Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Làng làm nồi đất duy nhất ở xứ Nghệ tất bật những ngày cuối năm

22:04 23/01/2020 GMT+7
Sau một thời gian dài bị mai một, vài năm trở lại đây làng làm nồi đất (Trù Sơn, Đô Lương)  ở xứ Nghệ đã hồi sinh trở lại, góp phần tạo nguồn thu ổn định cho nhiều lao động địa phương. Đây là nơi duy nhất ở tỉnh Nghệ An làm ra các loại

Sau một thời gian dài bị mai một, vài năm trở lại đây làng làm nồi đất (Trù Sơn, Đô Lương)  ở xứ Nghệ đã hồi sinh trở lại, góp phần tạo nguồn thu ổn định cho nhiều lao động địa phương. Đây là nơi duy nhất ở tỉnh Nghệ An làm ra các loại nồi bằng đất trong hàng trăm năm qua. Những ngày này, người người, nhà nhà bận rộn, “liền chân, liền tay” để hoàn thành những đơn hàng cuối cùng để phục vụ cho dịp Tết nguyên đán sắp đến.

Làng nồi đất Trù Sơn tất bật ngày cuối năm.

Làng nồi đất miệt mài “thổi lửa”

Tìm về làng gốm xã Trù Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An) vào những ngày cận tết, khác với cảnh vắng vẻ, ảm đạm thuở nào, những ngày này khung cảnh nơi đây thật nhộn nhịp, khẩn trương. Khắp đầu làng cuối xóm đâu đâu cũng thấy người ta nặn rồi đất, nhóm lò. Ai ai cũng tất bật với những đơn hàng từ khắp mọi miền Tổ quốc, họ tự hào về ngôi làng có truyền thống lâu đời về làm nồi đất nơi đây.

Theo các cụ già trong làng kể lại thì thuở khai hoang lập làng cuộc sống người dân vô cùng khổ cực, quanh năm chỉ bám vào mấy sào ruộng cằn cỗi. Thấy vậy một nàng công chúa con vua Trần đã đến dạy dân làm nồi đất để cải thiện cuộc sống.

Kể từ đó người dân xã Trù Sơn đã lưu giữ và phát triển nghề truyền thống của quê hương cho đến tận ngày nay. Khi đi dạo khắp làng người ta đều thấy một màu gốm đỏ với những chiếc nồi đất đầy đủ kích cỡ. Thời kỳ hưng thịnh nồi đất Trù Sơn không những được người tiêu dùng trong nước biết đến mà còn xuất sang cả Trung Quốc.

Theo các già làng, người Trù Sơn trước đây ai sinh ra cũng sớm quen với nghề làm nồi đất. Là nghề vất vả, cực khổ nên làm nồi đất đòi hỏi sức khỏe và sự dẻo dai vì mọi công đoạn  từ nhào, nặn đất đến tạo hình sản phẩm đều làm bằng tay.

Hơn nữa, để có đất sét như ý, người dân Trù Sơn phải xuống xã Nghi Văn (huyện Nghi Lộc) hoặc lên tận vùng Sơn Thành (Yên Thành) mới chọn được đất thích hợp. Đây là loại đất sét mịn, khá “trong”, ít cợn… Thông thường, khi được đào sâu xuống tầm 1m thì mới có loại đất cần tìm, đó là đất sét trắng. Lúc ấy, xe cộ còn chưa thịnh hành, phương tiện vận chuyển chưa có, người ta thường phải dùng đôi quang gánh cuốc bộ vượt quảng đường dài hàng chục cây số mới đưa được đất về.

Sau khi tìm được loại đất ưng ý người ta sẽ nhào đất thật nhuyễn rồi cho lên bàn xoay để tạo hình dáng thô sơ ban đầu. Dưới bàn tay khéo léo của người thợ, chiếc nồi thô sơ sẽ được gọt lại cho thật trơn bóng. Sau đó, chúng sẽ được đem đi phơi nắng trước khi nung qua lửa.

Nguyên liệu dùng để nung nồi đất thường là: lá cây dành dành, lá thông, lá bạch đàn… Đây là những loại lá chứa dầu nên khi đốt sẽ tạo cho màu gốm bóng và đẹp hơn. Mỗi một mẻ người ta nung khoảng 300 chiếc nồi đất trong vòng 4-5 tiếng đồng hồ. Để sản phẩm “chín đều” không bị sống, người thợ phải thường xuyên túc trực bên lò điều tiết lửa. Bình thường cứ 10 ngày người ta nung một mẻ, còn dịp từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch hàng năm, nhu cầu sử dụng nồi đất lớn thì mỗi tuần người ta sẽ nấu 2 mẻ.

Trù Sơn là làng nghề làm nồi đất duy nhất còn sót lại ở vùng đất xứ Nghệ. Sản phẩm gốm ở đây dù không sặc sỡ, bắt mắt và tuy nhẹ, mỏng nhưng khá cứng. Điều khiến nhiều người ưa chuộng những chiếc nồi đất ở Trù Sơn chính là khi sử dụng sản phẩm này để đun nấu bất cứ thứ gì từ thức ăn, vị thuốc đều giữ nguyên được hương vị vốn có của nó. Thậm chí, người làm gốm ở đây còn cho biết, người ta còn dùng nồi đất Trù Sơn để nấu vàng.

