Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nhờ vốn Quỹ, mạnh dạn nuôi bò 3B tăng thu nhập

Bài, ảnh: Bảo Dự - 07:12 17/11/2021 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Năm 2020, từ nguồn vốn Quỹ HTND, các hộ chăn nuôi bò 3B ở xã Minh Lập (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) đã mở rộng chăn nuôi từ 27 con đến thời điểm hiện tại tăng lên 109 con. Từ chăn nuôi bò 3B, nhiều hộ nông dân xã Minh Lập có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Từ chăn nuôi bò 3B, nhiều hộ nông dân xã Minh Lập có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi để tận dụng lợi thế địa phương

Xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên là một xã trung du có tổng diện tích 1830,19ha, 7.323 nhân khẩu, với 1.799 hộ, có 8 dân tộc cùng chung sống chủ yếu là dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu. Hội Nông dân (ND) xã Minh Lập có 1.292 hội viên, hiện đang sinh hoạt tại 7 chi hội, hội viên ND chủ yếu sinh sống dựa vào sản xuất lúa, trồng chè, trồng rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm… đời sống còn gặp nhiều khó khăn do thiếu việc làm, sản phẩm nông nghiệp thu nhập không ổn định. 

Ông Chu Quốc Bảo - Chủ tịch Hội ND xã Minh Lập cho biết: “Đời sống của nhân dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, trong đó chế biến chè, chăn nuôi theo quy mô trang trại là thế mạnh địa phương. Sông Cầu chảy qua địa phận 4 xóm của xã rất thuận lợi cho việc tưới tiêu phục vụ cho công tác sản xuất nông nghiệp và công tác chăn nuôi tại địa phương”.

Từ năm 2018 trên địa bàn xã mới có vài hộ tìm hiểu và chăn nuôi bò thương phẩm quy mô nhỏ lẻ 2-3 con/hộ. Năm 2020 sau khi nhận thấy chăn nuôi bò thương phẩm đem lại hiệu quả kinh tế cao, Hội ND xã đã tổ chức cho các hộ chăn nuôi đi tham quan học tập mô hình tại tỉnh Vĩnh Phúc và đề nghị cấp trên hỗ trợ vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân (HTND) giúp hội viên đầu tư mở rộng chuồng trại, mua thêm con giống. 

Thông qua Hội ND các cấp, các hộ chăn nuôi là hội viên ND đã được tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ HTND Trung ương, của tỉnh với số tiền 800 triệu đồng và 1 tỷ đồng vốn tự có của các hộ tham gia dự án để thực hiện dự án chăn nuôi bò 3B thương phẩm. Đến nay toàn xã có 30 hộ chăn nuôi bò thương phẩm trong đó 20 hộ tham gia dự án. Các hộ tham gia dự án đã được cải thiện cuộc sống nhờ có thu nhập khá từ chăn nuôi bò, mở rộng chăn nuôi tăng đàn bò từ 2 con lên đến vài chục con, số lượng bò tăng từ 27 con (năm 2020) lên 109 con (năm 2021).

Ông Quách Thanh Bình, ở xóm Cà Phê cho biết: “Với số vốn 40 triệu đồng, lãi suất 0,7%/tháng từ dự án, gia đình tôi đầu tư mua thêm 2 con bò giống, đến nay trọng lượng mỗi con đã đạt trên 7 tạ. Nếu xuất bán, ước tính cho thu lãi trên 30 triệu đồng mỗi con. Khi tham gia dự án, chúng tôi được tập huấn kiến thức, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi và có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau tìm nguồn giống và đầu ra cho sản phẩm”.

Dự án chăn nuôi bò thương phẩm được vay vốn từ Quỹ HTND Trung ương và được các cấp Hội tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn thành lập Tổ hợp tác với 40 lao động có việc làm mới, thường xuyên tại gia đình, nâng cao đời sống của các hộ ND trực tiếp tham gia dự án tăng thu nhập từ 99 triệu đồng/năm trở lên. Đến nay dự án đã thành lập được Tổ hợp tác hoạt động theo mô hình kinh tế tập thể, đang hướng tới thành lập Hợp tác xã chăn nuôi, nhằm cung cấp nguồn thực phẩm sạch ra thị trường cho người tiêu dùng.

Mô hình nuôi bò 3B đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ.

Bổ sung vốn cho Quỹ HTND để thúc đẩy ND thi đua sản xuất 

Từ mô hình chăn nuôi có hiệu quả của Tổ hợp tác chăn nuôi bò thương phẩm đến nay đã có nhiều hộ hội viên trên địa bàn xã đến học tập và nhân rộng để phát triển kinh tế góp phần thúc đẩy phong trào ND thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu bền vững. Qua việc thực hiện dự án đã cho thấy hiệu quả kinh tế cao từ việc sử dụng đồng vốn Quỹ HTND, trong những năm tiếp theo Hội ND xã Minh Lập mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm từ các cấp lãnh đạo Trung ương Hội NDVN, Hội ND tỉnh Thái Nguyên tăng thêm vốn cho hội viên nông dân xã Minh Lập vay để phát triển sản xuất tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều hội viên ND trong xã.

Để tiếp tục hỗ trợ hội viên ND trong tỉnh có vốn đầu tư sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới, vừa qua UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Tờ trình số 153 ngày 26/7/2021 đề nghị thông qua Đề án bổ sung vốn điều lệ Quỹ HTND tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021 - 2025, được đề xuất với tổng vốn tư 22 tỷ 200 triệu đồng. Mục tiêu của Đề án Quỹ HTND, đến năm 2025 đạt trên 40 tỷ đồng.

Phấn đấu 100% các dự án được kiểm tra, giám sát hộ vay sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, bảo toàn và phát triển nguồn vốn, các hộ tham gia dự án có đóng góp ủng hộ, xây dựng Quỹ, tạo điều kiện giúp đỡ hộ nghèo, hộ chính sách vươn lên thoát nghèo. Phấn đấu 60% trở lên xây dựng thành công các mô hình ND liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ tham gia dự án; bước đầu có trên 90% áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất; 30% nông dân có sản phẩm được truy xuất nguồn gốc, tham gia OCOP và được chứng nhận sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh. Quy mô đầu tư của Đề án năm 2021 và giai đoạn 2022 - 2025 nhằm hỗ trợ HTND tỉnh phát triển mới được 4-5 mô hình kinh tế hiệu quả từ nguồn vốn vay Quỹ HTND tỉnh.

Ông Ma Doãn Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội ND tỉnh Thái Nguyên chia sẻ, hoạt động của Quỹ HTND luôn gắn với xây dựng các mô hình dự án, tổ kinh tế hợp tác nông nghiệp, nông thôn và chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho hộ vay. Đồng thời định hướng cho ND đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi phù hợp với điều kiện thực tế, giúp nông dân phát huy được nguồn vốn vay và có điều kiện tái đầu tư sản xuất. 

 “Đến nay, nguồn Quỹ đã hỗ trợ cho hơn 1.000 hộ hội viên, ND trong tỉnh vay với số tiền gần 42 tỷ đồng để triển khai 103 dự án, mô hình đầu tư thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, nguồn quỹ Trung ương ủy thác là 13,15 tỷ đồng, Quỹ cấp tỉnh 21,27 tỷ đồng, cấp huyện trên 7,4 tỷ đồng… Quá trình giải ngân nguồn vốn được thực hiện theo hình thức xoay vòng, chu kỳ vay từ 1-3 năm, hội viên vừa tập trung phát triển các mô hình, dự án kinh tế, vừa tích góp hoàn trả vốn và phí để các hộ khác tiếp tục sử dụng. Chính vì điều này, các hội viên khi đăng ký vay vốn Quỹ đều chăm chỉ, tập trung vào lao động, sản xuất”. 
Ông Ma Doãn Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội ND tỉnh Thái Nguyên.