Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

9 tháng xuất khẩu rau quả đạt gần 5,7 tỷ đô la Mỹ

Chi Phương - 07:58 23/09/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Mới đây, Hiệp hội Rau quả Việt Nam công bố thông tin về kim ngạch xuất khẩu rau quả đang ở mức cao nhất từ trước đến nay, đạt gần 5,7 tỷ USD, trong đó sầu riêng đạt giá trị 2,5 tỷ USD.
Hoa quả Việt Nam có mặt tại thị trường Mỹ

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 9 đạt trên 920 triệu USD, tăng 9,1% so với tháng trước và tăng 37,9% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là con số kỷ lục chưa từng có nhờ vào vụ thu hoạch sầu riêng tại các tỉnh Tây Nguyên.

Trong 9 tháng vừa qua, kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước đạt gần 5,7 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ và bằng cả năm ngoái.

Trong số 10 thị trường chính nhập khẩu rau quả Việt Nam, hầu hết đều ghi nhận sự tăng trưởng mạnh, ngoại trừ Hà Lan. Riêng thị trường Trung Quốc tiếp tục được đánh giá là thị trường lớn nhất với kim ngạch nhập khẩu 8 tháng đầu năm đạt hơn 3 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo sau là Mỹ, Hàn Quốc và Thái Lan với giá trị nhập khẩu tăng trưởng 35-90%.

Các doanh nghiệp xuất khẩu đánh giá, rau quả Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị thế tại các thị trường khó tính như Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc. Đặc biệt, người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng ưa chuộng sầu riêng, chuối và xoài Việt Nam. Tại Mỹ, nông sản Việt cũng có sự thuận lợi hơn khi tiếp cận thị trường này 9 tháng qua.

Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc không chỉ tăng nhập khẩu mà còn tự phát triển nhanh các loại nông sản chủ lực của Việt Nam. Điển hình là thanh long, sau 10 năm, diện tích trồng của Trung Quốc đã vượt Việt Nam.

Về sầu riêng, Trung Quốc đang thử nghiệm trồng 2.700ha tại đảo Hải Nam và tìm cách tự chủ nguồn cung từ các quốc gia có khí hậu thuận lợi.

Theo các chuyên gia, để đối phó với sự cạnh tranh ngày càng tăng, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong Nghị định thư đã ký.

Như vậy các doanh nghiệp phải chủ động xây dựng các chuỗi liên kết chặt chẽ từ vùng trồng đến cơ sở đóng gói, kết hợp với việc phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc để đảm bảo tính minh bạch khi có yêu cầu.

 Từ nay đến cuối năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam dự kiến tiếp tục tăng trưởng mạnh, nhất là trong điều kiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc; Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Cục Bảo vệ Thực vật cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, doanh nghiệp và cơ sở đóng gói để triển khai hiệu quả các quy định của Nghị định thư liên quan đến sầu riêng đông lạnh, giúp thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới.

Cần Thơ mở rộng diện tích cây ăn trái để phục vụ xuất khẩu
Cần Thơ sẽ mở rộng diện tích vườn cây ăn trái theo hướng chuyên canh, tập trung để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu. Hiện nay diện tích cây ăn trái của thành phố đã vượt 25.000ha cùng nhiều loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao đang xuất khẩu vào các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác.