Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nghị lực phi thường của tỷ phú nuôi lợn

13:41 30/05/2021 GMT+7
Trước khi trở thành tỷ phú nuôi lợn, ông Nguyễn Công Bắc ở phường Chiềng Sinh, TP.Sơn La đã trải qua nhiều biến cố, khó khăn, vất vả. Bằng tất cả ý chí và nghị lực của mình, ông đã vươn lên trở thành tỷ phú nông dân với quy mô nuôi lợn lớn nhất,

Trước khi trở thành tỷ phú nuôi lợn, ông Nguyễn Công Bắc ở phường Chiềng Sinh, TP.Sơn La đã trải qua nhiều biến cố, khó khăn, vất vả. Bằng tất cả ý chí và nghị lực của mình, ông đã vươn lên trở thành tỷ phú nông dân với quy mô nuôi lợn lớn nhất, nhì ở Sơn La.

Ông Nguyễn Công Bắc.

Bước ngoặt cuộc đời sau tận cùng khổ đau

Ông Nguyễn Công Bắc đang sở hữu 3 trang trại lớn với tổng diện tích 7ha, tổng đàn lợn gồm 1.500 lợn nái và 8.000 con lợn thương phẩm. Trung bình mỗi tháng, ông Bắc xuất bán ra thị trường khoảng 1.400-1.500 con lợn thịt, lợn giống xuất bán 1.000 con/tháng.

Ở Sơn La, ông Bắc được xem là “chịu chơi” trong giới chăn nuôi khi đầu tư số vốn lớn để nhập lợn cụ kị thuần chủng Yorkshire, Landrace từ Pháp về, áp dụng công nghệ cho ăn tự động của Tây Ban Nha.

Theo ông Bắc, vài năm trở lại đây, chăn nuôi lợn rất vất vả vì hết khủng hoảng giá lợn rẻ lại đến dịch bệnh hoành hành, nhất là dịch tả lợn châu Phi. Cũng may, trang trại của ông chăn nuôi khép kín hoàn toàn, phòng dịch bệnh rất tốt nên đàn lợn an toàn, không bị thiệt hại về đầu con. Tuy nhiên, giá cả thì vẫn phụ thuộc vào thị trường, có năm giá chạm đáy ông Bắc thua lỗ lớn.

“Riêng năm 2020 giá cao, người chăn nuôi lợn trúng lớn”. Ông Bắc tiết lộ, chỉ riêng năm 2020 này ông xuất bán khoảng 2.000 tấn lợn, tổng doanh thu đạt 130 tỷ đồng.

“Nhà tôi có lợi thế là sản xuất được con giống nên khi bán lợn thịt thương phẩm sẽ lãi nhiều hơn những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, phải đi mua con giống bên ngoài. Do đó, mỗi con lợn bán ra thu lãi tầm 2 triệu đồng”.

Ông Bắc (sinh năm 1967, quê gốc ở Thường Tín, Hà Nội). Năm 2000, ông rời quê hương lên Sơn La lập nghiệp với nghề buôn đường dài. Trong một lần đi nhờ xe ôtô, ông không may bị tai nạn và cụt mất một chân.

“Lúc đó, suy sụp lắm, nghèo khổ tưởng không thể ngóc đầu lên nổi. Mỗi khi nghĩ tới vợ dại, con thơ là nước mắt lại trào ra. Rồi mình nghĩ, là trụ cột gia đình, mình không thể gục ngã được… Có lẽ ngã rẽ đó lại là duyên đến với nghề chăn nuôi lợn như bây giờ”- ông Bắc tâm sự.

Ông Bắc bước vào nghề nuôi lợn vô cùng nan giải bởi sức khỏe bản thân và chưa am hiểu về chọn giống, công nghệ, kỹ thuật.

“Đã chọn là nghề thì phải chăm chút chúng còn hơn cả bản thân mình” – ông Bắc thổ lộ. Hàng ngày, vợ ông gánh nước vào chuồng còn anh tự tay tắm táp, vuốt ve đàn lợn. “Lợn nó cũng có tình cảm đấy, nếu mình thường xuyên vuốt ve, chiều chuộng chúng thì chúng cũng quý mình và nhanh lớn hơn” – ông Bắc cười hóm hỉnh.

Năm 2007, ông Bắc mạnh dạn vay 800 triệu đồng từ Ngân hàng NN&PTNT tỉnh Sơn La, cộng thêm tiền tích góp, vay mượn, ông đầu tư 1,4 tỷ đồng xây dựng trang trại chăn nuôi lợn siêu nạc khép kín với diện tích 1.700m2 theo công nghệ của Thái Lan.

Trang trại lợn của gia đình ông Nguyễn Công Bắc.

Thành công nhờ chăn nuôi lợn khép kín

Mặc dù đã có công nhân đảm đương mọi việc và có thể theo dõi đàn lợn qua hệ thống camera, nhưng mỗi ngày ông Bắc vẫn trực tiếp thăm, kiểm tra đàn lợn 2 lần vào buổi sáng và buổi tối.

