Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Du lịch canh nông ở vùng “gạo trắng nước trong”

04:41 29/08/2019 GMT+7
Trong xu thế khai thác ngành “công nghiệp không khói” hiện nay, ở rất nhiều nơi, hội viên nông dân không còn đứng bên lề của câu chuyện. Chính họ – với sự định hướng của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự vào cuộc của tổ chức Hội – đã trở thành chủ

Trong xu thế khai thác ngành “công nghiệp không khói” hiện nay, ở rất nhiều nơi, hội viên nông dân không còn đứng bên lề của câu chuyện. Chính họ – với sự định hướng của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự vào cuộc của tổ chức Hội – đã trở thành chủ thể đích thực, chủ động làm du lịch trên tiền đề sẵn có là nền sản xuất nông nghiệp gần gũi và thân thiện với thiên nhiên. Câu chuyện làm du lịch canh nông từ TP. Cần Thơ ẩn chứa những kinh nghiệm rất đáng tham khảo cho các cấp Hội Nông dân.

(Tạp chí Nông Thôn Mới xin giới thiệu tóm tắt bài viết của ông Lê Bá Phước – Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Cần Thơ về “Những kinh nghiệm bước đầu trong việc chủ trì hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình nông nghiệp gắn với du lịch canh nông”. Tít bài, lời giới thiệu và các tít xen do tòa soạn đặt lại.)

Thành phố Cần Thơ được mệnh danh là “Thủ phủ miền Tây”. Ngoài những thành tựu về kinh tế- văn hóa- xã hội, Cần Thơ còn được nhiều người biết đến với những nét đặc trưng đã đi vào tâm thức dân gian như “gạo trắng nước trong”, vườn cây ăn trái sum xuê, chợ nổi trên sông… Đây là một trong những “nguồn lực” rất đáng lưu tâm thấu đáo của địa phương.

Ông Lê Bá Phước- Thành ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân TPCT (thứ 3 từ trái sang), thăm mô hình “Cá lóc bay” tại Cồn Sơn, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ.

Chính vì vậy, trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định“Cần Thơ sẽ là đô thị xanh, sạch đẹp, có những kiến trúc đặc trưng của một đô thị sông nước, miệt vườn, tiêu biểu cho bản sắc văn hóa của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long”.

Cơ cấu kinh tế của thành phố Cần Thơ đã được xác định theo hướng thương mại, dịch vụ – công nghiệp và nông nghiệp đô thị. Lãnh đạo địa phương đã có những chủ trương, định hướng phát triển nông nghiệp phù hợp, điển hình như: Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 27 tháng 12 năm 2016 của Thành ủy Cần Thơ về xây dựng và phát triển huyện Phong Điền thành đô thị sinh thái.

Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của thành phố Cần Thơ xác định phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái và du lịch nông nghiệp, phát triển vùng cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, đạt phẩm chất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cùng với những đặc điểm về thiên nhiên, lịch sử văn hóa bồi đắp từ quá khứ và xu thế du lịch hiện đại, những định hướng về chính trị, kinh tế, xã hội chính là những điều kiện thuận lợi giúp nông dân xây dựng và phát triển mô hình du lịch canh nông, gắn với đặc điểm, tập quán sản xuất của nông dân sở tại.

Du lịch canh nông là hình thức du lịch dựa trên canh tác nông nghiệp. Tùy từng địa phương, hình thức du lịch này có thể được gọi bằng những tên gọi khác nhau như: du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn, du lịch làng nghề hay du lịch trải nghiệm nông nghiệp… HND TP. Cần Thơ hiện có trên 88.000 hội viên nông dân, chiếm khoảng 95% trong tổng số hộ sản xuất nông nghiệp. Với chức năng là tổ chức chính trị – xã hội của nông dân địa phương, trong thời gian qua, HND thành phố Cần Thơ đã hỗ trợ hội viên nông dân xây dựng một số mô hình “du lịch canh nông” tiêu biểu.

Mô hình du lịch cộng đồng
Mô hình này được xây dựng và phát triển tại Cồn Sơn, quận Bình Thủy. Cồn Sơn có vị trí thuận lợi nằm giữa sông Hậu, cách đường giao thông bộ 1km; cách trung tâm thành phố 10km về hướng Tây. Diện tích Cồn chỉ trên 70ha, với 58 hộ dân sinh sống, sản xuất chủ yếu của nông dân là vườn cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản thuận lợi phát triển du lịch cộng đồng.

Du khách trải nghiệm khi tham quan mô hình du lịch canh nông.

HND thành phố Cần Thơ đã chủ động phối hợp với Quận ủy Bình Thủy và ngành chức năng hỗ trợ các hộ dân phát triển mô hình vườn cây, ao cá gắn với dịch vụ du lịch. Từ năm 2015, Hội đã phối hợp vận động người dân xây dựng tuyến đường bê tông ngang 0,5m, dài gần 2km quanh Cồn để phục vụ nhu cầu đi bộ của khách du lịch.
HND đã phối hợp ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương tổ chức đến từng hộ gia đình khảo sát nhu cầu phát triển và khả năng xây dựng mô hình, chọn ra được 9 nhà vườn có khả năng khai thác và phát triển dịch vụ du lịch. Hội phối hợp, tổ chức tư vấn, thiết kế, tập huấn kỹ thuật từng nhà vườn chăm sóc phát triển vườn cây ăn trái tươi tốt, sản phẩm an toàn, chất lượng; tư vấn nông dân trồng thêm một số cây ăn trái như ổi, chôm chôm, thanh long, mít, dừa … để có thể cho trái quanh năm đa dạng sản phẩm.

Ngoài việc chăm sóc, phát triển vườn cây ăn trái để có thu hoạch quanh năm, HND còn phối hợp tập huấn, hỗ trợ con giống thủy sản cho người dân trên địa bàn như cá lóc, cá tai tượng, rô phi… để thả nuôi trong mương vườn, vừa tăng thu nhập, vừa phong phú thêm mô hình.

Nhận thấy nhu cầu ẩm thực của du khách ngày càng tăng, Hội phối hợp tổ chức thêm dịch vụ “mỗi nhà một sản phẩm”. Trong 9 hộ dân, mỗi nhà đảm nhiệm làm một loại bánh dân gian khác nhau để cung cấp cho khách tham quan. Các loại bánh như: bánh chuối, bánh bèo, bánh xèo, bánh ít trần… làm cho khách du lịch có dịp trải nghiệm về miền quê yên tĩnh, có đủ loại bánh dân gian, thu hút được nhiều khách tham quan trong và ngoài thành phố.
Hiện tại, số hộ tham gia làm du lịch trên địa bàn đã lên 25 hộ, kèm theo những dịch vụ khác như vận chuyển, dịch vụ ẩm thực, hướng dẫn khách tham quan. Mỗi ngày có trung bình 250 khách du lịch, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ dân và cộng đồng dân cư sinh sống ở Cồn Sơn. Trái cây và các loại cá ở đây được nuôi trồng theo hướng an toàn nên dễ tiêu thụ.

Vận động nông dân duy trì mua bán trên chợ nổi truyền thống
Trên địa bàn thành phố có các chợ nổi như Cái Răng, Phong Điền là nét văn hóa độc đáo của Miền Tây nói chung, của thành phố Cần Thơ nói riêng. Trong đó chợ nổi Cái Răng được công nhận di sản văn hóa cấp quốc gia, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách tham quan mỗi năm.
Tuy nhiên, do hệ thống đường giao thông ngày càng phát triển, nên việc mua bán trao đổi hàng hóa trên chợ nổi không còn đông đúc như trước. Để duy trì nét đẹp văn hóa, thành phố có chủ trương hỗ trợ người dân mua bán trên chợ nổi. HND đã phối hợp vận động các hộ mua bán trái cây, rau, củ quả vừa để giao thương, vừa phục vụ khách tham quan. Các loại trái cây chủ yếu như cam, cóc, xoài, chuối, dừa, hoa, kiểng phục vụ Tết cổ truyền. Một số hộ dân tham gia dịch vụ ẩm thực trên sông tại chợ nổi, tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Hội phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội, chính quyền địa phương hỗ trợ vốn cho hộ dân mua phương tiện, thu mua nông sản của nông dân.
Đến nay, số lượng người mua bán được duy trì ổn định. Mỗi ngày trung bình có trên 200 thuyền ghe mua bán, trong đó có trên 55 hộ là nông dân địa phương. Vào dịp tết Nguyên Đán, số lượng tàu, ghe mua bán đông đúc, gấp 2-3 lần so với ngày thường, hàng hóa cũng phong phú hơn. Từ mô hình này góp phần bảo tồn văn hóa địa phương và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho một bộ phận người dân.
Việc xây dựng mô hình này khá thuận lợi, tuy nhiên nhu cầu nhân rộng không cao vì xu thế liên kết sản xuất và hội nhập tạo ra sản lượng hàng hóa lớn, giảm dần sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống.

