Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Dùng mạng xã hội để truyền thông về pháp luật

Lương Linh - 07:04 30/05/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Từ năm 2020, Hội Nông dân (ND) các xã, thị trấn của tỉnh Lạng Sơn đều lập tài khoản facebook, zalo, ngoài việc cập nhật các hoạt động chung thì Hội còn thường xuyên đăng tải các văn bản, quy định của pháp luật để người dân theo dõi, nắm được mọi lúc, mọi nơi.
Một buổi tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Lạng Sơn.

Điểm sáng ở Bình Gia

Thời gian qua, các cấp Hội ND huyện Bình Gia luôn là đơn vị dẫn đầu trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến hội viên ND, đây cũng là đơn vị có số CLB “Nông dân với pháp luật” được thành lập nhiều nhất trong các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. 

Ông Nông Ngọc Nghinh - Chủ tịch Hội ND huyện Bình Gia cho biết: Hội ND huyện Bình Gia hiện có 9.178 hội viên. Hằng năm, các cấp Hội ND đều chủ động xây dựng kế hoạch, tích cực lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật vào các hoạt động của Hội. Nội dung truyên truyền trọng tâm là các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến ND như: đất đai, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông… Từ năm 2020 đến nay, Hội đã tổ chức tuyên truyền pháp luật được hơn 1.500 cuộc cho hơn 70.000 lượt người nghe.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được các cấp Hội chủ động thực hiện bằng nhiều hình thức linh hoạt như: Thông qua các hội nghị, buổi sinh hoạt chung, qua loa truyền thanh, phát tờ rơi, sân khấu hóa, giao lưu văn hóa văn nghệ, thể thao, các hội thi… 

Đáng chú ý, Hội còn tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua mạng xã hội như facebook, zalo đạt hiệu quả hơn. Cụ thể, từ năm 2020, Hội ND các xã, thị trấn đều thành lập một tài khoản facebook, zalo, ngoài việc cập nhật các hoạt động chung thì Hội còn thường xuyên đăng tải các văn bản, quy định của pháp luật để người dân theo dõi và nắm được mọi lúc, mọi nơi. 

Anh Hoàng Văn Hiếu, thôn Nà Cốc, xã Hoàng Văn Thụ cho biết: Tôi có sử dụng facebook và năm 2021 thấy Hội ND xã có thành lập tài khoản facebook của Hội nên tôi đã kết bạn và thường xuyên theo dõi trang. Tôi thấy đây là một kênh thông tin rất hữu ích không chỉ cung cấp nhiều kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi mà chúng tôi còn thường xuyên được đọc các văn bản, quy định về pháp luật rất gần gũi với đời sống như: Quy định về bảo vệ môi trường, an toàn giao thông… giúp chúng tôi tăng thêm sự hiểu biết cần thiết và áp dụng vào thực tế.

Đặc biệt, toàn huyện có 19 CLB “Nông dân với pháp luật” tại 19/19 xã, thị trấn với gần 500 thành viên làm nòng cốt. Nội dung sinh hoạt CLB chú trọng phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến nông nghiệp, ND, nông thôn… 

Các CLB không chỉ tuyên truyền một chiều mà còn tăng cường đối thoại, giải đáp thắc mắc của hội viên ND, mỗi thành viên lại trở thành tuyên truyền viên tích cực đến những người xung quanh mình. Từ đó, CLB ngày càng phát huy hiệu quả, tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp hầu như không còn.

Ông Hoàng Văn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Thiện Thuật, Chủ nhiệm CLB “Nông dân với pháp luật” xã cho biết: “CLB thành lập từ năm 2012 với 30 thành viên và sinh hoạt định kỳ theo quý với các nội dung liên quan trực tiếp đến đời sống ND. Theo đó, chúng tôi xây dựng kế hoạch, tổ chức các buổi sinh hoạt tập trung vào các chuyên đề pháp luật cụ thể, phù hợp với thực tế để hội viên ND nắm và thực hiện. Nhờ đó, từ khi thành lập đến nay, xã không có tình trạng khiếu nại vượt cấp, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, số vụ tranh chấp, khiếu kiện giảm qua các năm. Đơn cử năm 2021, xã tiếp nhận 2 vụ tranh chấp (giảm 1 vụ so với năm 2020), hòa giải thành công 2/2 vụ”.

