Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nghệ An: Nguy cơ bùng phát bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa vụ Xuân

Bùi Ánh - 10:57 20/04/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Thời tiết mưa phùn, ẩm độ cao, trời âm u làm cho bệnh đạo ôn lá phát sinh và gây hại nặng với diện tích nhiễm trên diện rộng. Đặc biệt là những điểm trồng các loại giống như Thái Xuyên 111, Phú ưu 978, NA6, TBR225, AC5, BC15… Nguy cơ bùng phát bệnh đạo ôn cổ bông là rất cao.

Thời điểm hiện tại xuất hiện nhiều dịch bệnh gây hại đe dọa đến diện tích lúa vụ Xuân, đặc biệt là bệnh đạo ôn. Theo đó, cao điểm của bệnh kéo dài từ ngày 18/3 đến 10/4, thời gian này các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An bị ảnh hưởng nặng nề với 4.751,9 ha (ảnh hưởng nặng 416,4 ha, cháy lụi 17,9 ha). Bệnh đạo ôn thường xảy ra trong giai đoạn lúa đẻ nhánh, làm đòng, chín sáp, chín sữa,... Bệnh thường phát triển mạnh khi trời nhiều mây, ánh sáng trong ngày yếu, có mưa, sương đêm, độ ẩm trong không khí cao. Mặt khác, biện pháp canh tác không phù hợp như gieo cấy quá dày hoặc bón thừa đạm, cây lúa yếu ớt… cũng sẽ là nhân tố gây bệnh.

Bệnh đạo ôn ở lúa xuất hiện trên diện rộng tại tỉnh Nghệ An. Ảnh: Bùi Ánh

Tính đến ngày 18/4, tình hình có phần giảm bớt nhưng không thể chủ quan, lơ là. Tại Nghệ An, con số nhiễm bệnh vẫn còn cao với trên 2.330 ha (nặng 185 ha, cháy chòm 9 ha). Trên những ruộng đã nhiễm đạo ôn lá và trên giống nhiễm đều xuất hiện vết bệnh trên cổ lá, tai lá. Nếu thời tiết những ngày tới không chuyển biến thì khả năng cao đạo ôn sẽ lan nhanh, do đó từ giờ đến cuối tuần sau, chính quyền khuyến cáo nông dân phải tích cực bám sát đồng ruộng, chủ động theo dõi diễn biến chung để kịp thời đôn đốc phun phòng, phun trừ, áp dụng theo đúng kỹ thuật của cơ quan chuyên ngành.

Ngoài vấn nạn đạo ôn lá, nông dân trồng lúa trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn có nhiều lo lắng khi cùng lúc phải đối phó với hàng loạt dịch bệnh gây hại khác, điển hình như khô vằn, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, lem lép hạt, rầy… Với diễn biến thời tiết trong thời gian tới, nhiều khả năng bệnh đạo ôn cổ lá, cổ bông sẽ phát sinh gây hại trên các trà lúa giai đoạn trổ, chín sữa, đặc biệt nguy cơ hại nặng trên những ruộng đã bị nhiễm đạo ôn lá. Những yếu tố trên kết hợp điều kiện thời tiết phù hợp, cũng như sự lơ là trong công tác phun phòng sẽ để lại hậu quả nặng nề.

Các ngành chuyên môn trực tiếp nắm bắt những diễn biến của dịch bệnh trên đồng ruộng để có những chỉ đạo kịp thời. Ảnh: Bùi Ánh

Qua kiểm tra, nắm bắt trực tiếp diễn biến trên đồng ruộng của bà con nhân dân ở các vùng trồng lúa, Hội Nông dân tỉnh đã kịp thời hướng dẫn và khuyến cáo bệnh đạo ôn cổ bông nguy cơ tiếp tục gây hại nặng trên trà lúa trỗ, bối cảnh khi gặp mưa kéo dài, ẩm độ không khí cao và không được phun phòng kịp thời. Với các bộ giống có mức độ nhiễm bệnh cao như Thái Xuyên 111, Phú ưu 978, NA6, TBR225, AC5, BC15, Thiên Ưu 8… nguy cơ càng cao.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do bệnh đạo ôn cổ bông gây ra, bà con cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh: Đối với bệnh đạo ôn cổ bông thì “chỉ phòng bệnh không trừ bệnh” khi bệnh đã thể hiện triệu chứng thì phun trừ không còn hiệu quả. Thời điểm phun phòng thích hợp nhất là lúc lúa bắt đầu trỗ lác đác trên ruộng.

Đặc biệt cần tập trung cao trên những diện tích lúa đã bị nhiễm đạo ôn trên lá, tai lá đòng và các vùng, giống hàng năm thường bị bệnh gây hại nặng. Có thể kết hợp thuốc trừ bệnh đạo ôn và thuốc trừ bệnh lem lép hạt để phòng trừ cùng lúc hai loại bệnh trên. Đồng thời cần đảm bảo thực hiện nguyên tắc "4 đúng" trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Nhiều diện tích lúa Xuân đang bị đe dọa bởi bệnh đạo ôn lá, cổ bông. Ảnh: Bùi Ánh

“Trước những ảnh hưởng của sâu bệnh diễn ra trên diện rộng, Hội Nông dân tỉnh đã tuyên truyền và ban hành văn bản hướng dẫn hội viên, nông dân cách phòng trừ bệnh cho cây lúa. Với thời tiết như hiện nay, bệnh đạo ôn cần được quan tâm hàng đầu. Và để phòng trừ bệnh đạo ôn, bà con cần áp dụng các biện pháp tổng hợp như vệ sinh đồng ruộng, các tàn dư lúa chết, cỏ dại của vụ trước; Gieo cấy lúa ở mật độ vừa phải; Bón phân phải cân đối, thăm đồng thường xuyên tạo thế chủ động phòng trừ đạo ôn hiệu quả. Giai đoan này đang là thời điểm quyết định thắng bại của sản xuất vụ Xuân vì thế, Hội Nông dân các huyện, thị tập trung tuyên truyền, phối hợp hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh gây hại cây trồng cho hội viên, nông dân; quan tâm phát huy "Tổ nông vụ" giúp hộ gặp khó khăn trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đảm bảo thắng lợi sản xuất vụ Xuân năm 2022” - bà Nguyễn Thị Hải, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết.