Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nhiều mô hình vay vốn Quỹ ở Hậu Giang cho hiệu quả cao

Ái Vân - 07:05 24/10/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi) - Trong thời gian qua, từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân, Hội Nông tỉnh Hậu Giang đã thực hiện nhiều đề án và chính sách hỗ trợ về vốn, cây, con giống, quy trình sản xuất để nông dân từng bước xây dựng được mô hình sản xuất đáp ứng được yêu cầu của thị trường, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết.
Ông Phạm Thanh Hoài - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Hậu Giang  thăm mô hình trồng măng tây trong nhà kính.

Chỉ đạo sát sao và chú trọng công tác tuyên truyền 

Để đẩy mạnh và phát triển ngành Nông nghiệp, thời gian qua tỉnh Hậu Giang đã ban hành nhiều chương trình, đề án về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Trong đó, tỉnh chú trọng các chương trình đề án hỗ trợ nông dân như Chương trình hành động phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang 5 năm 2021- 2025; Chương trình Khuyến nông trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021- 2025; Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030; Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tỉnh Hậu Giang (VnSAT); dự án cái Lớn - Cái Bé về hợp phần xây dựng mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu; các dự án về nguồn vốn viện trợ nước ngoài...

Đồng thời, tỉnh cũng tập trung quy hoạch lại vùng sản xuất, phối hợp với các công ty, doanh nghiệp vận động nông dân chuyển đổi sang các loại cây trồng đã được liên kết phát triển như khóm MD2, xoài cát Lộc hay lúa an toàn… Nông dân sẽ được tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản làm ra để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của các đề án, Quỹ Hỗ trợ nông dân và các Chương trình hỗ trợ đã góp phần giúp cho tỉnh nâng chất và xây dựng mới nhiều mô hình sản xuất hiệu quả.

Ông Phạm Thanh Hoài, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang cho biết: Với những chương trình, đề án của tỉnh, các cấp Hội xem trọng công tác tuyên truyền để cán bộ, hội viên nông dân và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh hiểu rõ. Đồng thời, Hội đã tập trung chỉ đạo các cấp Hội thường xuyên tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong hội viên nông dân về các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với hoạt động Quỹ Hỗ trợ Nông dân. Hình thức tuyên truyền đa dạng, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chi, tổ hội, các buổi sơ tổng kết công tác Hội, bản tin nông dân Hậu Giang; Chỉ đạo Hội cấp huyện, cấp xã phối hợp với phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu về hoạt động ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị quyết của Hội Đồng quản trị Ngân hàng Chính sách - Xã hội tỉnh đề ra.

Nhờ chủ trương đúng đắn, chỉ đạo sát sao của Hội Nông dân các cấp đã giúp cho hội viên, nông dân hiểu đúng lợi ích từ nguồn vốn vay của Quỹ Hỗ trợ Nông dân, mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, nhận thức của hộ vay ngày càng được nâng cao, sử dụng vốn vay đúng mục đích, mang lại hiệu quả thiết thực, thực hiện trách nhiệm nộp phí vay đúng thời gian quy định.  

“Đến nay, nhiều mô hình, dự án được triển khai thực hiện có hiệu quả, điển hình như dự án nuôi cá chạch lấu tại thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành; dự án trồng bưởi da xanh, xã Thuận Hưng; dự án nuôi lươn xã Xà Phiên, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ; dự án nuôi ba ba xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp; dự án trồng và chăm sóc vườn mít thái, sầu riêng R6 xã Tân Thành, TP. Ngã Bảy... Qua kết quả thực hiện dự án đã giải quyết được lực lượng lao động nhàn rỗi tại địa phương, tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình, xây dựng Quỹ Hỗ trợ Nông dân tăng trưởng hàng năm đạt vượt chỉ tiêu kế hoạch; vai trò của các cấp Hội ngày càng được nâng cao…” - ông Phạm Thanh Hoài cho biết thêm.

Mô hình nuôi lươn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Điều chỉnh nâng mức cho vay Quỹ Hỗ trợ Nông dân

Đầu năm 2022, sau đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Hậu Giang phát triển tích cực. Nhiều doanh nghiệp bắt đầu hoạt động trở lại, tuy nhiên giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào tăng đột biến; giá cả các mặt hàng nông sản của nông dân tiếp tục bị sụt giảm chưa có chiều hướng chuyển biến tích cực. Các yếu tố trên đã trực tiếp làm ảnh hưởng đến thu nhập của các hộ vay vốn dự án Quỹ Hỗ trợ Nông dân... 

Theo ông Phạm Thanh Hoài, những hạn chế của Quỹ Hỗ trợ Nông dân hiện nay là việc lập hồ sơ giải ngân xoay vòng vốn cấp huyện thực hiện còn chậm, tồn vốn khá cao. Một số dự án vốn Trung ương, vốn cấp tỉnh, vốn cấp huyện đến hạn nhưng thu hồi còn chậm so với kế hoạch, phát sinh một số dự án phải xin gia hạn nợ. Vẫn còn một vài cơ sở Hội chưa thực hiện đúng hướng dẫn về công tác vận động nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hộ vay gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, giá cả giảm thấp, sản phẩm chưa tiêu thụ được, hộ vay gặp khó khăn về tài chính; món nợ khoanh hiện nay là do trước đây bình xét hộ vay chưa đúng đối tượng, nhiều hộ vay đã bỏ xứ đi làm ăn xa không liên lạc được.

Từ các vấn đề còn tồn đọng, ông Phạm Thanh Hoài đề xuất: Đối với khoản nợ khoanh trước năm 2009 đã có hồ sơ gửi Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ Nông dân Trung ương, đề nghị Ban Thường vụ, Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ Nông dân Trung ương, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam xem xét xóa nợ do nguyên nhân khách quan. Ngoài ra, Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ Nông dân Trung ương chủ trì mở thêm các lớp đào tạo ngắn hạn về nghiệp vụ kế toán Quỹ; nghiệp vụ quản lý, điều hành hoạt động Quỹ Hỗ trợ Nông dân cho cán bộ Quỹ cấp tỉnh và cấp huyện; Thực hiện xây dựng và triển khai phần mềm kế toán Quỹ Hỗ trợ Nông dân thống nhất để Quỹ các cấp thực hiện đạt hiệu quả; rà soát, đơn giản hóa các thủ tục cho vay; điều chỉnh mức phí cho vay theo lộ trình lãi suất của các tổ chức tín dụng từng thời điểm; điều chỉnh nâng mức cho vay Quỹ Hỗ trợ Nông dân đối với hộ vay tối đa 100 triệu đồng/hộ lên 150 triệu đồng/hộ. 

“Với những chương trình, đề án của tỉnh Hậu Giang, các cấp Hội xem trọng công tác tuyên truyền để cán bộ, hội viên nông dân và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh hiểu rõ. Đồng thời, Hội đã tập trung chỉ đạo các cấp Hội thường xuyên tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong hội viên nông dân về các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với hoạt động Quỹ Hỗ trợ Nông dân”.
Ông Phạm Thanh Hoài, Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Hậu Giang.