗ trợ của Hội Nông dân các cấp tỉnh Bắc Giang, để HTX phát triển bền vững, Ban Giám đốc HTX cùng các thành viên đã chủ động lên kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh một cách khoa học hợp lý nhất.

Ông Hoàng Văn Tiến – Giám đốc HTX Dứa sạch Hương Sơn cho biết: Trước đây khi chưa có HTX chúng tôi trồng dứa theo kiểu mạnh ai người đấy làm chính vì vậy mà sản lượng - chất lượng dứa không cao, giá bán thấp… Từ ngày thành lập được HTX, lại được sự hỗ trợ của các ngành chức năng ở địa phương và đặc biệt là Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang trong hỗ trợ kỹ thuật, phân bón, máy móc, tiêu thụ sản phẩm… vì vậy chúng tôi đã trồng và phát triển dứa theo đúng tiêu chuẩn VietGAP. Chính vì vậy năng suất dứa đã tăng từ 30 lên 45 tấn/ha; giá bán thì tăng từ 2.000/kg lên 17.000/kg… Đặc biệt là năm 2022 sản phẩm quả dứa tươi của HTX Dứa sạch Hương Sơn chúng tôi đã đạt tiêu chuẩn OCOP từ đó đã mở ra hướng đi phát triển bền vững cho người dân trồng dứa.

Chính vì vậy từ 30 thành viên ban đầu với 30ha trồng dứa, đến nay HTX Dứa sạch Hương Sơn đã liên kết và tiêu thụ cho trên 120 hộ gia đình trên địa bàn xã với diện tích trồng dứa lên tới trên 120ha. Ngoài sản phẩm là quả dứa tươi, HTX Dứa sạch Hương Sơn cũng đã mạnh dạn đầu tư, nghiên cứu phát triển thêm các sản phẩm từ dứa như: Dứa sấy dẻo, trà dứa.

Chủ động "Tìm nguồn" Hội Nông dân xã Hương Sơn đã hỗ trợ thành công nhiều sản phẩm đạt OCOP (Ảnh HND Hương Sơn)

Cũng như dứa Hương Sơn, trên con đường để sản phẩm “Xôi sắc màu” đạt OCOP 3 sao năm 2023. Chủ thể sản phẩm “Xôi sắc màu” cũng đã được Hội Nông dân xã Hương Sơn hỗ trợ, khuyến khích và phát triển.

“Xôi sắc màu” được biết tới là món ăn chỉ vào những dịp lễ, tết cổ truyền của người dân tộc thiểu số xã Hương Sơn. Sản phẩm chất lượng đặc sắc nhưng chưa được nhiều người biết tới; chính vì vậy để sản phẩm phát triển cũng như là động lực giúp người dân phát triển kinh tế, trong năm 2022 sau khi tiếp cận và lắng nghe người dân, Hội Nông dân xã Hương Sơn đã hướng dẫn người dân thành lập Tổ hợp tác ẩm thực dân tộc Hương của Núi với 36 thành viên đại diện cho 11 dân tộc thiểu số xã Hương Sơn để phát triển sản phẩm “Xôi ngũ sắc”.

Ông Lã Văn Đoàn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang (đứng ngoài cùng bên trái) hỗ trợ, tư vấn Tổ hợp tác ẩm thực dân tộc Hương của Núi trong sản xuất kinh doanh. (Ảnh HND Hương Sơn)

Sau khi thành lập Tổ hợp tác ẩm thực dân tộc Hương của Núi còn được Hội Nông dân xã Hương Sơn hỗ trợ đồng hành, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, tư vấn xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh; hỗ trợ các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ phân tích sản phẩm, thiết kế mẫu bao bì, nhãn mác; câu chuyện sản phẩm; hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ công nhận… Chính vì vậy chỉ sau 01 năm thành lập, Tổ hợp tác ẩm thực dân tộc Hương của Núi đã tự tin đưa sản phẩm của mình để tham gia đánh giá phân hạng OCOP và đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao.

Từ khi đạt OCOP, sản phẩm “Xôi sắc màu” đã được sản xuất với quy mô lớn, mang tính hàng hóa, được nhiều người biết tới, phục vụ cho thị trường trong và ngoài tỉnh Bắc Giang… Từ đó đã góp phần tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập bền vững cho người dân xã Hương Sơn.

Trong 3 năm trở lại đây, Hội Nông dân xã Hương Sơn đã hỗ trợ các chủ thể để xây dựng thành công 3 sản phẩm OCOP:

Sản phẩm Dứa Hương Sơn - OCOP 2022

Sản phẩm Xôi ngũ sắc – OCOP 2023

Sản phẩm Trứng gà – OCOP 2024   

Bà Phương cho biết thêm: Với việc chủ động bám sát địa phương để “tìm nguồn” cho sản phẩm OCOP , vì vậy mà 3 năm trở lại đây, mỗi năm chúng tôi đều hỗ trợ thành công cho 1 chủ thể trên địa bàn tham dự đánh giá phân hạng và đạt chứng nhận OCOP. Hiện nay chúng tôi cũng đã lên kế hoạch và “Tìm nguồn” được cho sản phẩm OCOP năm 2025.

Ông Lã Văn Đoàn – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang cho biết thêm: Chúng tôi đánh giá rất cao hoạt động của Hội Nông dân xã Hương Sơn trong việc phát triển sản phẩm OCOP trong thời gian vừa qua. Việc Hội Nông dân xã Hương Sơn chủ động “tìm nguồn” là giải pháp quan trọng để các địa phương khác có thể học tập và phát triển sản phẩm OCOP trong thời gian tới.