Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nhờ nguồn vốn Quỹ nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả

Hoàng Thị Hường - 07:17 27/08/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Đại Sơn là một xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng. Những năm gần đây, nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo của Hội Nông dân các cấp và đặc biệt là sự hỗ trợ của nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã giúp cho nhiều mô hình kinh tế phát triển hiệu quả, giúp người dân nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Mô hình trồng dâu nuôi tằm của người dân ở xã Đại Sơn.

Hội ND các cấp quan tâm, chỉ đạo kịp thời

Ông Nông Văn Chính - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Sơn cho biết: Xã cách trung tâm huyện Quảng Hòa 32km, tổng diện tích đất tự nhiên là 3.778,91ha, có đường biên giới tiếp giáp với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là 6,445km, gồm 11 xóm, trong đó có 2 xóm sát biên với 770 hộ. Nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện hộ nghèo. Trong những năm qua, mặc dù ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa bị thu hẹp, biên giới đóng cửa, nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương vẫn tăng trưởng đáng kể. 

Hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) của Hội ND xã Đại Sơn trong thời gian qua luôn nhận được sự quan tâm của Hội ND các cấp, Đảng ủy, UBND xã Đại Sơn, nguồn vốn Quỹ HTND xã tăng trưởng tương đối nhanh. Hội ND xã đã triển khai các văn bản về Quỹ HTND, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế Tổ hợp tác và tham mưu cho Đảng ủy thống nhất chủ trương, làm cơ sở cho công tác lãnh đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ trong toàn xã.

 Nhằm thực hiện tốt kế hoạch đề ra và phát huy hiệu quả nguồn vốn Quỹ, Hội ND xã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, qua đó giúp cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn xã hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển Quỹ. Hội còn tập trung tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa thiết thực của việc vay vốn Quỹ HTND để đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi tạo thêm việc làm và tăng thu nhập.

“Để thực hiện cho vay, Hội ND xã tiến hành khảo sát các hộ có nhu cầu thực sự về vốn để đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, trong đó ưu tiên lựa chọn các hộ có tinh thần trách nhiệm cao trong việc sử dụng nguồn vốn, có nhân lực và các điều kiện bảo đảm để nguồn vốn phát huy hiệu quả cao nhất. Đồng thời, Hội phân công các thành viên trong Ban Thường vụ và Ban Quản lý Quỹ HTND của xã thường xuyên xuống tận các hộ vay vốn kiểm tra, theo dõi quá trình sử dụng nguồn vốn của hội viên để giúp hội viên sử dụng vốn hiệu quả, đúng mục đích. Nhờ đó, nhiều mô hình phát triển kinh tế đã phát huy hiệu quả” - ông Nông Văn Chính chia sẻ thêm.

Ruộng dâu tằm ở xã Đại Sơn.

Nhiều điểm sáng về phát triển kinh tế

Theo ông Nông Văn Chính, điểm sáng nổi bật nhất là mô hình trồng dâu nuôi tằm. Dự án cho hỗ trợ vay vốn thực hiện trong 3 năm bắt đầu từ năm 2019 với 10 hộ tham gia, mỗi hộ vay 30 triệu đồng. Kể từ khi trồng dâu nuôi tằm, một hộ gia đình có thể thu hoạch 6 lứa/năm, mỗi lứa thu nhập 3.150kg kén, với giá bán hiện nay là 140.000 đồng/kg, hàng năm mỗi hộ thu được 34,5 triệu, đồng góp phần tạo việc làm cho 22 lao động. Kết thúc dự án đã có 2 hộ thoát nghèo, có 3 hộ đăng ký và đạt hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, xã. 

Từ hiệu quả của mô hình trồng dâu nuôi tằm, Hội ND xã tiếp tục xây dựng triển khai dự án nuôi trâu sinh sản, mỗi hộ được vay vốn để mua 2 con trâu sinh sản. Mặc dù mới thực hiện được hơn 1 năm, nhưng đến nay mỗi hộ đã có thêm 3 con trâu sinh sản, tạo công ăn việc làm cho hơn 40 lao động… mang lại lợi nhuận và thu nhập ổn định.

