Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách

Bảo Minh - 16:02 16/03/2022 GMT+7
Ngày 14/3/2022, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã có công văn số 3776  gửi Hội Nông dân các tỉnh, thành phố về việc tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác năm 2022.

Chất lượng hoạt động ủy thác tại một số địa phương, khu vực chưa đồng đều, chưa ổn định, bền vững

Năm 2021, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội đất nước, nhiều địa phương phải giãn cách dài ngày. Các cấp Hội cùng với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) khắc phục khó khăn tổ chức hoạt động phối hợp ủy thác góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đề ra về giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế xã hội địa phương. 

Đến 31/12/2021, nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng CSXH qua Hội Nông dân tăng 5.541 tỷ đồng, đưa tổng dư nợ đạt 74.000 tỷ đồng, cho vay tại 52.344 Tổ TK&VV với gần 2 triệu thành viên. Chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV tiếp tục tăng lên. Tỷ lệ Tổ TK&VV xếp loại tốt và khá do Hội Nông dân quản lý đạt trên 95%. Nhiều tỉnh, thành Hội có dư nợ ủy thác cao, nợ quá hạn ở mức rất thấp như: Bắc Giang, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Lắk... 

Tuy nhiên, chất lượng hoạt động ủy thác tại một số địa phương, một số khu vực chưa đồng đều, chưa ổn định, bền vững, nhất là tại các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Hoạt động trao đổi, cung cấp thông tin, kết quả hoạt động giữa Hội Nông dân và Ngân hàng CSXH có nơi, có lúc chưa chặt chẽ, đặc biệt là còn tồn tại, vướng mắc chưa được chỉ đạo khắc phục kịp thời; cán bộ phân công theo dõi công tác ủy thác thiếu sự ổn định, chưa bổ sung kịp thời khi có thay đổi. Một số nơi, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoạt động ủy thác đối với đơn vị cấp dưới nhất là Hội Nông dân cấp xã về công tác kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi cho vay còn chưa sát sao; công tác củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV yếu kém, trung bình chưa thực sự quyết liệt. Công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức trả nợ, đôn đốc người vay trong quá trình sử dụng vốn và trả nợ ngân hàng; vận động tổ viên tham gia gửi tiết kiệm có nơi còn hạn chế. 

Nhân viên Ngân hàng Chính sách Xã hội trao vốn cho các hộ ND có nhu cầu vay vốn ở xã Long Nguyên (huyện Bàu Bàng, Bình Dương). Ảnh minh hoạ: Hữu Hoàng

Năm 2022, Quốc hội, Chính phủ triển khai hàng loạt các chính sách nhằm khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội với các gói tín dụng chính sách được mở rộng. Theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, trong năm 2022, khoảng 7.000 tỷ đồng sẽ dành cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; 6.800 tỷ đồng cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cho vay xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội; tổng nguồn vốn cho vay chương trình tín dụng học sinh sinh viên tối đa là 1.500 tỷ đồng;... Đây là điều kiện thuận lợi cũng là nhiệm vụ cần tập trung thực hiện của Ngân hàng và các cấp Hội đoàn thể. 

Tích cực thực hiện hiệu quả các chính sách cho vay ưu đãi của Chính phủ để hoàn thành “mục tiêu kép”

Nhằm đẩy mạnh các hoạt động ủy thác tín dụng chính sách với NHCSXH, năm 2022, các cấp Hội tiếp tục nỗ lực, khắc phục khó khăn tăng cường công tác phối hợp với Ngân hàng CSXH triển khai Văn bản thỏa thuận 11789/VBTT mới ký kết đến các cấp Hội và Tổ TK&VV; tích cực thực hiện có hiệu quả các chính sách cho vay ưu đãi của Chính phủ trong bối cảnh mới vừa phòng, chống dịch Covid 19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế bền vững. Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đề nghị Hội Nông dân các tỉnh, thành phố tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm sau: 

Tuyên truyền, phổ biến kịp thời tới cán bộ, hội viên nông dân nhất là các đối tượng thụ hưởng chính sách các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội, các chương trình tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trọng tâm là tuyên truyền, phổ biến nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014, Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư và Quyết định số 1630/QĐ-TTg ngày 28/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách; chính sách trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, NQ 126/NQ - CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, QĐ 33/2021/QĐ-TTg của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các chính sách cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025... Tuyên truyền, vận động tổ viên tham gia hoạt động tiền gửi, thực hành tiết kiệm tạo nguồn tích lũy, nâng cao ý thức trách nhiệm trong sử dụng, hoàn trả vốn vay. 

Tích cực phối hợp với Ngân hàng CSXH cùng cấp có các giải pháp tiếp tục kiện toàn và nâng cao chất lượng các Tổ TK&VV; đôn đốc thu hồi nợ quá hạn, lãi tồn đọng, xóa xã “trắng” Tổ TK&VV, xử lý dứt điểm các vụ việc chiếm dụng, xâm tiêu của cán bộ Hội và Tổ trưởng TK&VV do Hội Nông dân quản lý (nếu có). Đặc biệt đối với các địa bàn có chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng thấp cần tập trung phối hợp thực hiện các giải pháp liên quan đến hoạt động ủy thác, hoạt động của Tổ TK&VV đã nêu trong Đề án, Phương án đã được phê duyệt. 

Năm 2022, Hội ND các cấp tích cực phối hợp với Ngân hàng CSXH cùng cấp có các giải pháp tiếp tục kiện toàn và nâng cao chất lượng các Tổ TK&VV. Ảnh minh hoạ: Chí Kiên

Chỉ đạo Hội Nông dân huyện và cơ sở thực hiện tốt các nội dung ủy thác theo Văn bản thỏa thuận số 11789/VBTT ngày 28/12/2021, trong đó tập trung phối hợp với Ngân hàng CSXH nơi cho vay sớm tổ chức ký kết lại Văn bản liên tịch cấp huyện, Hợp đồng ủy thác cấp xã để thống nhất thực hiện; tăng cường công tác quản lý, đôn đốc hoạt động của Tổ TK&VV trong việc bình xét đối tượng vay vốn, đôn đốc thu hồi nợ, tham gia giao dịch tại các điểm giao dịch xã, kiểm tra sử dụng vốn của tổ viên... 

Xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác đối với Hội cấp dưới đảm bảo theo đúng quy định, hướng dẫn của Ban Thường vụ Trung ương Hội và Ngân hàng CSXH. Nâng cao chất lượng công tác tập huấn cán bộ phù hợp với yêu cầu thực tế. Chú trọng đào tạo, tập huấn, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng đối với cán bộ Hội phụ trách theo dõi hoạt động ủy thác và Ban quản lý Tổ TK&VV. 

Phối hợp với chính quyền cùng cấp, các cơ quan, đơn vị có liên quan lồng ghép các hoạt động chuyển giao khoa học và công nghệ, các chương trình khuyến nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, đào tạo nghề, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh điển hình... nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay. Gắn với đẩy mạnh phát triển kinh tế với phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo phương châm “Thích ứng an toàn trong tình hình mới”. 

Tích cực phát huy vai trò của tổ chức Hội trong tham gia thực hiện công tác giám sát, phản biện liên quan đến tín dụng chính sách; chính sách trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất của người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; các chính sách, đối tượng cho vay ưu đãi trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội... Chủ động báo cáo với cấp ủy, chính quyền địa phương, Ngân hàng CSXH và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (qua Ban điều hành Quỹ HTND) những đề xuất, kiến nghị của hội viên, nông dân để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đáp ứng kịp thời nhu cầu cho hội viên, nông dân.