Chợ nổi Cái Răng – Cần Thơ.

Mô hình trồng hoa cây cảnh kết hợp du lịch
Thành phố Cần Thơ có làng nghề, 1 hợp tác xã và 3 tổ hợp tác trồng hoa, kiểng. Nhằm nâng cao hiệu quả người trồng hoa, kiểng ở làng nghề, vừa qua, Hội đã phối hợp xây dựng mô hình hoa kiểng kết hợp du lịch tại làng hoa Phó Thọ – Bà Bộ trên địa bàn quận Bình Thủy.

Để xây dựng, phát triển mô hình, trước tiên Hội tranh thủ phối hợp đề xuất Ủy ban nhân dân quận hỗ trợ mở rộng tuyến đường giao thông dài 1km, ngang 4m đến làng nghề. Phối hợp tư vấn, hỗ trợ, tập huấn cho nông dân trồng thêm một số giống hoa mới, phù hợp điều kiện tự nhiên, có hiệu quả cao như hoa cát tường, hoa đồng tiền, hoa gấm, một số kiểng lá trồng quanh năm, giúp hộ dân có thêm nguồn thu nhập và phong phú thêm sản phẩm, thu hút khách tham quan.

Năm 2014, HND quận Bình Thủy xây dựng dự án hỗ trợ nông dân cho 14 hộ dân tiêu biểu để phát triển mô hình. Sau 2 năm triển khai thực hiện, các hộ đều tăng thu nhập, mở rộng diện tích sản xuất, hoàn trả vốn đúng quy định. Đến nay, làng hoa ngày càng phát triển, sản phẩm dễ bán, thu hút nhiều khách tham quan đặc biệt trong dịp tết Nguyên Đán hàng năm. Trước đây phần lớn hoa sản xuất chủ yếu bán tại các chợ truyền thống. Ngày nay, có trên 70% hoa được bán tại vườn cho khách du lịch và thương lái, người dân an tâm hơn và thu nhập ổn định hơn, đời sống cải thiện rõ rệt, cảnh quang khu vực khang trang, sạch đẹp.

Khó khăn lớn nhất của xây dựng và nhân rộng mô hình là hạ tầng giao thông và công tác quản lý quy hoạch của Ủy Ban nhân dân cơ sở. Hiện tại, làng nghề còn 2km đường chưa được đầu tư mở rộng, trong khu quy hoạch làng nghề chưa quy định cụ thể vị trí được xây dựng nhà ở nên việc quản lý gặp khó khăn, số lượng nhà càng phát triển, diện tích làng hoa càng thu hẹp dần.

Mô hình sản xuất rau an toàn
Mô hình được tập trung xây dựng tại HTX rau an toàn phường Long Tuyền, với quy mô sản xuất 15ha, gồm 9 hộ tham gia sản xuất nhiều chủng loại rau như cải, xà lách, rau thơm, bầu bí, dưa … trên quy trình sản xuất an toàn và cung ứng cơ bản khép kín. HND phối hợp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tìm kiếm đầu ra, phối hợp xây dựng lịch sản xuất cho nông dân, xây dựng dự án cho 9 hộ dân vay vốn với số tiền 500 triệu đồng để xây dựng nhà lưới và mở rộng diện tích sản xuất.

Trong 9 hộ tham gia, có 4 hộ trồng rau trong nhà lưới, với diện tích 2,2ha. Có thành viên sáng tạo mở dịch vụ “vườn rau nhà tôi”, khách tham quan có thể đặt mua 1-2 lô, mỗi lô 1m2 để trồng loại rau mình thích, khách có thể nhờ nhân viên chăm sóc, đến khi thu hoạch mang về. Ngoài ra, nơi đây còn mở dịch vụ ăn uống góp phần tiêu thụ những loại rau an toàn trong hợp tác xã. Bên cạnh đó, để giúp du khách trải nghiệm bằng cách tự tay trồng rau hoặc tham quan vùng sản xuất của hợp tác xã. Đến nay, mô hình này đã và đang phát triển, các thành viên sản xuất rau có đầu ra ổn định hơn và có thêm thu nhập từ lượng khách tham quan.

Bước đầu, việc xây dựng mô hình này rất khó khăn do đầu ra nông sản chưa ổn định, sản xuất an toàn nhưng tiêu thụ bằng giá sản phẩm thông thường, người dân chưa quen sản xuất theo lịch phải thu hoạch hàng ngày nên vừa tốn công, lợi nhuận thấp thậm chí có hộ xin không tiếp tục tham gia.

Một số kinh nghiệm thực tiễn
Để xây dựng thành công và phát huy hiệu quả mô hình du lịch canh nông, HND thành phố Cần Thơ đã rút ra 6 kinh nghiệm thực tiễn:
Thứ nhất, phải dựa trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển của thành phố, cụ thể là Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của thành phố Cần Thơ giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến 2030.
Thứ hai, tranh thủ sự chỉ đạo của Cấp ủy, Chính quyền địa phương; căn cứ vào Nghị quyết của Thành ủy, Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố về phát triển nông nghiệp, du lịch sinh thái.
Thứ ba, phối hợp chặc chẽ với Sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân, cấp ủy cơ sở xây dựng kế hoạch, định hướng dự báo một cách khách quan và chính xác. Hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, cây con giống, tranh thủ nguồn vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật kịp thời.
Thứ tư, bám sát vào người dân, nhu cầu của hộ dân, phải có năng lực và tâm huyết, khi triển khai thực hiện, mô hình xây dựng thành công cao hơn.
Thứ năm, công tác quảng bá, tuyên truyền phải được thực hiện thường xuyên và sâu rộng trên thông tin đại chúng, trên cổng thông tin, bản tin của HND thành phố.
Thứ sáu, để mô hình được duy trì và nhân rộng thì hiệu quả kinh tế luôn là yếu tố hàng đầu, xây dựng mô hình luôn gắn với yếu tố tiêu thụ sản phẩm, sản xuất gắn với an toàn, chất lượng.

Thời gian tới, để mô hình này tiếp tục nhân rộng và phát triển, HND TP. Cần Thơ phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức đánh giá từng hộ tham gia và có chia sẻ, rút kinh nghiệm, đồng thời có kế hoạch hỗ trợ để hộ dân tiếp tục duy trì và phát triển mô hình. Bên cạnh những mô hình xây dựng được, Hội tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phát triển mô hình du lịch canh nông trên cánh đồng lớn và vùng nuôi trồng thủy sản để nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Hội cũng đề xuất, tổ chức đưa nông dân học tập, chia sẻ kinh nghiệm, nghiên cứu mô hình du lịch canh nông trong và ngoài nước.

Tóm lại, thời gian qua HND TP. Cần Thơ đã chủ động phối hợp hỗ trợ, xây dựng một số mô hình du lịch canh nông, các mô hình này đã chứng tỏ hướng đi đúng đắn và mang lại hiệu quả thiết thực cho nông dân. Tuy nhiên trong quá trình hỗ trợ nông dân thực hiện mô hình các cấp hội cần tranh thủ sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, bám sát quy hoạch; có kế hoạch phối hợp các ngành để đánh giá, định hướng, tư vấn khách quan và quan trọng nhất là tiềm lực nông hộ và đầu ra nông sản. 

Lê Bá Phước