Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hội ND Bắc Giang: Chủ động triển khai các hoạt động hỗ trợ nông dân

07:31 23/07/2021 GMT+7

Do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, nhưng 6 tháng đầu năm 2021 tỉnh Bắc Giang đã có 137.122 hộ đăng ký danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi năm 2021 (đạt 105,3% kế hoạch).

Nửa đầu năm 2021 là nửa năm mà chưa bao giờ Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động của mình như vậy. Đại dịch COVID-19, những chỉ thị của Chính phủ 15, 16, 19 được triển khai ở nhiều địa phương trong tỉnh từ thành phố Bắc Giang đến các huyện Việt Yên, Yên Thế, Lục Ngạn, Sơn Động… đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nông dân Bắc Giang. Nhưng với sự vào cuộc chủ động của các cấp uỷ, chính quyền, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang và sự đồng lòng của người dân, đời sống của hội viên Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang vẫn được đảm bảo và nâng cao.

6 tháng đầu năm 2021 tuy bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng Bắc Giang vẫn có 137.122 hộ đăng ký hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi năm 2021. Ảnh Tống Quyên

Để giúp đỡ các hội viên phát triển kinh tế nâng cao thu nhập, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã chủ động xây dựng các phương án hỗ trợ bằng những chương trình cụ thể như: Vốn vay, vật tư nông nghiệp, khoa học kỹ thuật…

Cụ thể trong việc hỗ trợ vốn cho hội viên, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh việc cho vay qua Quỹ Hỗ trợ Nông dân(HTND). Kết quả đã tổ chức giải ngân 31 dự án cho 200 hộ vay với số tiền là 9.145 triệu đồng. Các dự án vay vốn Quỹ HTND đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thúc đẩy sự liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị, kinh tế nông nghiệp phát triển, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đến nay tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh 53.786 triệu đồng

Các cấp Hội Nông dân trên địa bàn đã tích cực phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT tỉnh Bắc Giang, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Giang tạo điều kiện cho hội viên nông dân vay vốn, đáp ứng nhu cầu về vốn để xây dựng mô hình, phát triển sản xuất nâng cao thu nhập. Cụ thể với Ngân hàng Chính sách xã hội tính đến đến 30/6/2021, quản lý 986 tổ tiết kiệm và vay vốn với 34.358 thành viên, dư nợ trên 1.500 tỷ đồng tăng trên 85 tỷ đồng; với Ngân hàng NN&PTNT quản lý 1.145 tổ cho 28.685 hộ vay, dư nợ trên 3.100 tỷ đồng tăng trên 146 tỷ đồng so đầu kỳ. Quản lý 7 dự án với tổng số tiền 1.960 triệu đồng vốn vay Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm.

Để giúp bà con nông dân có được những sản phẩm vật tư nông nghiệp chất lượng tốt nhất và kịp thời đáp ứng mùa vụ, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã chủ động liên hệ với các công ty uy tín trên cả nước để đặt mua những sản phẩm chất lượng mà giá thành tại nhà máy khi đưa về tận gia đình cho bà con nông dân sử dụng. Cụ thể đã phối hợp với Công ty Tiến Nông cung ứng được trên 6.200 tấn phân bón (đạt 283% KH); phối hợp Công ty CP Giống, vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam cung ứng trên 03 tấn giống lúa J02 và 827kg giống lúa QR15 vụ Chiêm Xuân 2020-2021 cho hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh…

Không khó để tìm thấy những mô hình thu nhập tiền tỷ của nông dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Ảnh Hoàng Tính

Nhằm hỗ trợ cho hội viên, nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, chủ động sản xuất, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã chủ động phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho trên 107.169 lượt người, đạt 65,5% kế hoạch; trực tiếp Trung tâm tập huấn 15 lớp cho 1.500 người tham gia về ATVSLĐ, an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất na dai theo tiêu chuẩn VietGAP. Xây dựng thành công mô hình giống lúa J02 với diện tích 22,08ha tại xã Xuân Phú (Yên Dũng), Bảo Sơn (Lục Nam).

Tin tưởng vào sự lãnh đạo của Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang, 6 tháng đầu năm đã có 1.343 hội viên được kết nạp mới, nâng tổng số hội viên trong toàn tỉnh lên 246.256 hội viên chiếm 106% so với tổng số hộ nông nghiệp trong toàn tỉnh (đạt 291% mục tiêu nghị quyết Đại hội Hội ND tỉnh Bắc Giang).

Với sự hỗ trợ kịp thời của Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã có hàng trăm nghìn hộ nông dân trên địa bàn thoát nghèo, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Điển hình như mô hình trồng cây ăn quả của bà Nguyễn Thị Chiếm, thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc (Lục Ngạn) cho thu nhập 2,2 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 12 lao động; mô hình chăn nuôi lợn của ông Hoàng Đình Quê, xã Quỳnh Sơn (Yên Dũng) cho thu nhập 1,2 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 7 lao động, và tích cực tham gia các hoạt động xã hội.

Hoàng Tính