Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Giải pháp phát triển giáo dục nghề nghiệp trong tình hình mới

(Tapchinongthonmoi) Phát triển giáo dục nghề nghiệp mở, hướng tới việc làm bền vững là một trong những vấn đề quan trọng, bức thiết rất cần sự tham gia đóng góp kinh nghiệm thực tiễn của cán bộ quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, các nhà giáo, doanh nghiệp, người lao động… Với mục tiêu gỡ bỏ những rào cản về pháp lý, kỹ thuật, tài chính, tạo điều kiện thuận lợi, công bằng, bình đẳng cho mọi người về cơ hội tiếp cận các dịch vụ: Học nghề - Khởi nghiệp - Việc làm bền vững... trong tình hình mới.
Mô hình nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đẩy mạnh hình thức đào tạo trực tuyến 

Vai trò của đào tạo trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài đối với giáo dục nghề nghiệp là hết sức quan trọng và cần thiết. Đặc biệt trong thời gian qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội luôn quan tâm đến phát triển giáo dục trực tuyến - coi công nghệ thông tin là khâu đột phá. 

Ngay từ năm 2018, Bộ ban hành Thông tư số 33/2018 về đào tạo trực tuyến và hướng dẫn học từ xa, tự học có hướng dẫn. Văn bản này đã tạo ra khung pháp lý khá hoàn chỉnh, bởi Ban soạn thảo đã tiếp cận các phương pháp đào tạo từ xa của quốc tế cũng như tiếp thu đầy đủ ý kiến của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các công ty cung cấp giải pháp. Từ đó, đưa ra những tiếp cận mới để xây dựng một hành lang pháp lý phù hợp, mang tính mở cho đào tạo trực tuyến. Điển hình là những tiếp cận về công nghệ, hạ tầng, cho phép nhà trường có thể đi thuê, liên kết kinh doanh để sử dụng hạ tầng; hoặc nhà trường có thể liên kết kinh doanh. Qua đó, mở ra một hệ thống học liệu mở cũng như công nhận văn bằng, tín chỉ; công nhận các nội dung lẫn nhau giữa đào tạo trực tuyến và đào tạo trực tiếp tại trường và cơ sở giáo dục nghề nghiệp…

Tuy nhiên, trên thực tế việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, đặc biệt trong giáo dục nghề nghiệp còn một số hạn chế, nguyên nhân cơ bản là nhận thức về vấn đề này chưa đáp ứng được yêu cầu. Rất nhiều người chưa nhìn nhận đúng đắn về vai trò, xu hướng phát triển của đào tạo trực tuyến cũng chưa đánh giá đúng hiệu quả mà công nghệ mang lại. Bởi vậy nhiều đơn vị, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp - trong đó cả người dạy, người học và người quản lý còn chưa coi trọng với đào tạo trực tuyến… 

Có thể khẳng định, đào tạo trực tuyến không chỉ là giải pháp tạm thời mà còn là một giải pháp quan trọng trong thời gian tới nhằm phát triển được hệ thống giáo dục mở; phát triển đào tạo liên tục, gắn với tinh thần học tập suốt đời và giữ vai trò “đột phá” trong tương lai. Rất nhiều công nghệ mới sẽ cho phép nâng cao chất lượng đào tạo, giảm chi phí đào tạo, sử dụng thời gian của giáo viên và người học một cách linh hoạt. Bên cạnh đó, còn rất hữu ích khi đào tạo lại cho những người đã và đang làm việc. Đây là một công cụ giúp cho các trường nghề có thể tiếp cận rất sớm và tiếp cận liên tục với người học, cho phép kết hợp triển khai song hành giữa đào tạo lý thuyết và đào tạo thực hành, giữa đào tạo tại nhà trường và đào tạo tại doanh nghiệp, giữa người đang học hay làm việc tại doanh nghiệp vẫn có thể tiếp cận được với nhà trường, tham gia các quá trình đào tạo , qua đó tích lũy module tín chỉ để có được văn bằng tín chỉ ở nhiều cấp độ.

