Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Khai mạc Diễn đàn Kết nối sản phẩm OCOP vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2022

Ái Vân - 08:56 29/04/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Tối ngày 28/4, tại tỉnh Đồng Tháp, Bộ NN&PTNN phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Lễ Khai mạc Diễn đàn Kết nối sản phẩm OCOP vùng đồng bằng sông Cửu Long “Liên kết cùng phát triển - Đồng Tháp 2022” diễn ra từ ngày 28/4 - 3/5 tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh Đồng Tháp.

Diễn đàn là chuỗi sự kiện nhằm tăng cường tính hợp tác và liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), giữa vùng với bộ, ngành Trung ương và các địa phương khác trên cả nước; làm cơ sở để đẩy mạnh và phát huy tiềm năng về sản phẩm OCOP của vùng, nâng cao hình ảnh du lịch vùng ĐBSCL.

Quy mô diễn đàn có trên 320 gian hàng của 32 tỉnh, thành phố tham gia, gồm các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, các hợp tác xã, làng nghề, cơ sở sản xuất, các tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh... Trong khuôn khổ Diễn đàn có tổ chức “Không gian triển lãm sản phẩm OCOP các tỉnh ĐBSCL và các tỉnh, thành trong cả nước”.

Quang cảnh Lễ Khai mạc. Ảnh: Ái Vân

Diễn đàn Kết nối sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL giúp nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp sản xuất, phân phối, người tiêu dùng hướng đến mục tiêu sản xuất, tiêu dùng xanh; tăng cường các biện pháp giảm thiểu chất thải nhựa, khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện môi trường. Các hội nghị, hội thảo trong khuôn khổ của Diễn đàn sẽ là cơ hội để đánh giá ưu điểm, hạn chế trong việc phát triển sản phẩm OCOP. Theo đó, các chuyên gia và chủ thể sản phẩm OCOP sẽ cùng trao đổi, tìm giải pháp để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ngày càng mạnh mẽ hơn...

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: Diễn đàn giúp các doanh nghiệp có nhiều cơ hội gặp gỡ, giao thương, liên kết, hợp tác kinh doanh, đầu tư, quảng bá thương hiệu, sản phẩm của mình đến người tiêu dùng trong và ngoài khu vực ĐBSCL. Đây là dịp để các doanh nghiệp nắm bắt, tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng để từ đó có chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết: Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai đồng bộ, rộng khắp và có sự lan tỏa mạnh mẽ đến 63 tỉnh, thành. Đến nay, cả nước đã có hơn 7.400 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó chủ thể là hợp tác xã chiếm hơn 38%, doanh nghiệp gần 26%; cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh hơn 33%, còn lại là tổ hợp tác.

Các sản phẩm OCOP đang dần khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường và được mọi người tín nhiệm. Sản phẩm OCOP đã khai thác, phát huy được giá trị đặc sản, văn hóa và giá trị truyền thống của địa phương, từng sản phẩm là những đại sứ của từng vùng, miền và mang tính nhân văn sâu sắc. Năm 2021, Bộ NN&PTNT đánh giá vùng ĐBSCL đứng thứ 3 cả nước về sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, Đồng Tháp và Sóc Trăng nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có số lượng sản phẩm OCOP cao nhất cả nước.

Ngoài ra, tỉnh Đồng Tháp đã thành lập các cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP, đặc sản Đồng Tháp tại thành phố Hà Nội; Phú Quốc, Kiên Giang; hỗ trợ xây dựng các điểm bán sản phẩm OCOP ở các khu, điểm du lịch của tỉnh; chọn các sản phẩm OCOP làm quà tặng trong các dịp Lễ, Tết, giao lưu với các đoàn khách trong và ngoài nước đến làm việc tại Đồng Tháp.

Nhiều sản phẩm OCOP đã áp dụng hiệu quả các giải pháp chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh như ứng dụng truy xuất nguồn gốc vào sản xuất nông nghiệp. Các sản phẩm nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP Đồng Tháp có mặt rộng rãi trên các kênh thương mại điện tử. Hợp tác xã Đặc sản Đồng Tháp là mô hình hợp tác xã mới đã góp phần đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng.