Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hoa lan cắt cành hướng phát triển hiệu quả

07:04 23/08/2021 GMT+7

Được hướng dẫn, hỗ trợ của Hội ND huyện và TP. Hồ Chí Minh (HCM) cùng các cơ quan chuyên môn, bà Trần Thị Mỹ Trinh (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) đã chủ động sản xuất và tạo đầu ra cho sản phẩm hoa lan cắt cành ổn định. Hiện nay, gia đình bà Trinh đã xây dựng thương hiệu, logo, tham gia các hội chợ triển lãm nhằm quảng bá hình ảnh, sản phẩm đến với người tiêu dùng.

Bà Trần Thị Mỹ Trinh, Tổ trưởng Tổ hợp tác Lan Việt chăm sóc vườn lan

Bà Trần Thị Mỹ Trinh hiện là Tổ trưởng Tổ hợp tác Lan Việt cho biết: Với diện tích 12.000m2 trồng hoa cắt cành, mỗi năm doanh thu của Tổ hợp tác đạt khoảng 600 triệu đồng. Thị trường tiêu thụ chính: Hà Nội, Đà Nẵng, Gia Lai và các cửa hàng hoa tại TP. HCM. Thị trường hoa lan cắt cành đang có nhu cầu lớn, nên sẽ mở rộng diện tích trồng trong thời gian tới.

Cây trồng tiềm năng cho vùng đô thị

Bà Trần Thị Mỹ Trinh kể rằng, bà biết tới nghề trồng hoa lan từ năm 2010. Ban đầu với vốn liếng và một số ít kinh nghiệm tích lũy có được, bà Trinh bắt đầu tìm hiểu về cách trồng hoa lan và thấy yêu thích với nghề này. Sau khi nắm bắt được một số kiến thức cơ bản, bà đã dành riêng 3.000m2 đất của gia đình để trồng thí điểm, đầu tư làm hệ thống tự động tưới tiêu nước, thuốc và phân bón; xây dựng nhà lưới để giữ ẩm và nhiệt độ cho hoa lan.

Sau hơn 10 năm gắn bó với nghề, bà Trinh cho rằng TP. HCM có điều kiện thời tiết khí hậu rất thuận lợi cho trồng hoa lan nhiệt đới. Hoa lan lại có hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây trồng nông nghiệp khác. Tại những vùng đất sản xuất nông nghiệp không hiệu quả như đất bạc màu, chua phèn hay ngập mặn cũng có thể trồng lan vì không cần đến độ dinh dưỡng của đất và có thể trồng treo, trồng sạp, trồng luống…

Cây lan thích hợp với nhiều loại giá thể như vỏ dừa khô, xơ dừa, than. Sử dụng vật liệu rẻ tiền, vật liệu phế phẩm làm nguyên liệu nhưng hiệu quả cao giúp giảm chi phí đầu vào. Hiện nay, người trồng lan có thu nhập cao gấp 4 – 5 lần so với người trồng các loại cây nông nghiệp khác. Tại Tổ hợp tác, trên diện tích 12.000m2, mỗi năm cho lợi nhuận khoảng 600 triệu đồng.

Chia sẻ về kỹ thuật trồng lan, bà Trinh cho biết: “Phải dựng nhà mái lưới bao kín khắp khu vườn, kết hợp lắp đặt hệ thống tưới phun mưa tự động, giúp giảm công lao động. Trồng một lần có thể thu hoa liên tục 8-10 năm. Lan Mokara có ưu điểm màu sắc đa dạng, độ bền hoa cắt cao từ 15-40 ngày, tùy mùa vụ. Để trồng lan Mokara hiệu quả cần chọn cây giống cao 20-25cm và có 3-4 rễ”.

Người trồng cần lưu ý, mặt ruộng phải cao ráo, thoát nước nhanh, phải để các hàng lỗ thoát nước ở 2 bên luống lan. Trồng cây giống tựa vào cột ống nhựa đã chôn trước đó, gốc cây cách mặt giá thể khoảng 10cm. Mùa Hè tưới nước 2 lần/ngày. Giống này rất thích hợp cho thu hoạch hoa cắt cành, do ra hoa nhiều, có thể đạt 8-10 cành hoa/năm.