Linh hoạt, đa dạng hình thức tuyên truyền 

Bà Hoàng Thị Huế, Trưởng Ban Xây dựng, Hội ND tỉnh Lạng Sơn cho biết: Toàn tỉnh hiện có 112.008 hội viên ND. Thực hiện Quyết định 81 của Thủ tướng Chính phủ (về việc phối hợp giữa các bộ, ngành, UBND các cấp với các cấp Hội NDVN trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của ND), các cấp Hội ND tỉnh Lạng Sơn đã nâng cao nhận thức pháp luật cho hội viên, tham gia hòa giải ở cơ sở, đẩy mạnh phối hợp, góp phần hạn chế khiếu kiện vượt cấp, đảm bảo an ninh trật tự, thúc đẩy các phong trào hoạt động Hội.

Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao, các cấp Hội triển khai linh hoạt, đa dạng các hình thức tuyên truyền như: tổ chức các hội nghị, hội thi; sinh hoạt CLB; ứng dụng mạng xã hội…

Từ năm 2021 đến nay, các cấp Hội tổ chức gần 7.000 cuộc tuyên truyền đến hơn 311.000 lượt hội viên ND tham gia (tăng hơn 44.800 lượt người so với năm 2020). 

Đáng chú ý, khi dịch COVID-19 ảnh hưởng đến nhiều hoạt động, một trong những hình thức tuyên truyền được đánh giá cao là việc ứng dụng mạng xã hội. Các cấp Hội đã tăng cường sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đến nay, hầu hết Hội ND các huyện, thành phố đều có tài khoản facebook, zalo để trao đổi công việc và đăng tải các nội dung tuyên truyền đến hội viên ND. 

Bên cạnh đó, mô hình CLB “Nông dân với pháp luật” phát huy vai trò tích cực trong tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến hội viên ND. Hiện toàn tỉnh có gần 130 CLB “Nông dân với pháp luật” với hơn 2.500 thành viên. Các thành viên CLB là những tuyên truyền viên tích cực thực hiện phổ biến nội dung trên tại cơ sở. Từ năm 2020 đến nay, các CLB trên đã tuyên truyền hơn 1.600 cuộc cho hơn 17.000 lượt người nghe. Để nâng cao chất lượng tuyên truyền, từ năm 2020 đến nay, Hội ND các huyện, thành phố phối hợp với trung tâm chính trị các huyện mở hơn 80 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác Hội cho gần 6.000 lượt cán bộ nhằm nâng cao kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ Hội cơ sở.

Ngoài ra, Hội còn tuyên truyền bằng việc tổ chức các hội thi và tăng cường tuyên truyền qua trang thông tin điện tử của Hội. Tính riêng từ năm 2020 đến nay, Hội đã tổ chức 5 hội thi như: “Nông dân tham gia tìm hiểu Luật giao thông đường bộ”; “Nhà nông đua tài”… thu hút đông đảo sự tham gia của nhiều cán bộ, hội viên ND. Trang thông tin điện tử của Hội đăng gần 150 tin, bài và thu hút gần 80.000 lượt người truy cập.

Cùng với đó, nhằm góp phần trực tiếp giải quyết khiếu nại, tố cáo cho ND, các chi hội ND trên địa bàn tỉnh đều có đại diện tham gia vào các tổ hòa giải tại thôn, khu phố. Đến nay, toàn tỉnh có 2.029 tổ hòa giải với hơn 13.112 hòa giải viên. Từ năm 2015 đến nay, Hội ND cơ sở và các chi hội đã tham gia hòa giải thành 4.598/6.960 vụ việc. Thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở đã ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, tranh chấp trong cộng đồng dân cư, hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo. 

Những giải pháp thiết thực trên đã giúp hội viên ND nâng cao ý thức chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Năm 2021, toàn tỉnh Lạng Sơn có hơn 88.000 hộ ND đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, đạt 105,53% kế hoạch.
Theo Hội ND Lạng Sơn.
 


THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 81/2014/QĐ-TTg CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