Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Kỷ niệm 70 năm Bác Hồ viết bài báo “Dân vận” (15/10/1930 – 15/10/2019):Dân vận khéo, việc khó trăm lần cũng xong

15:22 15/10/2019 GMT+7

Bài “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được báo Sự Thật đăng toàn văn ngày 15-10-1949. Nội dung bài báo được coi là “Cương lĩnh” về công tác dân vận của Đảng. Xuất phát từ vị trí, vai trò quan trọng của công tác dân vận, tháng 10.1999, Bộ Chính trị BCH T.Ư Đảng khóa VIII đã quyết định lấy ngày 15.10.1930 làm ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng và ngày 15.10 hàng năm là ngày “Ngày Dân vận cả nước”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt thân mật các đại biểu dự Đại hội liên hoan Anh hùng, Chiến sỹ thi đua ngành nông nghiệp và Đổi công toàn quốc tại Hà Nội, ngày 23/5/1957. Ảnh TL

Mở đầu, Bác nói lý do viết bài báo này: “Vấn đề Dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm: “Dân vận là vận động lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm và những việc mà Chính phủ và đoàn thể giao cho, dân vận không chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ.

Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được.

Điểm thứ hai là bất cứ việc gì cũng phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành.

Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân.

Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”
Ngắn gọn, hàm súc, bài viết thể hiện rõ quan điểm của Người về mục đích, đối tượng, phương cách thực hành công tác dân vận thế nào cho có hiệu quả cao.

Vậy ai là đối tượng của dân vận
Hồ Chí Minh chỉ rõ đối tượng để vận động là dân, nhân dân. Dân, nhân dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh có nội hàm rất rộng, vừa là một tập hợp đông đảo quần chúng, vừa là mỗi con người Việt Nam cụ thể. Theo Bác, dân, nhân dân là “Mọi con dân nước Việt”, “Mỗi một con Rồng cháu Tiên”, không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, “già, trẻ gái trai, giàu nghèo, quý tiện”. Như vậy, hễ là người Việt Nam, kể cả cán bộ, đảng viên đều là thành tố cấu thành dân, nhân dân nước Việt, đều là đối tượng để vận động, đồng thời cũng là những người làm dân vận. Lực lượng chính sẽ là nông dân.

Như vậy, theo Bác, công việc vận động nhân dân là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn thể cán bộ, đảng viên và những người hiểu biết được công việc trong dân. Hễ là người Việt Nam yêu nước thì đều có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia làm những việc ích quốc, lợi dân. Đó là trách nhiệm của mỗi công dân đối với Tổ quốc của mình và đối với chính mình. Bởi lẽ, xây dựng một xã hội của dân, vì dân thì lực lượng phải là toàn dân. Khái quát lại, công tác dân vận phải được hướng vào công cuộc kiến thiết nước nhà và bảo vệ Tổ quốc.

Đề cao vai trò, vị trí quyền lực của dân, Bác Hồ đã nghiên cứu rất kỹ và tiếp thu luận điểm “lấy dân làm gốc” của các vị vua anh minh trong các triều đại phong kiến ở nước ta và các học giả nổi tiếng thế giới. Năm 1010, Thái Tổ Hoàng đế trong “Chiếu dời đô” đã viết: “Trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi…”. Trong xây dựng hệ thống pháp luật, Thái Tông Hoàng đế coi trọng việc xét xử công minh, bảo vệ quyền lợi người dân. Ông cho xây lầu chuông, nhân dân ai có kiện tụng, oan uổng thì đánh chuông lên để vua biết đến mà trực tiếp tổ chức xét xử…

Nhân dân lao động là nguồn gốc, động lực, sức mạnh quyết định thành bại của cách mạng, là đối tượng thụ hưởng mọi thành quả của sự nghiệp gian khổ, khó khăn, lâu dài mà cao cả đó. Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Khi nước ta đang quằn quại dưới ách nô dịch của thực dân phương Tây, hơn hai mươi triệu đồng bào hấp hối trong vòng tử địa, Hồ Chí Minh chỉ ra: Cách mệnh thì sống, không cách mệnh thì chết; “cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người”. Khi nói về nguyên nhân làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Bác cũng khẳng định: Nhất là vì lực lượng của cuộc toàn dân đoàn kết. Tất cả các dân tộc, các giai cấp, các địa phương, các tôn giáo đều nổi dậy theo lá cờ Việt Minh để tranh lại quyền độc lập cho Tổ quốc.