“TP. HCM với khí hậu ấm áp quanh năm, là nơi có tiềm năng lớn về trồng và kinh doanh hoa lan. Thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng tăng giá trị trên đơn vị diện tích đất canh tác, trong vài năm trở lại đây, nông dân ở vùng ven nơi đây đã chú trọng phát triển nhanh diện tích trồng hoa lan. Với thế mạnh là hoa nhiệt đới, lan Dendrobium, Oncidium, Mokara cắt cành sẽ trở thành cây cảnh chủ lực của TP. HCM nói riêng và khu vực phía Nam nói chung”- bà Trinh nói.

Vườn lan của gia đình bà Trần Thị Mỹ Trinh.

Thị trường tiêu thụ còn rất lớn

Từ thực tế sản xuất, bà Trinh cho biết: “Hoa lan là một loài hoa đẹp có giá trị kinh tế cao, hiện đang có thị trường tiêu thụ mạnh trong nước cũng như xuất khẩu. Một số giống hoa có thể trồng được trong điều kiện nhiệt đới ẩm của TP. HCM như: Dendro, Mokara, Cattleyas… Trong đó lan cắt cành thuộc nhóm Mokara và Dendro được các hộ trồng nhiều và có tỷ suất lợi nhuận khá cao”.

Hiện nay, tại TP. HCM, nhiều hộ trồng hoa lan nhóm Mokara đang được ưa chuộng do dễ trồng và thị trường tiêu thụ còn đang rất lớn. Hoa có nhiều màu sắc phong phú từ trắng, tím, hồng đỏ, cam, vàng nâu, xanh. Nhóm giống này rất thích hợp với việc trồng sản xuất hoa cắt cành do siêng ra hoa. Bình quân cứ 1.000m2 nhà lưới trồng được khoảng 4.000 cành Mokara.

Quá trình trồng lan Mokara ít bị sâu phá hoại, chủ yếu là theo dõi nếu có kiến quá nhiều thì nên phun thuốc trừ sâu với nồng độ loãng để diệt kiến. Bà con cũng cần lưu ý khi trồng lan là không được bón phân chuồng tươi làm cho nấm bệnh phát trển, cây rất dễ bị nhiễm bệnh. Thời gian sau 6 tháng trở đi một số giống hoa đã bắt đầu cho hoa, khi đó có thể phun bổ sung loại phân bón lá để kích thích ra hoa và hoa sẽ bền đẹp và phát hoa sẽ dài hơn.

Nếu chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, tính từ khi cây cho cành hoa đầu tiên, sau một năm có thể thu hồi được phần đầu tư cây giống. Từ năm thứ hai trở đi đã có lợi nhuận. Hiện thị trường hoa lan Mokara ở các tỉnh phía Bắc còn rất lớn, đối với thị trường trong nước, sản lượng hoa phong lan cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Theo bà Trinh, hiện nay, việc sản xuất, kinh doanh, hoa lan ở Việt Nam vẫn ở dạng tiềm năng.

“Để phát triển ngành lan trong thời gian tới để đáp ứng cho tiêu dùng nội địa và tạo lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu, rất cần sự hỗ trợ đầu tư mở rộng năng lực sản xuất giống cấy mô đồng bộ về số lượng và chất lượng giống” – bà Trinh cho biết thêm.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thông Hội, cho biết: Thời gian gần đây, nông dân đã tăng cường kỹ thuật tạo ra được giống lan chất lượng, phù hợp với khí hậu TP. HCM và tiềm năng phát triển sản xuất hoa lan còn rất lớn. Đây là mô hình nông nghiệp tiêu biểu TP. HCM, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương với thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/ tháng.

“Không chỉ nỗ lực phát triển kinh doanh, Tổ hợp tác Lan Việt còn tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội như: Ủng hộ bếp ăn từ thiện của Bệnh viện đa khoa Củ Chi, ủng hộ cho Hội Nông dân xã mua công cụ hỗ trợ bà con sản xuất, mua gạo cho ấp để hỗ trợ người nghèo”- ông Tuấn cho hay.

“Mô hình trồng hoa lan cắt cành của Tổ hợp tác Lan Việt là phù hợp với sự phát triển nông nghiệp đô thị, trong điều kiện thành phố đã và đang giảm dần diện tích đất nông nghiệp sang trồng các loại cây trồng giá trị, theo hướng nông nghiệp công nghệ cao”.
Ông Huỳnh Anh Tuấn – Chủ tịch Hội ND xã Tân Thông Hội.

Vân Nguyễn