Riêng với công tác tuyển sinh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội luôn quán triệt tinh thần để các cơ sở GDNN tự chủ. Tuy nhiên, nhằm thúc đẩy tuyển sinh theo hình thức trực tuyến, Bộ hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai những việc kết nối tổng thể như: Ứng dụng công nghệ thông tin trên App điện thoại di động; trên trang Web cho phép người học được chọn ngành, chọn nghề, chọn trường trực tuyến. Bộ cũng khuyến khích các trường đẩy mạnh công nghệ thông tin nhất là đối với các chương trình chất lượng cao. Qua các đợt dịch Covid-19, chúng ta có thể thấy được một cơ hội để các trường sáng tạo phương pháp tuyển sinh. Đơn cử, thay vì việc đi làm hội thảo trực tiếp tại các trường, chúng ta có thể tổ chức hội thảo online, module, mô phỏng online… giúp học sinh tiếp cận nhanh chóng và hiệu quả.

Mối quan hệ giữa GDNN và thị trường lao động

Nghị quyết 19/NQ-TW ngày 25/10/2017 chủ trương: “Sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động”… Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 về việc đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Đây là những định hướng rất quan trọng để phát triển giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn tiếp theo. 

Theo đó, cần tiếp tục làm rõ khái niệm, các nguyên tắc, đặc điểm và những thách thức khi tiếp cận và vận hành hệ thống giáo dục nghề nghiệp hướng mở, linh hoạt; phân tích mối quan hệ giữa phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt với học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, xã hội hóa, các cơ hội việc làm bền vững cho người lao động, đào tạo gắn với nhu cầu của thị trường lao động; cung cấp thông tin, kinh nghiệm quốc tế và bài học vận dụng vào điều kiện Việt Nam; định hướng phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp hướng mở, linh hoạt trong bối cảnh hội nhập quốc tế và tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0; Nghiên cứu và khuyến nghị giải pháp về hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt và kế hoạch hành động của hệ thống và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Việc xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, năng động, toàn diện theo hướng đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, cung cấp cơ hội việc làm đầy đủ và nâng cao chất lượng cuộc sống cho lực lượng lao động. Các cơ hội học tập suốt đời cho phép người học, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, hội nhập khu vực và thế giới là điều kiện tiên quyết để tăng cường sự bình đẳng trong xã hội, thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững. 

Để thực hiện mục tiêu đó, chúng ta cần đổi mới trong hoạch định và thực hiện chính sách, đòi hỏi phải xem xét lại các chiến lược phát triển giáo dục. Thực tế, trong nhiều năm qua, Chính phủ đã xây dựng khung pháp lý khá toàn diện về giáo dục nghề nghiệp, song rào cản đối với học sinh, sinh viên, người học trong việc tiếp cận với giáo dục nghề nghiệp là thách thức đối với nhà hoạch định chính sách về giáo dục nghề nghiệp. Muốn vậy, chúng ta cần làm rõ các luận điểm về tính bao trùm, tính cân bằng về giới, sự cung cấp các khóa học theo định hướng nhu cầu, năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp… 

Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, thị trường lao động và việc làm bền vững, trong đó cần phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động để gắn kết đào tạo và sử dụng lao động. Hình thành và tăng cường chất lượng hoạt động của các trung tâm quan hệ doanh nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để làm tốt vai trò cầu nối giữa đào tạo và sử dụng lao động. Tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo theo lĩnh vực, ngành nghề, cấp trình độ nhằm cung cấp thông tin kịp thời cho các đối tượng tham gia giáo dục nghề nghiệp. Hình thành mối quan hệ chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trung tâm giới thiệu việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội trợ việc làm nhằm hỗ trợ học sinh, sinh viên tìm việc sau tốt nghiệp.

Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

Những định hướng chiến lược

Là hai đơn vị thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nên Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Cục Việc làm đều có chức năng tham mưu giúp Lãnh đạo Bộ trong việc thực hiện công tác quản lý nhà nước hướng tới mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội bền vững. Giáo dục nghề nghiệp có nhiệm vụ đào tạo lực lượng lao động cho thị trường việc làm, do vậy việc đào tạo phải đảm bảo phù hợp với thị trường. Cục Việc làm có chức năng quản lý nhà nước về việc làm, hỗ trợ tạo việc làm… sẽ là đầu mối giúp giáo dục nghề nghiệp đánh giá chất lượng của lực lượng lao động, hỗ trợ cung cấp thông tin về thị trường lao động, việc làm… 

Vai trò trong việc trang bị kỹ năng nghề và tạo việc làm trong mỗi nền kinh tế quốc dân là không cần bàn cãi, chính vì vậy cần thúc đẩy hợp tác giữa hai cơ quan bằng một kế hoạch tổng thể cho giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035, trong đó có lộ trình thực hiện, chi tiết cho từng nhiệm vụ, cho từng năm. Với nhiệm vụ một bên là xây dựng cơ chế, chính sách tạo việc làm, một bên là nghiên cứu, đề xuất nâng cao chất lượng, trang bị kỹ năng nghề cho nguồn nhân lực. 

Nói cách khác, hai cơ quan này chính là “đầu vào và đầu ra” trong thị trường lao động và nó có tác động qua lại, khép kín. Giáo dục nghề nghiệp cung cấp nhân lực cho thị trường lao động và khi thị trường lao động thay đổi thì lực lượng lao động cũng cần phải đào tạo lại và lại là đầu vào của giáo dục nghề nghiệp… 

Từ thực tế này, trước tiên cần có sự đổi mới mạnh mẽ về hoạt động của các đơn vị thuộc lĩnh vực quản lý như các trung tâm giới thiệu việc làm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp… để đảm bảo gắn kết hài hòa, hướng tới đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người lao động, người học nghề cũng như sự kết nối các hoạt động đào tạo, giáo dục nghề nghệp với thị trường lao động và việc làm. Trong quá trình triển khai thực hiện sửa Luật Việc làm, hay quá trình triển khai xây dựng các đề án có nhiều nội dung liên quan đến giáo dục nghề nghiệp, cần có sự phối hợp giữa các bộ phận chuyên môn của hai cơ quan để cùng thống nhất nội dung đưa vào đảm bảo tính hợp lý, khoa học; nhất là đối với quỹ như Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ vốn vay xóa đói, giảm nghèo…

Bên cạnh đó, việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, thị trường lao động và việc làm bền vững cũng cần hình thành cơ chế cung cấp thông tin về nhu cầu lao động qua đào tạo của doanh nghiệp cho cơ quan quản lý nhà nước, làm cơ sở cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu về cung cầu đào tạo, dự báo nguồn nhân lực. Chú trọng công tác hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên và việc đào tạo đội ngũ cán bộ đảm trách nhiệm vụ hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp…

Thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa cơ sở GDNN và các trung tâm giới thiệu việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm nhằm hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp; chú trọng gắn kết đào tạo với xuất khẩu lao động; Đẩy mạnh truyền thông về việc gắn kết GDNN với thị trường lao động, trong đó  tập trung xây dựng các ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền, đưa các thông tin liên quan đến GDNN trên các phương tiện thông tin đại chúng giới thiệu những mô hình, cách làm hiệu quả và nhân rộng trên toàn quốc...

Giai đoạn 2021-2025, phát triển giáo dục nghề nghiệp được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Chính vì vậy, những chính sách, giải pháp cùng chiến lược mang tầm vĩ mô là không thể thiếu, bên cạnh đó những yếu tố như môi trường, tác phong công nghiệp hay văn hóa ứng xử trong các trường, các cơ sở GDNN cũng là những yếu tố quyết định cho sự thành công khi mà Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2030 là quốc gia có thu nhập cao và năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại...