Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hỗ trợ để khơi dậy tinh thần tự lực cánh sinh

08:43 27/05/2020 GMT+7
Trong bối cảnh cả nước gồng mình chống dịch Covid-19, các giải pháp cách ly ngăn dịch lây lan đã tác động đến các hoạt động kinh tế, xã hội. Hoạt động xã hội đình trệ khiến cho các lĩnh vực sản xuất gặp khó khăn, đặc biệt là nông dân chịu ảnh hưởng nặng

Trong bối cảnh cả nước gồng mình chống dịch Covid-19, các giải pháp cách ly ngăn dịch lây lan đã tác động đến các hoạt động kinh tế, xã hội. Hoạt động xã hội đình trệ khiến cho các lĩnh vực sản xuất gặp khó khăn, đặc biệt là nông dân chịu ảnh hưởng nặng nề khi không có việc làm, nông sản không tiêu thụ được… Hiện Chính phủ đang triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng (theo Nghị quyết 42 và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ). Việc hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng sẽ góp phần khích lệ người dân, phát triển sản xuất kinh doanh. Tạp chí Nông Thôn Mới xin trích đăng một số ý kiến xoay quanh chủ đề này.

Hoạt động tuyên truyền cách phòng chống Covid-19 tới các thôn bản của Hội ND tỉnh Tuyên Quang.

Ông Bùi Nhân Sâm – Chủ tịch Hội ND Hà Tĩnh: Kiến nghị bổ sung đối tượng hỗ trợ

Tỉnh Hà Tĩnh có hơn 296.300 hộ nông dân, trong đó có hơn 182.200 hộ trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19 các hộ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp cũng bị ảnh hưởng do phải cách ly tại nhà không sản xuất, giao thương được.

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, ngoài các đối tượng (hộ nghèo, cận nghèo, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, các doanh nghiệp, người lao động mất việc làm) được hỗ trợ theo Nghị quyết 42/2020/NQ-CP của Chính phủ là 207.546 người với số tiền dự kiến chi trả là gần 235 tỷ đồng thì hàng chục ngàn hộ nông dân có mức sống trung bình, các hộ trực tiếp sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch Covid 19 cũng gặp rất nhiều khó khăn, cần được quan tâm, hỗ trợ.

Vì vậy, Hội ND Hà Tĩnh đề xuất, kiến nghị cần bổ sung đối tượng các hộ nông dân có mức sống trung bình, hộ trực tiếp sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 gây ra. Nhằm tạo điều kiện, động lực để nông dân yên tâm sản xuất, vực dậy sau đại dịch. Đây cũng là tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đại đa số các hộ nông dân trong tỉnh.

Về phương thức hỗ trợ có thể bằng tiền mặt, hoặc hỗ trợ cây con giống, phân bón, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm…. để kích thích phát triển sản xuất, chăn nuôi, khôi phục sản xuất và khắc phục có hiệu quả ảnh hưởng sau phòng chống dịch.

Bà Trần Thị Thủy, Trưởng Ban Kinh tế – Xã hội và Điều hành (Hội ND tỉnh Gia Lai): Chủ động rà soát nắm bắt tâm tư nông dân

Để giúp các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, cuối tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh Gia Lai đã ra Quyết định 180/QĐ-UBND thành lập Ban điều phối thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09.4.2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 của tỉnh Gia Lai mà Hội ND tỉnh Gia Lai là thành viên.

Xác định nhiệm vụ của mình, Hội ND tỉnh chỉ đạo cán bộ Hội cấp cơ sở tiến hành rà soát, tiếp nhận và đề xuất chính sách hỗ trợ không chỉ cho nông dân nghèo, vùng sâu, vùng xa mà đến các doanh nghiệp sản suất bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Thiết thực nhất là cuối tháng 4 vừa qua, Chi nhánh Agribank Gia Lai đã triển khai chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp, các hộ nông dân vốn là khách hàng của Agribank cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ… tạo điều kiện để nông dân có điều kiện tái sản xuất, khôi phục lại hoạt động kinh tế.

Hiện nay, Quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09.4.2020 của Chính phủ được UBND tỉnh Gia Lai giao Ban Thường trực là Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh đang xây dựng. Là thành viên Ban điều phối, Hội ND tỉnh nhìn nhận những khó khăn của nông dân – nhất là các hộ nông dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS không thuộc diện được thụ hưởng. Để khắc phục điều này, cán bộ Hội cấp cơ sở phải chủ động rà soát thực tế, nắm bắt diễn biến, mức độ ảnh hưởng dịch Covid-19 đến từng hộ nông dân để kịp thời lập danh sách, đề xuất cụ thể để đưa nguồn hỗ trợ của Chính phủ đến kịp thời.

Ông Võ Ngọc Sơn – Giám đốc HTX Duy Đại Sơn: Không dám vay vốn mở rộng sản xuất

HTX Chăn nuôi Duy Đại Sơn (xã Duy Tân, Duy Xuyên, Quảng Nam) là một trong những mô hình chăn nuôi mang hiệu quả kinh tế cao. Hai vật nuôi chủ lực của HTX đang là gà và heo (lợn).

Trước đây, HTX duy trì quy mô đàn gà đẻ trứng khoảng 10.000 – 12.000 con, cung ứng ra thị trường xấp xỉ 250 tấn trứng gà sạch/năm. HTX còn duy trì quy mô trên 100 con nái và đàn heo thịt hơn 2.000 con gối lứa. Bình quân mỗi năm HTX đạt doanh thu hơn 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng dịch bệnh, doanh thu từ chăn nuôi của HTX giảm sút mạnh.

Từ đầu tháng 2 đến nay, giá gia cầm, trứng gia cầm giảm một nửa so với thời điểm Tết Nguyên đán. Giá bán các sản phẩm gà, vịt hiện nay quá thấp nên cả HTX và nông dân gặp khó khăn. Hiện tại, HTX không dám vay vốn để đầu tư mở rộng mà chỉ còn hoạt động cầm chừng, không biết khi nào hết dịch để tái đàn.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các HTX trên địa bàn của tỉnh đều mong muốn Nhà nước có những chính sách hỗ trợ thiết thực, ý nghĩa trong thời điểm khó khăn này như hỗ trợ về tín dụng, giảm lãi, giãn nợ, gia hạn nợ, chậm nộp thuế…

Dịch Covid-19 giá trứng gia cầm trong nước giảm mạnh.

Bà Lê Thị Khương – Giám đốc HTX Phú Khương: Mong muốn được hỗ trợ để vực dậy sản xuất

Là những cơ sở sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp của Covid – 19, HTX Chế biến thủy, hải sản Phú Khương (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đang lao đao, “rối như tơ vò” giữa mùa dịch. Được thành lập từ năm 2015, với 13 thành viên xây dựng và hoạt động. Sản phẩm chính của HTX là nước mắm, ruốc, thủy hải sản… Nước mắm Phú Khương được công nhận đạt chuẩn 3 sao của OCOP, là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện Kỳ Anh. Trung bình mỗi tháng doanh thu của HTX đạt hơn 500 triệu, với lợi nhuận thu được gần 100 triệu đồng, đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong xã.

Kể từ ngày đại dịch Covid-19 bùng phát, HTX Phú Khương rơi vào tình trạng “khủng hoảng nặng” hàng hóa ứ đọng, xe cộ đi lại khó khăn. Hàng hóa thì không bán được nhưng tiền mặt bằng, tiện điện, tiền lãi ngân hàng phải trả đều đặn. Cuộc sống đã vất vả, nay lại càng lao đao giữa mùa dịch. Là những nông dân gặp rất nhiều khó khăn, nhưng lại không thuộc đối tượng được hỗ trợ trong gói hỗ trợ Covid. Chúng tôi rất mong muốn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Chính phủ để nông dân, người lao động có động lực để vực dậy sau mùa dịch:

– Tạo điều kiện cho nông dân (không thuộc đối tượng hỗ trợ nhưng gặp khó khăn) được tiếp cận được gói hỗ trợ của Chính phủ.

– Cho phép nông dân, HTX đã vay vốn được kéo dài thời hạn vay hoặc giãn kỳ hạn trả nợ, đảo nợ, giảm lãi suất tiền vay, giãn thanh toán, giảm các loại phí liên quan đến khoản vay.

– Hỗ trợ HTX, nông dân chi phí thuê tiền lưu kho, nhà xưởng; tiếp cận các khoản vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư máy móc, trang thiết bị.

– Hướng dẫn nông dân tổ chức lại sản xuất, áp dụng quy trình kỹ thuật để đảm bảo an toàn thực phẩm, hỗ trợ mở rộng thị trường, tìm kiếm thị trường nội địa mới.

Anh Byưk (làng Groi, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai): Cần hỗ trợ nông dân khoanh nợ, giảm lãi suất

Gia đình tôi có rẫy trồng 1.400 trụ tiêu, 600 gốc cà phê và gần 2ha cao su tiểu điền nhưng gần 3 năm qua, giá mặt hàng nông sản này xuống rất thấp gây khó khăn cho sản xuất. Đầu năm vừa qua, dịch Covid-19 khiến xe cộ không thể lưu thông, giá nông sản vì vậy dù chấp nhận bán lỗ vẫn không thể tiêu thụ được. Nghe tin Chính phủ có quyết định hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng Covid-19 thì tôi mong chính quyền địa phương không chỉ hỗ trợ cho các hộ nghèo mà cũng cần hỗ trợ cho nông dân trồng tiêu, cà phê, cao su… có điều kiện khoanh nợ, giảm lãi suất vay ngân hàng vì suốt nhiều năm qua giá cả thấp quá, sản xuất lỗ kéo dài, thậm chí tôi cũng muốn bán luôn cả rẫy tiêu nhưng không thể bán được vì không có người mua.

Bảo Trung – Thanh Luận