Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Giải pháp đồng bộ thúc đẩy tín dụng theo chuỗi giá trị nông nghiệp

(Tapchinongthonmoi.vn) - Tín dụng chuỗi giá trị nông nghiệp là xu hướng để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, qua đó giúp giải quyết nhu cầu tài chính của của tất cả các tác nhân tham gia trong chuỗi từ sản xuất, chế biến và phân phối; thông qua tín dụng theo chuỗi, tất cả các tác nhân tham gia phải tuân thủ các cam kết vì lợi ích chung để đạt được mục tiêu đề ra.

Tín dụng đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ rõ: “Dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi, khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hỗ trợ tín dụng cho hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ nông thôn phát triển sản xuất kinh doanh”. Đổi mới chính sách tín dụng là giải pháp quan trọng để thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững theo Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ “Phát triển thị trường tài chính, tín dụng vi mô, các sản phẩm dịch vụ tài chính mới;…; đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn, đặc biệt phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi giá trị, nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ, sinh thái;…..; thực hiện cơ chế cho vay theo chuỗi giá trị nông nghiệp gắn với bảo hiểm nông nghiệp”.
Nhu cầu tín dụng chuỗi giá trị nông nghiệp
Tín dụng giúp tạo ra tăng trưởng và giá trị gia tăng trong chuỗi, khiến lợi ích các bên tăng lên, là mấu chốt để liên kết, hợp tác bền vững; Với các tổ chức tín dụng ngoài mở rộng quy mô dư nợ lớn hơn còn tạo mối quan hệ với tác tác nhân trong và ngoài chuỗi giá trị và nhiều lợi ích khác.

Mô hình trồng rau xanh công nghệ cao của HTX Tuấn Ngọc (TP. HCM)
Nhu cầu vay vốn tín dụng theo các chuỗi giá trị nông nghiệp để phát triển vùng nguyên liệu ngày càng lớn và đa dạng, nhất là với các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, quy mô lớn, phục vụ chế biến, xuất khẩu, nhất là đối với vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn như ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay. Trong khi nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất, trong khi các mô hình tín dụng truyền thống (dựa trên thế chấp tài sản) ít phù hợp với nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp quy mô nhỏ. Hiện tại ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng với các hợp tác xã, và các hộ nông dân để sản xuất và tiêu thụ gạo trên các cánh đồng lớn. Để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm tỷ đồng để cung cấp hạt giống, phân bón và hóa chất bảo vệ thực vật cho nông dân ngay từ đầu vụ. Tuy nhiên, hợp đồng giữa các doanh nghiệp với hợp tác xã và nông dân không được coi là tài sản thế chấp cho các khoản vay. Do đó, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận các khoản vay từ các ngân hàng thương mại.

Đối với ngành hàng lúa gạo, đặc biệt là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Nhu cầu tín dụng tập trung ở một số công đoạn trong chuỗi gồm: Khâu sản xuất (đầu tư giống, vật tư sản xuất cho nông dân, hợp tác xã) và khâu thu mua để doanh nghiệp thanh toán tiền mua lúa cho nông dân, hợp tác xã. Ví dụ Tập đoàn Lộc Trời có nhu cầu vay vốn tín dụng để đầu tư cho 1 vụ lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long là 60-80 ngàn tỷ đồng để thu mua lúa và khoảng 30-40 ngàn tỷ đồng để đầu tư giống, vật tư đầu vào sản xuất lúa cho nông dân trong thời hạn cấp là 4 tháng. Đối với các ngành hàng khác như cây ăn quả, thủy sản,..., nhu cầu tín dụng cua các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân tập trung ở các công đoạn sản xuất, chế biến và thu mua sản phẩm; thời hạn dài hơn so với lúa gạo và các loại cây trồng ngắn ngày khác, có thể từ 6 tháng đến 1 năm trở lên.

An Giang có nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế từ các HTX. (Ảnh Trọng Tín)
Tuy nhiên, tín dụng theo chuỗi giá trị nông nghiệp chưa được áp dụng phổ biến tại Việt Nam; hiện thiếu khung thể chế cho loại tín dụng theo chuỗi giá trị. Do tín dụng theo chuỗi giá trị nông nghiệp là hình thức mới, nên các tổ chức tín dụng sợ rủi ro do thiếu khung thống nhất về quy trình sản xuất cho từng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp cụ thể. Chương trình thí điểm về tài trợ chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp theo Quyết định 1050/QĐ-NHNN ngày 28/05/2014 của Ngân hàng Nhà nước đã kết thúc từ năm 2016 nhưng hiện chưa có cơ chế để nhân rộng.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang triển khai nhiều chương trình, đề án phát triển nông nghiệp như: Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông sản đạt chuẩn; Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao bền vững, giảm phát thải; Đề án phát triển dịch vụ logistics nông nghiệp… Theo đó, nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân tham gia là rất lớn, nhất là nhu cầu tín dụng theo chuỗi để doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, hiện thiếu cơ chế thí điểm phát triển các dịch vụ tín dụng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết chuỗi giá trị.
Ngoài ra, nhu cầu tín dụng xanh hiện cũng đang là xu hướng mới để thúc đẩy ngành Nông nghiệp xanh. Tín dụng xanh được hiểu là những khoản tín dụng mà ngân hàng cấp phát cho các dự án sản xuất - kinh doanh không gây rủi ro hoặc nhằm mục đích bảo vệ môi trường. Với mục đích hướng tới các dự án tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch, các sản phẩm tín dụng xanh góp phần đem lại những lợi ích to lớn về phát triển nền kinh tế hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững. Vì vậy, phát triển dòng tín dụng xanh trong nông nghiệp, nông thôn là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay (nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải). Mặc dù vậy, hiện nay, cơ chế thu hút đầu tư cho phát triển loại hình sản xuất nông nghiệp xanh, nhất là cơ chế vay vốn tín dụng ưu đãi còn hạn chế; đặc biệt là thiếu các quỹ hỗ trợ đầu tư, vay vốn tín dụng xanh; nhiều quỹ tín dụng ưu đãi còn thiếu chức năng khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã khi đầu tư vào sản xuất sạch (hệ thống quỹ tín dụng nhân dân; các Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã...).
4 nhóm giải pháp thúc đẩy tín dụng theo chuỗi giá trị nông nghiệp
Nhóm giải pháp 01: Thúc đẩy tín dụng nông nghiệp, nông thôn (NNNT) cho các đối tượng sản xuất quy mô nhỏ:
Tổ chức hệ thống ngân hàng tín dụng quy mô nhỏ chuyên nghiệp phục vụ NNNT, với đội ngũ nhân viên phòng tín dụng chuyên nghiệp có khả năng hỗ trợ khách hàng (hàng hóa của họ có tính hỗ trợ cao, giảm thương mại).
Cung cấp các chương trình cho vay đầu tư nông nghiệp nói chung và dài hạn và ủy thác vốn cho các ngân hàng thương mại tham gia. Chính phủ có thể hỗ trợ một phần lãi suất và phí giải ngân.
Thay vì yêu cầu sổ đỏ và các tài sản thế chấp khác, cần xem xét các điều kiện khác có thể đảm bảo tài sản thế chấp cho các khoản vay ngân hàng như tài sản trên đất (nhà máy), tài sản từ các khoản vay, dự án đầu tư, hợp đồng bảo hiểm của các hộ nông dân, trang trại, doanh nghiệp và hợp tác xã. Trong trường hợp cho vay để canh tác hoặc nông nghiệp, đất được sử dụng làm tài sản thế chấp.
Đào tạo cán bộ hỗ trợ tín dụng tại các ngân hàng để có kiến thức về sản xuất nông nghiệp, hiểu đầy đủ các chỉ tiêu kỹ thuật và kinh tế cũng như các cơ chế và chính sách liên quan đến xúc tiến nông lâm nghiệp để họ có thể tham khảo ý kiến của người vay, đặc biệt là nông dân nghèo và dân tộc thiểu số ở xa. Trong các lĩnh vực người dân có trình độ học vấn thấp, các tổ chức tín dụng chính thức bên cạnh các hoạt động cho vay, nên hướng dẫn mọi người sử dụng vốn hợp lý, giúp họ xây dựng các kế hoạch phù hợp để quản lý nợ và rủi ro.
Đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng nông nghiệp nông thôn phù hợp với đặc điểm của chu kỳ sản xuất của từng sản phẩm nông nghiệp. Việc thúc đẩy đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng là cần thiết, đặc biệt là dưới hình thức cho vay theo nhóm, nhóm liên kết và cho vay chuỗi liên kết. Đồng thời, các tổ chức tín dụng cần nghiên cứu để cung cấp các khoản vay kịp thời và linh hoạt phù hợp với nhu cầu vốn (giới hạn cho vay) và chu kỳ sản xuất kinh doanh của từng sản phẩm nông nghiệp (về thời hạn cho vay).
Nhóm giải pháp 02: Khơi thông tín dụng cho khu vực kinh tế tập thể, Hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp:
Triển khai thí điểm và nhân rộng các mô hình tín dụng đối với Hợp tác xã bằng các hình thức: i) Cho vay sỉ thông qua Hợp tác xã: Hợp tác xã làm “đại lý” vay vốn tín dụng trực tiếp từ ngân hàng, sau đó cho các thành viên vay lại. Thông qua Hợp tác xã, phía ngân hàng giảm bớt lực lượng tín dụng, tiết kiệm chi phí trung gian làm hồ sơ vay vốn; từng hộ nông dân cũng không phải làm dự án/hồ sơ vay vốn do Hợp tác xã đại diện làm; ii) Cho Hợp tác xã nông nghiệp vay thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay và vốn góp của Hợp tác xã; qua đó Hợp tác xã tạo nguồn vốn phát triển dịch vụ tín dụng nội bộ.
Ban hành văn bản hướng dẫn hoạt động tín dụng nội bộ Hợp tác xã: Tính đến năm 2023, cả nước có 1.165 Hợp tác xã có hoạt động tín dụng nội bộ. Hoạt động tín dụng nội bộ do Hợp tác xã sử dụng vốn điều lệ và vốn huy động thành viên để cho các thành viên khác trong Hợp tác xã vay nhằm mục đích hỗ trợ một phần vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, không vì mục tiêu lợi nhuận.
Tuy nhiên, từ năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 04/2017/TT-NHNN bãi bỏ một số văn bản quy phạm trước đó về hướng dẫn tín dụng nội bộ Hợp tác xã như Thông tư số 06/2004/TT-NHNN năm 2004 và Thông tư số 04/2007/TT-NHNN năm 2007; đồng thời Ngân hàng nhà nước cũng không ban hành Thông tư mới hướng dẫn thay thế. Do đó, từ năm 2017 đến nay, hoạt động tín dụng nội bộ Hợp tác xã đang thiếu quy định pháp luật để hướng dẫn thực hiện, gây khó khăn cho Hợp tác xã thực hiện cung cấp dịch vụ hỗ trợ vốn phát triển thành viên. Trong khí đó, khả năng tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh của Hợp tác xã còn nhiều khó khăn do các Hợp tác xã chưa đủ điều kiện vay vốn theo quy định (nhất là tài sản thế chấp).
Nghị quyết số 20/NQ-TW năm 2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới có đề ra chủ trương, chính sách liên quan đến phát triển tín dụng nội bộ “Hướng dẫn thực hiện tín dụng nội bộ tại các tổ chức kinh tế tập thể có đủ điều kiện”. Do vậy, thời gian tới, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan Tổng kết hoạt động dịch vụ tín dụng nội bộ Hợp tác xã hiện nay, từ đó sớm ban hành văn bản hướng dẫn hoạt động tín dụng nội bộ Hợp tác xã.

Ông Phan Văn Tùng (ấp 10, xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) áp dụng mô hình trồng rau trong nhà lưới và hệ thống nước tự động đã giúp tiết kiệm nhiều chi phí sản xuất (Ảnh QĐND)
Nhóm giải pháp 03: Phát triển tín dụng theo chuỗi nông nghiệp gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản hàng hóa:
Triển khai thí điểm mô hình cho vay thế chấp bằng hợp đồng liên kết sản xuất và thu mua nông sản giữa Doanh nghiệp với Hợp tác xã, nông dân (mô hình cho vay liên kết theo hợp đồng 03 bên giữa: Ngân hàng - Doanh nghiệp liên kết thu mua nông sản - Hợp tác xã).
Phát triển các sản phẩm dịch vụ tín dụng chuyên biệt cho các doanh nghiệp, Hợp tác xã tham gia liên kết chuỗi giá trị, gắn việc cung cấp tín dụng với các dịch vụ tư vấn kỹ thuật, tư vấn tài chính hay quản trị kinh doanh cho doanh nghiệp/khách hàng vay vốn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay.
Phát triển đa dạng các dịch vụ tín dụng theo chuỗi giá trị phù hợp với đặc thù từng ngành hàng sản phẩm, nhu cầu đầu tư sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, Hợp tác xã và người dân tham gia trong chuỗi. Ví dụ, đối với chuỗi lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long cần thiết kế các gói tín dụng cung cấp cho từng tác nhân: i) Cho Doanh nghiệp đầu chuỗi: Được thế chấp bằng hợp đồng bao tiêu sản phẩm; tín dụng cấp thông qua hàng hóa khi đầu tư cho nông dân (khoảng 20-25 triệu/ha lúa); tín dụng cấp bằng tiền cho Doanh nghiệp khi mua lúa hàng hóa cho nông dân (khoảng 15 triệu/ha); ii) Cho nông dân, Hợp tác xã: Được thế chấp bằng hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp; tín dụng cấp thông qua hàng hóa là giống, phân, thuốc, dịch vụ nông nghiệp để tránh sử dụng sai mục đích vay; cấp tín dụng qua tài khoản cá nhân và cấn trừ qua tiền bán lúa; thời hạn vay là 01 vụ sản xuất lúa (khoảng 123 ngày/vụ).
Để thực hiện chính sách cho vay theo chuỗi một cách hiệu quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần tiếp tục đồng hành cùng với hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng xây dựng một khung thống nhất cho các quy trình sản xuất cho từng chuỗi giá trị để tạo thuận lợi cho việc cho vay của ngân hàng. Song song với đó, các tổ chức tài chính cũng cần thiết lập quy trình đánh giá, xác định các công đoạn khác nhau trong các chuỗi giá trị nông sản từ sản xuất, thu gom, xử lý, vận chuyển và tiêu thụ; dựa trên việc phân tích mối liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi liên kết, các tổ chức tài chính quyết định phương thức cho vay tối ưu để tăng cường liên kết với sự hỗ trợ của các bên liên quan, ngăn chặn trường hợp liên kết chuỗi cho vay mà chỉ tập trung vào các doanh nghiệp.
Tăng cường hỗ trợ và phát triển bảo hiểm nông nghiệp gắn với tín dụng chuỗi giá trị cho một số sản phẩm nông nghiệp trong các vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa tập trung.
Nhóm giải pháp 04: Giải pháp thúc đẩy tín dụng xanh bền vững (nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải):
Nghiên cứu xây dựng tiêu chí đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường khi đánh giá khoản vay trong hoạt động cấp tín dụng (hoạt động cho vay của ngân hàng góp phần trực tiếp vào việc đảm bảo phát triển bền vững).
Xây dựng chính sách cho vay ưu đãi đối với Doanh nghiệp, Hợp tác xã khi đầu tư vào sản xuất sạch, hoặc đóng góp cho sự phát triển bền vững, về khía cạnh bảo vệ môi trường hay gia tăng trách nhiệm xã hội.
Nghiên cứu hình thành các Quỹ tín dụng xanh, hoặc bổ sung chức năng các Quỹ ưu đãi khuyến khích đầu tư, vay vốn cho các doanh nghiệp, Hợp tác xã khi áp dụng các Đổi mới sáng tạo, sản xuất xanh, nông nghiệp tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải, bảo vệ môi trường,...).