Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nhà nông lo lắng khi phải bán 4 bao lúa mới mua được 1 bao phân

07:15 20/02/2022 GMT+7
Giá phân bón liên tục tăng cao đang khiến cho nhiều nhà nông ở Đắk Lắk lo lắng khi chi phí chăm sóc vườn cây đội lên rất lớn.

Gia đình ông Y Riu Uông ở buôn Dơng Bắk, xã Yang Tao, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk trồng hơn 5.000 m2 ruộng lúa. Ông Y Riu cho biết, các năm trước giá phân bón từ 400.000 - 500.000 đồng/một bao 50kg, nhưng giờ đã tăng lên gấp 2. Giá phân bón tăng cao nên giờ làm lúa không có lãi.

“Nay phân bón tăng lên một bao khoảng 900.000 đồng đến gần 1 triệu nên khó khăn. Lúa thì 5.000 đồng/kg, nếu mình bán 3 bao hoặc 4 bao lúa mới bằng một bao phân còn trước đây tôi bán 2 bao là đủ rồi” - ông Y Riu Uông nói.

Tương tự, hàng năm để chăm sóc 1ha điều và hơn 2 sào cà phê, gia đình ông A Đôn, ở xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắk chi phí khoảng 15 triệu đồng tiền phân bón các loại. Hiện giá phân bón tăng gấp đôi khiến chi phí đầu tư đội thêm rất nhiều. Ông A Đôn cho biết, những người mua phân bón trả tiền ngay còn đỡ, đối với những gia đình khó khăn phải mua nợ của đại lý đến cuối vụ thanh toán bằng nông sản thì còn “thiệt đơn, thiệt kép”.

“Giá tăng bà con làm không, như nhà tôi có đất làm rồi nhưng phân bón giá cả như vậy lại phải vay, một năm vay tiền lãi nhiều lắm. Ví dụ, tôi vay của đại lý một bao phân bây giờ tính giá một triệu đồng lãi trong 1 năm là 400.000 đồng. Các đại lý phân bón cho vay, họ đầu tư, cuối năm lấy cà phê mình bán lại cho họ, rồi còn bao nhiêu thì họ trả gia đình, làm bao nhiêu phải trả nợ hết” - ông A Đôn chia sẻ.

Giá phân bón tăng cao khiến nhà nông gặp khó.

Theo ghi nhận tại các đại lý kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giá các loại phân bón đã tăng từ 60 - 80%, thậm chí có loại tăng gấp đôi so với trước. Cụ thể, trước đây phân kali nhập khẩu có giá 7.000 đồng/kg thì nay tăng lên 14.000 đồng/kg. Phân Sunphat nhập khẩu tăng 600.000 đồng/tấn, hiện có giá 500.000 đồng/bao (loại 50 kg). Đạm Urê tăng từ 10.000 đồng/kg lên 18.000 đồng/kg.

Nguyên nhân phân bón các loại tăng giá được lý giải do giá nguyên liệu sản xuất phân bón tăng cao. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến chi phí vận chuyển tăng cũng đẩy giá phân bón tăng thêm một nấc mới.

Trước áp lực giá phân bón tăng cao, ông Ngô Xuân Biên, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cư M’gar khuyến cáo nông dân nên sử dụng phân bón hợp lý, đồng thời tăng cường sử dụng phân hữu cơ thay thế các loại phân hóa học nhằm giảm chi phí đầu vào và góp phần cải tạo đất, giúp cây trồng sinh trưởng tốt.

“Kiến nghị các cơ quan ban, ngành kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, các đại lý mua bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chặt chẽ để tránh tình trạng đầu cơ, tăng giá. Khuyến cáo người nông dân phải tìm những mặt hàng, những sản phẩm mà phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phải đúng nguồn gốc của nó để đảm bảo chất lượng, tránh tình trạng sử dụng các sản phẩm phân bón không đảm bảo chất lượng ảnh hưởng đến năng suất của cây trồng” ông Ngô Xuân Biên nói./.

Theo VOV

Gánh nặng đè lên vai người dân khi giá phân bón tăng, giá lúa giảm
Chuỗi cung ứng bị đứt gãy, khâu chế biến, xay xát, tồn trữ và vận chuyển bị ảnh hưởng đã kéo giá lúa ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giảm trong thời gian qua. Ngoài ra, vấn đề hiện nay ở các địa phương trong vùng là thương lái khó vào địa bàn để