Sau này, Bác còn mượn lời nhân dân Quảng Bình để khẳng định: Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong. Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó. Xuất phát từ quan điểm ấy, Bác đã tha thiết kêu gọi tất cả những người thật thà yêu nước, không phân biệt tầng lớp nào, tín ngưỡng nào; chúng ta hãy thật thà cộng tác vì dân, vì nước. Người căn dặn: Cần xóa bỏ hết thành kiến, cần phải thật thà đoàn kết với nhau, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ để phục vụ nhân dân. Như vậy, lực lượng làm nên thành bại của cách mạng, thành công của công cuộc kiến thiết nước nhà đi tới ấm no, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc chủ quyền, độc lập, thống nhất Tổ quốc, toàn vẹn lãnh thổ trong mọi thời đại, mọi hoàn cảnh chính là dân, nhân dân.

Về mối quan hệ giữa các cấp, Bác nhấn mạnh: Để làm tốt công tác dân vận, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp phải hiểu và giải quyết thật tốt các mối quan hệ cơ bản sau đây: Quan hệ giữa nhận thức (về vai trò, vị trí của nhân dân trong quá trình cách mạng) với hành động của cán bộ (để tận tụy phục vụ nhân dân); quan hệ về quyền lợi và nghĩa vụ của người dân với tổ chức (mọi quyền hành, lực lượng đều ở nơi dân, nhưng dân có nghĩa vụ thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức giao); quan hệ giữa đề ra chủ trương và tổ chức thực hiện; quan hệ giữa nội dung (đề ra các phong trào thi đua đúng trọng tâm) với hình thức thích hợp (có tính tập hợp mọi lực lượng cùng làm; không phô trương, nói suông…); quan hệ giữa yêu cầu cách mạng và phẩm chất cán bộ (phải đủ đức, tài và sâu sát nhân dân); quan hệ giữa công tác chỉ đạo với kiểm tra, giám sát (để rút ra kinh nghiệm, kịp thời khen thưởng, phê bình).

Mục đích của những người cộng sản chân chính vận động nhân dân làm cách mạng nhằm mang lại lợi ích cho nhân dân. Song, để nhân dân có thể một lòng đi theo Đảng, khi mà những lợi ích đối với họ chưa có ngay trước mắt mà phải đương đầu với gian khổ, tù tội, hy sinh, mất mát thì cần phải dân vận để nhân dân hiểu, thấy được lợi ích lâu dài của sự hy sinh, gian khổ khi làm cách mạng mà dấn thân theo Đảng. Hiểu và thấy được lợi ích chính đáng mà họ được thụ hưởng khi cách mạng thành công thì chắc chắn họ sẽ nhất tề theo Đảng, xả thân vì sự nghiệp của họ, do họ và vì họ. Thực tế cách mạng nước ta hơn 80 năm dưới ngọn cờ của Đảng đã minh chứng, một khi đường lối đúng, dân vận khéo, cán bộ tận tụy, trong sáng vì dân, vì nước nêu gương thì nhân dân theo Đảng, bảo vệ Đảng, cách mạng thành công.

Quan điểm của Hồ Chí Minh trong công tác dân vận là phải lắng nghe và coi trọng ý kiến và kinh nghiệm và cả những sáng kiến của nhân dân. Đối với cán bộ dân vận nếu như không biết lắng nghe từ nhân dân, chỉ biết áp đặt, buộc họ phải làm theo một cách máy móc, chắc chắn hiệu quả công việc sẽ không cao. Người làm dân vận giỏi là phải biết biểu dương, khen thưởng kịp thời, chính xác những mô hình hay, những việc làm tốt, những giải pháp hiệu quả. Trên cơ sở đó nhân rộng, xã hội hóa những phương pháp, cách thức dẫn đến thành công. Khi xây dựng kế hoạch cần dân chủ rộng rãi bàn bạc với dân để dân cung cấp thực tiễn của địa phương, dân hiến kế, dân tham gia. Khi lòng dân, ý Đảng là một, đó sẽ là nguyên nhân của mọi thắng lợi.

Nguyễn Thiên Việt