Hồi sinh “làng nồi đất”

Đáp ứng nhu cầu của thị trường, người dân nơi đây đã sáng tạo ra nhiều mẫu mã hữu dụng từ sình lọ đến trệt sưởi, chõ hông xôi, niêu kho cá, bát nhang…

Theo ông Trương Công Định ( Trù Sơn, Đô Lương) chia sẻ, từ những năm 1975 trở về trước được xem là thời kỳ cực thịnh của làng gốm Trù Sơn. Khi ấy nhà nào cũng làm gốm nên đi khắp làng khắp xóm người ta đều thấy một màu gốm đỏ. Những chiếc nồi đất đầy đủ kích cỡ như chiếc niêu kho cá, siêu sắc thuốc… là những sản phẩm có tiếng của nghề gốm ở Trù Sơn. Nghề làm nồi đất từng là nguồn thu nhập chính, giúp nhiều gia đình có thu nhập ổn định. Nhưng rồi sự xuất hiện của các loại nồi gang, inox và sự vất vả của nó nên nghề này ngày càng mai một.

Công việc nặng nhọc, vất vả nhưng sản phẩm của làng “nồi đất” làm ra ế ẩm nên dân làng Trù Sơn “quay lưng” với nghề truyền thống. Lúc ấy, về Trù Sơn nếu không được biết trước sẽ khó có thể nhận ra nơi đây có một làng chuyên làm đồ gốm. Các dấu tích của làng nghề đã bị che khuất bởi nhà cửa, tường rào… Thi thoảng, chỉ có một vài nhà làm gốm sống lay lắt, buồn thiu.

Từ năm 2014 tới nay, nhiều nhà hàng, khách sạn và làng nghề nấu cá truyền thống phát triển nên sản phẩm nồi đất Trù Sơn được nhiều nơi sử dụng. Vì vậy, làng nghề nồi đất cổ và độc nhất vô nhị ở xứ Nghệ dần “hồi sinh” trở lại.

Sau nhiều năm tưởng chừng bị lãng quên, làng nồi đất nay đã hồi sinh mạnh mẽ. Dân làng hứng khởi và hăng say với công việc quen thuộc. Đất cát lấm lem đầy người, nhưng cụ Trần Khánh Nam ( Trù Sơn, Đô Lương) vẫn hồ hơi chia sẻ, chúng tôi vui lắm, cứ tưởng cái nghề mà cha ông để lại tưởng chừng đã biến mất thì nay lại phát triển vô cùng mạnh mẽ, là động lực lớn cho những người con nơi đây. Hiện trong xã, có những hộ sử dụng gần chục lao động thường xuyên để có đủ nguồn hàng cung cấp cho thị trường. Mỗi tháng, lao động làm việc được trả từ 3-3,5 triệu đồng. Không chỉ vậy, nhiều thương lái ở đây còn thu mua sản phẩm của người dân trong xóm đem đi tiêu thụ ở các tỉnh như Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Nam cho đến Quảng Bình. Bình quân, mỗi tháng có thể cung cấp cho thị trường từ 16.000 – 20.000 sản phẩm nồi đất.

Hai năm trở lại đây, người dân trong xã đã tập hợp lại từng tổ từ 7-10 người để sản xuất gốm. Sau khi nung, nhiều ô tô từ các nơi tìm về đóng hàng và đưa đi tiêu thụ. Hiện chính quyền địa phương và các cấp, các ngành đang vào cuộc tiến tới xây dựng và khôi phục lại làng nghề truyền thống

Giao thông thuận lợi, việc bán hàng của người dân Trù Sơn dễ dàng hơn khi những chiếc xe đạp dùng để thồ hàng đi bán được thay thế bằng xe máy để vận chuyển xa hơn, nhiều thương lái còn đi ô tô đến tận nơi mua hàng. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, những người làm gốm nơi đây cũng bắt đầu sáng tạo ra nhiều mẫu mã hữu dụng hơn từ sình lọ đến trệt sưởi, chõ hông xôi, niêu kho cá, bát nhang…

Ông Nguyễn Thụy Chính, Chủ tịch UBND xã Trù Sơn cho biết, làng gốm Trù Sơn đã qua nhiều thăng trầm, có những thời điểm bị mai một và hiện nay người dân địa phương đang khôi phục lại nghề gốm. Hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 60 hộ làm nghề, tập trung chủ yếu ở các xóm 10, 11, 12, 13. Sản phẩm nồi đất do người dân Trù Sơn làm ra cũng đa dạng về mẫu mã như siêu sắc thuốc, cơm niêu, cá kho tộ được khách hàng ưa chuộng. Bình quân mỗi tháng, người làng Trù Sơn sản xuất được hàng chục ngàn sản phẩm nồi đất đem lại cho các hộ dân thu nhập từ 2,5-3 triệu đồng.

Tết Canh Tý đang đến gần, người dân Trù Sơn lại thêm bận rộn với những đơn hàng khắp mọi miền Tổ quốc, nhưng ai cũng vui vẻ phấn khởi vì nhờ những “nắm đất” xinh xắn ấy, cuộc sống của họ càng ngày càng ấm no và hạnh phúc.

Huyền Trang