Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hội NDVN: Tuyên truyền, vận động nông dân canh tác lúa thân thiện với môi trường

20:12 09/11/2020 GMT+7
Chiều ngày 9/11, tại Hà Nội, Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc -T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) đã tổ chức Hội thảo khởi động Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiên với môi trường” tại Việt Nam (Dự án SRI). Tham dự và chủ

Chiều ngày 9/11, tại Hà Nội, Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc -T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) đã tổ chức Hội thảo khởi động Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiên với môi trường” tại Việt Nam (Dự án SRI).

Đồng chí Lương Quốc Đoàn – Phó Chủ tịch Thường trực BCH T.Ư Hội NDVN phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.

Tham dự và chủ trì Hội thảo có đồng chí Lương Quốc Đoàn- Phó Chủ tịch Thường trực BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, đại diện lãnh đạo các Ban, đơn vị của T.Ư Hội, thành viên Ban Tư vấn Dự án SRI, đại diện Hội Nông dân các tỉnh, thành phố và đại diện các Bộ, ngành, tổ chức có liên quan.

Phát biểu Đề dẫn tại Hội thảo, đồng chí Mai Bắc Mỹ, Trưởng Ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế T.Ư Hội cho biết: Hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI) là phương pháp canh tác lúa hướng tới phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững, được tiến hành tại hơn 50 quốc gia trên toàn thế giới. Áp dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến mang lại hiệu quả và năng suất cao, góp phần giảm phát thải nhà kính trên cơ sở các tác động về mặt kỹ thuật giúp giảm chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu và tiết kiệm nước tưới.

Việc áp dụng rộng rãi hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) là rất cần thiết trong bối cảnh nền nông nghiệp hiện nay đang chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu. Để nhân rộng mô hình áp dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI và nâng số lượng nông dân được tiếp cận với phương pháp SRI cũng như áp dụng phương pháp canh tác SRI, cần có các chính sách hỗ trợ và sự tham gia của chính quyền các địa phương, sở ngành, tổ chức nông dân cũng như các bên liên quan để thúc đẩy hơn nữa lợi ích từ các mô hình canh tác lúa cải tiến này. Với ý nghĩa đó, T.Ư Hội NDVN đã phối hợp với Tổ chức ủng hộ các giải pháp khu vực vì cộng đồng và hệ sinh thái (BRACE) xây dựng dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam” (gọi tắt là Dự án SRI).

Tại Việt Nam Hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) đã được Bộ NN&PTNT được xác định là quy trình “canh tác thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu”. SRI là một trong các giải pháp canh tác chính trong các văn bản chỉ đạo sản xuất, các chương trình, đề án, dự án liên quan đến sản xuất lúa bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phác thải nhà kính. Chương trình SRI bắt đầu ở Việt Nam từ năm 2003. Từ năm 2014 đến nay triển khai ứng dụng rộng rãi trên toàn quốc. Đến nay đã có trên 35 tỉnh, thánh phố trực thuộc trung ương triển khai áp dụng SRI với hàng triệu nông dân tham gia.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Mục tiêu của Dự án là nhằm nâng cao kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI cho nông dân trồng lúa; Nâng cao nhận thức của nông dân, người tiêu dùng và các bên liên quan về lợi ích của phương pháp canh tác lúa cải tiến SRI; Nâng cao giá trị sản phẩm gạo trồng theo phương pháp cải tiến SRI ra thị trường tiêu thụ. Đối tượng của dự án là các hợp tác xã và tổ hợp tác trồng lúa. Thời gia thực hiện Dự án là 40 tháng chia 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ  3/2020 – 6/2021; giai đoạn 2 và 3 là từ  7/2021 – 6/2023

Giai đoạn 1 của Dự án được thực hiện tại 8 tỉnh gồm: Lai Châu, Bắc Cạn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hòa Bình, Thái Bình, Ninh Bình. Các hoạt động của Dự án tập trung vào: Thiết kế bảng khảo sát và đào tạo người phỏng vấn; Nghiên cứu tại bàn và nghiên cứu thực địa; Phân tích kết quả nghiên cứu; Hội thảo lập kế hoạch và Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Dự án; Tập huấn về kỹ năng truyền thông; Hội thảo tập huấn giảng viên nguồn; Các khóa tập huấn kỹ thuật cho nông dân nguồn về áp dụng canh tác lúa SRI; Tham quan nghiên cứu; Tổ chức cho nông dân đi tham quan thực địa đến các mô hình SRI điển hình; Tư vấn, kèm cặp, hỗ trợ;Tổ chức các sự kiện truyền thông tại Trung ương và địa phương…Xây dựng các công cụ và hoạt động hỗ trợ; phương pháp tạo thuận lợi cho việc áp dụng SRI; Kiểm tra chất đất và hàm lượng metan; Xây dựng và quảng bá thương hiệu; Tổ chức các sự kiện tiếp cận thị trường…

Cũng tại Hội thảo các đại biểu đã chia sẻ, trao đổi, thảo luận về những thuận lợi, khó khăn trong việc triển khai mô hình trồng lúa SRI tại địa phương.

Bà Lê Bích Chi – Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Trà Vinh đề xuất  khởi động đồng loạt và đẩy nhanh hơn tiến độ thực hiện. Trong đó, lồng ghép linh hoạt việc thực hiện dự án gắn với thực hiện Đề án 24 của Ban Thường vụ T.Ư Hội NDVN về xây dựng chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp.

Còn bà Bùi Thị Nga – Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Thái Bình cho biết: Đối với Thái Bình, năm 2016-2017, đã thực hiện thí điểm mô hình canh tác lúa SRI tại xã Tây Lương, huyện Tiền Hải với 200 nông dân, trên diện tích canh tác lúa 50ha. Qua thực tế triển khai mô hình cho thấy, năng suất lúa cao hơn 15% so với vùng ngoài dự án.

“Tôi đánh giá cao việc Hội NDVN phối hợp tổ chức Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam”. Đây là việc làm rất cần thiết trong bối cảnh nền nông nghiệp hiện nay đang chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu”-bà Nga nói.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi Hội thảo, đồng chí Lương Quốc Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội NDVN nhấn mạnh 5 nội dung cần tập trung thực hiện để triển khai thực hiện Dự án đạt hiệu quả:

Thứ nhất, để thực hiện được mục tiêu dự án đề ra, Ban Quản lý Dự án phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia, các bộ, các tỉnh thành triển khai dự án đúng tiến độ và hiệu quả dự án đề ra.

Thứ hai, trên cơ sở triển khai thực hiện dự án đưa ra được các khuyến nghị, đề xuất với Hội ND trong việc xây dựng kế hoạch hành động của Hội đối với việc phát động tuyên truyền vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường.

Thứ ba, Hội ND các tỉnh, thành tham gia vào dự án phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý dự án để chia sẻ các thông tin hay quá trình thực hiện dự án để kịp thời điều chỉnh phương pháp thực hiện dự án tốt nhất.

Thứ tư, việc triển khai dự án ở mỗi địa phương phải được lựa chọn kỹ, coi như thực hiện mô hình mới, phải xây dựng thật tốt mô hình và làm tốt việc nhân rộng mô hình cho hiệu quả.

Thứ năm, đề nghị các Bộ, ngành liên quan, các chuyên gia, nhà tư vấn phối hợp chặt chẽ với Hội ND các cấp, với Ban Quản lý Dự án trong quá trình triển khai thực hiện để Dự án đạt kết qủa tốt.

Hải Quỳnh