“Nếu không làm vậy, tôi có cảm giác thiếu vắng cái gì đó. Có lẽ, niềm đam mê chăn nuôi lợn đã ngấm quá sâu vào trong tôi. Tôi có thể đứng cả tiếng đồng hồ để quan sát một con lợn đang ăn hay đùa nghịch.” – ông Bắc tâm sự.

Ông Bắc chia sẻ thêm: “Ban đầu đến với chăn nuôi lợn vì để phù hợp với hoàn cảnh của bản thân và phục vụ nhu cầu của nhân dân được tiêu dùng thịt lợn sạch, phục vụ cộng đồng; nhưng khi làm rồi thì yêu nghề mình đã chọn. Năm 2010, tôi mở rộng quy mô chăn nuôi, xây dựng thêm trang trại ở Hợp tác xã 6, xã Chiềng Mung (Mai Sơn)”.
Hiện nay, ông Bắc duy trì và phát triển 3 trang trại, với tổng diện tích 7ha. Không chỉ có quy mô nuôi lợn lớn nhất nhì ở Sơn La, ông Bắc còn tiên phong trong đầu tư công nghệ chăn nuôi tiết kiệm nước.

Theo đó, toàn bộ hệ thống trang trại được xây dựng bằng chuồng trệt, bể tắm ngay trong chuồng nên toàn bộ lợn hầu như không phải tắm rửa, nước chỉ dùng để cho lợn uống. Bên cạnh đó, vòi nước cho lợn uống ở gần khu vực bể tắm, khi lợn uống nước rơi vãi dần thì sẽ chảy vào bể tắm. Đồng thời, chất thải của lợn sẽ theo dòng nước chảy vào hệ thống thu gom rồi chảy ra bể biogas. Toàn bộ sàn lợn được vệ sinh khô. Để chuồng trại luôn thông thoáng, trang trại được lắp đặt quạt làm mát công nghiệp, giàn làm mát, mái cách nhiệt…

Ông Nguyễn Công Bắc cho biết: “Chuồng trại nuôi khép kín theo tiêu chuẩn Thái Lan, đàn lợn không phải tắm rửa nên tiết kiệm nhiều nước, lợn lúc nào cũng khô ráo, bệnh tật giảm nhiều. Trang trại nhà tôi không sử dụng tiết kiệm nước thì không tồn tại được. Trước đây tôi nuôi lợn thủ công tiêu tốn 100% nước, sau khi sử dụng công nghệ này thì chỉ tiêu tốn 30-50% nước. Trong khi tăng được năng suất, chất lượng đàn lợn, vừa tiết kiệm nước, vừa bảo vệ môi trường”.
Ngoài lợi ích về tiết kiệm nước, giá trị, chất lượng của đàn lợn tăng lên nhờ áp dụng công nghệ khép kín. Ông Bắc chia sẻ: “Khi lợn tắm thì phải hoạt động, sản sinh ra một lượng Kalo để chống cái nóng, cái lạnh, thì sản lượng của lợn sẽ chênh nhau cả 1kg. Đối với một con lợn, 1kg không vấn đề gì nhưng với trang trại nuôi gần 10.000 con lợn thì ảnh hưởng đến cả lợi nhuận kinh tế”.

Bên cạnh đó, để giải quyết bài toán về môi trường ông Bắc đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây hệ thống xử lý chất thải, hầm biogas. Năm 2018, nhờ sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT Sơn La, ông Bắc đầu tư máy ép phân, trở thành trang trại chăn nuôi khép kín hoàn thiện nhất ở Sơn La.

“Khi sử dụng thì một phần nước sẽ chảy vào biogas tạo thành khí đốt, phần chất thải thì vào máy ép phân tạo ra phân hữu cơ. Một ngày trang trại ép 1-1,2 tấn phân, hiệu quả kinh tế một phần nhưng giải quyết ô nhiễm môi trường, giảm tải chất thải”, ông Bắc tâm đắc.

Ông Bắc phấn khởi cho biết: Bây giờ, trang trại của ông đã hoàn toàn chủ động nguồn con giống tại chỗ, nhờ đó kiểm soát được chất lượng ngay từ đầu vào. Mỗi con lợn khi được sinh ra, công nhân đều nhập lên hệ thống phần mềm theo dõi. Chỉ cần mở máy tính, ông Bắc cũng có thể biết được con lợn đó được tiêm phòng vaccine hay chưa…
Ngay cả khi dịch tả lợn châu Phi lây lan khắp nơi, gây thiệt hại cho nhiều hộ chăn nuôi, thì trang trại của ông Bắc vẫn vận hành bình thường. Được biết, trung bình mỗi năm hệ thống trang trại của ông Bắc xuất bán ra thị trường khoảng 700 tấn lợn thịt và 8.000 – 10.000 con lợn giống, doanh thu từ 40 – 50 tỷ đồng/năm.

“Có lẽ, niềm đam mê chăn nuôi lợn đã ngấm quá sâu vào trong tôi. Tôi có thể đứng cả tiếng đồng hồ để quan sát một con lợn đang ăn hay đùa nghịch”.
Tỷ phú ND Nguyễn Công Bắc.

Mai Ngọc