Ông Nông Văn Chính cho biết thêm: Các hộ tham gia dự án thường xuyên duy trì sinh hoạt để trao đổi những kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi, thông tin giá cả, thị trường. Ngoài ra, các hội viên nông dân khi tham gia mô hình còn được Hội ND các cấp phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; lồng ghép các chương trình, dự án của xã để phổ biến và chuyển giao những kinh nghiệm hay, mô hình trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả. Hội ND xã còn phối hợp với các ngành, đoàn thể để vận động các hộ thành lập các Tổ hợp tác, Tổ hội nghề nghiệp để liên kết phát triển sản xuất, tư vấn, trao đổi phương án, kinh nguyện sản xuất, hướng dẫn cách quản lý, sử dụng vật tư nông nghiệp… giúp phát huy hiệu quả nguồn vốn vay.

Hiện nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp do Hội ND xã đang quản lý là 1,1  tỷ đồng, hỗ trợ cho nông dân trong xã thực hiện 3 dự án, gồm 30 hộ vay; trong đó nguồn vốn Trung ương 600 triệu đồng, nguồn vốn tỉnh 300 triệu, nguồn huyện 200 triệu đồng, thực hiện mô hình trồng dâu nuôi tằm và 2 dự án nuôi trâu sinh sản. Việc cho vay đối được thực hiện theo dự án nhằm hỗ trợ vốn cho nhóm hộ cùng một ngành nghề sản xuất, các dự án, mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, bảo toàn tốt nguồn vốn, góp phần nâng cao thu nhập. Đồng thời, để đảm bảo nguồn vốn Quỹ, công tác thu hồi vốn, phí khi đến hạn đều được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, không có nợ quá hạn xảy ra (gốc và phí). 

Đánh giá về hiệu quả của nguồn vốn Quỹ đối với các mô hình phát triển kinh tế, ông Nông Văn Chính cũng khẳng định: Quỹ HTND các cấp trên địa bàn xã đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực, việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đã giúp nhiều hội viên nhận thức rõ vai trò chủ thể của mình dám nghĩ, dám làm, xây dựng được nhiều mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương để tăng thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống. Các hộ sử dụng nguồn vốn hiệu quả, qua các mô hình trên đã lan tỏa và được nhân rộng trên địa bàn xã thu hút được nhiều hội viên nông dân tham gia vào Tổ hợp tác, Tổ Hội nghề nghiệp do Hội ND xã thành lập.

Có thể thấy, hoạt động của Quỹ HTND đã có những tác động tích cực đối với kinh tế xã hội ở nông thôn, góp phần giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, chuyển dịch cơ cấu ngành nghề ở nông thôn, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, xây dựng được các mô hình sản xuất cho thu nhập cao, nông sản có chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần thực hiện thành công chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh tại địa phương và hướng đến đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2024, nông thôn kiểu mẫu  vào năm 2025. 

“Nguồn vốn Quỹ HTND các cấp phát triển đã tạo ra một kênh vốn mới, góp phần giải quyết một phần về vốn cho những hộ không đủ điều kiện vay vốn ở các tổ chức tín dụng khác, qua đó hạn chế tình trạng vay tín dụng đen, hạn chế hội viên nông dân sang Trung Quốc làm thuê trái pháp luật” - ông Nông Văn Chính chia sẻ. 

“Trong thời gian tới, Hội ND xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của Quỹ HTND; đồng thời vận động các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ, hội viên, nông dân tích cực đóng góp xây dựng Quỹ; phối hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật, phát động các phong trào thi đua của Hội; tranh thủ sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước và ủng hộ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm để phát triển nhanh nguồn vốn Quỹ, xây dựng nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên nông dân tại địa phương”.
Ông Nông Văn Chính – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Sơn.