Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hội viên nông dân Hà Giang khấm khá từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân

Hoàng Tính - 07:10 19/04/2022 GMT+7
Hiện nay Hội Nông dân tỉnh Hà Giang đang quản lý hiệu quả nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân 18,51 tỷ đồng (Nguồn Quỹ Trung ương 9,21 tỷ đồng, nguồn tỉnh Hà Giang 8,7 tỷ đồng), hỗ trợ cho 685 hộ vay thuộc 36 dự án trong các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, du lịch... Các dự án đều phát huy hiệu quả, các hộ tham gia sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, thu nhập ổn định, nhiều hội viên nông dân đã có cuộc sống khấm khá hơn.

Thu nhập tăng cao

Ông Trần Xuân Thuỷ - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Giang cho biết: Mỗi dự án cho vay của Quỹ Hỗ trợ Nông dân thời gian qua đều mang tính khả thi rất cao, phù hợp với điều kiện thực tiễn, gắn với vùng chuyên canh, phát huy thế mạnh của từng địa phương. Tiêu biểu trong đó có các mô hình: Trồng và chăm sóc cam theo hướng VietGAP tại các xã Vĩnh Phúc, Đồng Yên, Tiên Kiều, Vĩnh Hảo huyện Bắc Quang; xã Yên Hà, Hương Sơn huyện Quang Bình; Chăn nuôi trâu tại các xã Vĩ Thượng, thị trấn Yên Bình  huyện Quang Bình; Trồng Na “Na núi đá” phường Quang Trung, thành phố Hà Giang và mô hình Nông dân làm du lịch - nhà nghỉ Homtay xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn), xã Du Già (huyện Yên Minh)...

Quỹ Hỗ trợ Nông dân tỉnh Hà Giang tổ chức giải ngân vay vốn cho hội viên nông dân

Hội Nông dân xã Vĩnh Phúc (huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) là điển hình trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ Nông dân. Năm 2018, Hội Nông dân xã Vĩnh Phúc được vay 600 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân Trung ương đầu tư thực hiện mô hình “Chăm sóc cam theo hướng VietGAP” cho 12 hộ tại các chi hội thôn Vĩnh Xuân, Vĩnh Chúa và Vĩnh Ban.

Là người tham gia vào dự án, ông Hoàng Văn Khang – Thôn Vĩnh Bang (xã Vĩnh Phúc) cho biết thêm: Ngoài việc được hỗ trợ về vốn để phát triển cây cam, chúng tôi còn được tham gia vào các lớp tập huấn do Hội Nông dân tổ chức về chuyển giao khoa học kỹ thuật, chăm sóc mới... giờ đây chúng tôi đã biết sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP và với việc xây dựng tem nhãn cho cam mà giờ đây đầu ra đã thuận lợi hơn.

Sau 4 năm triển khai thực hiện dự án cho vay mô hình “Chăm sóc cam theo hướng VietGAP” ở xã Vĩnh Phúc (huyện Bắc Quang) đã giúp cho 12 hộ (theo dự án) ở xã Vĩnh Phúc thay đổi nhận thức về lợi ích sản xuất theo hướng an toàn, nông nghiệp hữu cơ; năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm đã được nâng lên rõ rệt; cùng với đó, các hộ còn tuyên truyền cho các hộ khác trên địa bàn để cùng “sản xuất sạch” đảm bảo an toàn.

Cũng chính từ việc thay đổi tư duy sản xuất, các hộ vay vốn thực hiện dự án đã có mức thu nhập khá; điển hình hộ bà Lê Thị Lan, bà Hà Thị Lập, ông Nguyễn Văn Hảo, ông Đỗ Văn Phương ở xã Vĩnh Phúc đã có mức thu nhập bình quân trừ chi phí hàng năm đạt từ 250 triệu đồng - 300 triệu đồng /năm, tăng gấp đôi so với trước khi tham gia dự án.

Sản xuất sạch

Ông Đặng Thế Phong – Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Giang cho biết: Từ nguồn vốn 450 triệu đồng của Quỹ Hỗ trợ Nông dân tỉnh Hà Giang, Hội Nông dân thành phố đã tổ chức cho Chi hội nghề nghiệp trồng na phường Quang Trung vay. Các hộ được vay vốn như hộ (Lê Thị Hà, Vi Văn Bảo, Nguyễn Minh Hùng, Trần Thị Hằng, Vi Thị Thanh, Nguyễn Thị Hoà) đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn để cải tạo vườn na.

Ngoài việc hỗ trợ vốn, Hội Nông dân tỉnh Hà Giang còn tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật... vì vậy mà nông dân đã yên tâm ổn định sản xuất, bảo toàn nguồn vốn vay.

Dự án được triển khai còn đem lại thành công trong việc sản xuất na an toàn; các hộ dân đã đoàn kết, liên kết để sản xuất sạch: 100% các hộ gia đình không sử dụng thuốc diệt cỏ, thay vào đó là mua máy phát cỏ để chăm sóc vườn na; mua phân bón Silic bón lót và bón thúc cho cây na...

Thành lập từ tháng 7/2017 với 21 thành viên nhưng giờ đây Chi hội nghề nghiệp trồng na phường Quang Trung (thành phố Hà Giang) đã thu hút thêm 43 thành viên xin vào. Với việc cùng tổ chức sản xuất, cùng tiến hành đồng bộ các quy trình trồng na, đến nay Chi hội nghề nghiệp trồng na phường Quang Trung đã tạo ra sản phẩm na chất lượng, mã đẹp và được tiêu thụ tốt ngay tại thị trường trong tỉnh. Năm 2021 tổng thu hoạch trên 30ha đạt 80,4 tấn đem về thu nhập trên 4 tỷ đồng.

Ông Trần Quốc Lịch – Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Nông dân tỉnh Hà Giang cho biết thêm: Để nguồn vốn vay phát huy hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện, Quỹ Hỗ trợ Nông dân tỉnh Hà Giang đã phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân các huyện, thành phố để tuyên truyền cho cán bộ, hội viên hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng và phát triển Quỹ. Sử dụng đồng vốn vay đúng mục đích nhằm mang lại hiệu quả, nâng cao thu nhập cho gia đình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Thực tế cho thấy, từ nguồn Quỹ Hỗ trợ Nông dân tỉnh Hà Giang ngoài việc giúp hội viên có vốn phát triển kinh tế, còn góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, tiếp cận với việc sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Năm 2021 toàn tỉnh có 12.949 hộ đạt danh hiệu hộ SXKDG các cấp; Thành lập được 238 chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp; Thành lập được 141 tổ hợp tác và 8 hợp tác xã nông nghiệp. Thông qua các nguồn vốn cho vay góp phần thu hút thêm hội viên mới tham gia vào tổ chức Hội. Năm 2021 đã phát triển mới được 1.758 hội viên, nâng tổng số hội viên nông dân toàn tỉnh lên 115..245 người.