Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Làng nghề ở Quảng Nam: Xoay xở để vượt qua đại dịch

08:04 01/11/2021 GMT+7
Ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết các cơ sở sản xuất, làng nghề ở tỉnh Quảng Nam gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Hiện, các cơ sở này đang nỗ lực xoay xở để khôi phục, ổn định sản xuất nhưng vẫn chỉ hoạt động cầm chừng do gặp khó trong khâu vận chuyển và thiếu đơn hàng.

Chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng cơ sở sản xuất bánh dẻo Lợi Phổ của ông Huỳnh Tấn Ánh ở thôn An Lạc, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên vẫn cố gắng duy trì hoạt động. Gia đình ông Ánh gắn bó với nghề sản xuất bánh truyền thống hơn 30 năm nay. Nhờ nghề này, những năm qua cuộc sống của gia đình ông ngày càng khấm khá. Ngoài ra, cơ sở này còn tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương.

Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên Cơ sở sản xuất bánh dẻo Lợi Phổ của ông Ánh gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.

Từ năm ngoái đến nay, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, bánh sản xuất ra không tiêu thụ được, nhân công cũng cắt giảm. Ông Huỳnh Tấn Ánh cho biết, trước đây, mỗi ngày, cơ sở sản xuất khoảng 5 tạ bánh các loại bán khắp nơi, thì nay giảm một nửa nhưng cũng rất khó tiêu thụ. Tháo gỡ khó khăn, ông Ánh chuyển từ sản xuất theo thời vụ sang làm quanh năm với nhiều loại bánh, như bánh in, bánh dẻo, bánh dừa nướng...

Ông Huỳnh Tấn Ánh cho biết: “Mặc dù ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nhưng cơ sở sản xuất chúng tôi cũng cầm cự sản xuất, tạo điều kiện thu nhập cho công nhân. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng được chính quyền địa phương, tỉnh quan tâm.”

Tại làng nghề truyền thống cuốn chổi Chiêm Sơn, ở xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên thời gian qua cũng phải hoạt động cầm chừng do hàng hoá không tiêu thụ được. Ông Phan Xuân Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết: dịch bệnh Covid-19 tác động đến nhiều làng nghề ở địa phương. UBND huyện Duy Xuyên chỉ đạo tìm phương án hỗ trợ các cơ sở sản xuất.

Ông Phan Xuân Cảnh cho rằng: “Chúng tôi đã tiếp cận việc này tạo điều kiện nếu ổn tình hình dịch về lưu thông thiêu thụ sản phẩm của bà con được kịp thời. Giao cho các ngành tiếp cận nếu khó khăn về nguồn vốn phải vào cuộc để chia sẻ khó khăn trong lúc các sản phẩm, các làng nghề bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19.”

Làng nghề chổi đót Chiêm Sơn nỗ lực khôi phục lại sản xuất do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

Tại tỉnh Quảng Nam có khoảng 45 làng nghề với hơn 3.000 cơ sở sản xuất, giải quyết việc làm cho gần 7.000 hộ dân với 21.000 lao động ở các lĩnh vực như chế biến và bảo quản nông, lâm, thuỷ sản, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ... Những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất, làng nghề xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, nhờ đó, sản phẩm của làng nghề đa dạng hơn.

Hai năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, các cơ sở sản xuất gặp nhiều khó khăn, doanh thu giảm, thu nhập của người lao động sụt giảm. Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, mặc dù các làng nghề đã hoạt động trở lại nhưng hầu hết đang trong giai đoạn xoay chuyển, tìm hướng thích nghi trước những tác động của dịch bệnh.

Ông Ngô Tấn cho rằng: “Hiện nay, UBND tỉnh chỉ đã chỉ đạo các sở ban, ngành xuống các địa phương, các cơ sở sản xuất, các làng nghề lắng nghe và đề nghị các cơ sở nêu ra những khó khăn. Trên cơ sở đó, tổng hợp trình lên UBND tỉnh có một cơ chế chính sách khôi phục sản xuất cần phải có vốn. Kêu gọi phục hồi lại lực lượng lao động, cơ sở sản xuất của các làng nghề, khôi phục lại thị trường trong thời gian qua bị đứt gãy nên thị trường ảm đạm, các làng nghề khó khăn. Chủ yếu là vấn đề hỗ trợ nguồn lực về vốn để họ phục hồi lại sản xuất"./.

Theo VOV