Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nâng cao năng lực cho các tổ chức, nông dân làm rừng và trang trại

07:02 15/09/2021 GMT+7
Chương trình hỗ trợ phát triển rừng và trang trại (Chương trình FFF) giai đoạn 2 được Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình triển khai thực hiện từ năm 2019. Mục tiêu chủ yếu của Chương trình nhằm nâng cao năng lực cho các tổ chức, nông dân làm rừng và trang tr
Ông Trần Hồng Năng – Giám đốc HTX Bưởi hữu cơ và DVNN Tân Đông (bên trái) cùng cán bộ Hội ND tỉnh thăm vườn bưởi hữu cơ của HTX.

Giúp đỡ hội viên nông dân gia tăng hiệu quả kinh tế từ trồng rừng

Gia đình anh Bùi Văn Nhương ở xóm Bái Trang (xã Đông Lai, huyện Tân Lạc) là hộ trồng rừng lâu năm trên địa bàn xã. Đến nay diện tích rừng của gia đình anh đã phát triển lên hơn 4 ha. Những năm trước anh chỉ trồng và chăm sóc rừng theo kiểu truyền thống, hết chu kỳ từ 5-7 năm là khai thác và lại trồng rừng vụ mới nên hiệu quả kinh tế không cao

Để thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao giá trị trồng rừng, đảm bảo cho cuộc sống lâu dài, tháng 4.2020, anh Nhương được Hội Nông dân (ND) xã Đông Lai lựa chọn tham gia nhóm hộ sản xuất trồng rừng gỗ lớn thuộc Chương trình FFF giai đoạn 2. Anh Nhương được đi tham quan, học hỏi, tham gia các lớp tập huấn và được hỗ trợ kinh phí chăm sóc rừng. Thông qua các lớp tập huấn, anh Nhương đã hiểu được cách thức sản xuất, trồng và chăm sóc rừng gỗ lớn, kinh doanh rừng và trang trại theo chuỗi giá trị. Đến nay diện tích rừng của gia đình anh sinh trưởng và phát triển tốt.

Cũng như gia đình anh Nhương, trước đây gần 2ha đất đồi của gia đình chị Bùi Thị Hòa ở xóm Tân Lai (xã Đông Lai) chủ yếu trồng ngô, sắn nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Từ tháng 6.2020, gia đình chị được Chương trình FFF giai đoạn 2 hỗ trợ trên 4.000 cây giống lâm nghiệp để trồng rừng gỗ lớn. Chị được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng. Bắt tay vào trồng rừng, gia đình chị cũng gặp nhiều khó khăn nhưng với niềm tin về hiệu quả mà mô hình mang lại nên chị Hòa và gia đình đã quyết tâm bám trụ. Qua hơn một năm, chị nhận thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây rất thuận lợi để phát triển trồng keo, đến nay đồi cây đang sinh trưởng và phát triển tốt, tạo nguồn thu nhập tốt cho gia đình trong những năm tới.

“Trước đây gia đình tôi trồng những cây ngắn ngày nhưng hiệu quả không cao, từ khi có dự án hỗ trợ trồng rừng, gia đình chuyển đổi sang trồng cây lâu năm thấy phát triển tốt. Tôi cũng được tập huấn ở nhiều nơi, cũng học hỏi được nhiều, về áp dụng vào trồng cây nhà mình thấy hiệu quả cao. Rất mong các chuyên gia của dự án tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ cho bà con ND gia tăng hiệu quả kinh tế từ trồng rừng và sản phẩm từ cây rừng” – chị Hòa chia sẻ.
Tổ hợp tác (THT) nuôi ong Mường Cú (xã Tử Nê, huyện Tân Lạc) được đánh giá là một trong những mô hình liên kết sản xuất hiệu quả của nông dân trong việc thực hiện Chương trình. THT có 20 hộ nông dân tham gia với tổng số 600 đàn ong mật. Thông qua Chương trình FFF, các thành viên trong THT được tập huấn kỹ thuật nuôi ong, nâng cao năng lực về kỹ năng kinh doanh.

THT sản xuất ra 4.800 lít mật ong mỗi năm, tổng doanh thu đạt 865 triệu đồng, lợi nhuận đạt 445 triệu đồng, bình quân mỗi thành viên thu nhập trên 22 triệu đồng/năm. Sản phẩm mật ong của THT trồng rừng và nuôi ong Mường Cú được chọn là một trong các sản phẩm trong Chương trình OCOP của địa phương.

Ông Bùi Văn Niêm, Tổ trưởng THT nuôi ong Mường Cú cho biết: “Khi Chương trình FFF hỗ trợ cho THT, mình được đi tập huấn nuôi ong, biết cách thay ong chúa nên khi thu hoạch mật có hiệu quả cao hơn. Thấy vậy, bà con ai cũng xin vào THT, được Chương trình FFF tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ bao bì sản phẩm, quảng bá mặt hàng mật ong của THT. Nhờ đó đầu ra của sản phẩm hiệu quả hơn so với bán thông thường như ngày trước, bây giờ đã có thương hiệu, khách hàng tới tận nhà đặt hàng, sản xuất ra tới đâu khách hàng thu mua hết”.

Ông Bùi Văn Niêm, Tổ trưởng THT nuôi ong Mường Cú chiết mật ong nguyên chất sau thu hoạch vào chai lọ đã dán tem nhãn thương hiệu.

Chương trình FFF giúp kinh tế lâm nghiệp phát triển bền vững

Đến nay, sau gần 2 năm triển khai, chương trình FFF giai đoạn 2 đã mang lại những kết quả bước đầu, tạo đà cho các nhóm cộng đồng hộ ND tiếp tục phát triển sản xuất dưới tán rừng. Có 3 HTX được thành lập và đang hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương gồm HTX nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Hải Đăng, HTX An Sinh (xã An Bình, huyện Lạc Thủy), HTX trồng bưởi hữu cơ và DVNN Tân Đông (xã Đông Lai, huyện Tân Lạc).

Ông Trần Hồng Năng – Giám đốc HTX Bưởi hữu cơ và DVNN Tân Đông nhận xét: “Tham gia Chương trình FFF, Ban quản lý, lãnh đạo HTX được nâng cao kiến thức quản lý các thành viên trong hợp tác xã; Các thành viên được tập huấn rất kỹ về kỹ thuật, đặc biệt là về nông nghiệp hữu cơ, kiến thức về trồng rừng gỗ lớn, nâng cao kiến thức canh tác… giúp họ yên tâm áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất”.

Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid – 19 nhưng sự hỗ trợ của Chương trình vào hoạt động của 3 HTX đảm bảo hiệu quả và tiến độ đề ra. Hiện các sản phẩm của thành viên các THT, HTX đã được kết nối với nhiều thị trường tiêu thụ với giá bán ổn định. Hàng chục lao động địa phương có việc làm với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Các sản phẩm của các HTX được Chương trình FFF hỗ trợ hiện nay đã được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, sản phẩm hữu cơ PGS, VietGAP, sản phẩm OCOP…

Để đạt được những hiệu quả thiết thực, Hội ND tỉnh Hòa Bình mong muốn Ban Quản lý Chương trình FFF giai đoạn 2 của Trung ương quan tâm nâng cao năng lực cho Ban quản lý các HTX; hỗ trợ các mô hình HTX, THT sản xuất gắn với chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm tại các mô hình tiêu biểu và kết nối, giới thiệu các doanh nghiệp, đơn vị thu mua để tiêu thụ sản phẩm.

“Chương trình FFF đã hỗ trợ những trang trại sản xuất kinh doanh dưới tán rừng sản xuất ra những sản phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng, phù hợp với điều kiện kinh tế địa phương và thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc tham gia Chương trình FFF giai đoạn 2 sẽ giúp kinh tế lâm nghiệp Hòa Bình phát triển bền vững. Các thành viên của HTX được giao lưu học tập kinh nghiệm với các tỉnh bạn cùng tham gia trong Chương trình này và có thêm kiến thức, kỹ năng, năng lực làm việc nhóm, phương pháp sản xuất kinh doanh, kỹ năng để vận động ND phát triển sản xuất, tham gia các phong trào tại địa phương”.
Bà Nguyễn Thị Hương Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Hội ND tỉnh Hòa Bình.

Bài, ảnh: Hải Nghiệp