Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

RCEP & UKVFTA – Cơ hội thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản Việt Nam

09:58 16/01/2021 GMT+7

Ngày 15/01/2021, tại TP. HCM, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP. HCM (VCCI-HCM), Bộ Khoa học & Công nghệ, Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam (VFAEA) và Hiệp hội Rau Quả Việt Nam (VINAFRUIT) phối hợp tổ chức Hội nghị “Hiệp định RCEP & UKVFTA – Cơ hội thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản Việt Nam và khu vực với thị trường thế giới”.

Ông Lê Duy Minh, Chủ tịch VFAEA phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Vân Nguyễn

Vào ngày 15/11/2020, 15 nước thành viên RCEP đã ký Hiệp định. RCEP giúp doanh nghiệp nông sản, rau quả Việt Nam bước vào một thị trường rộng lớn gồm 15 nước thành viên chiếm gần 30% dân số thế giới (2,2 tỷ người) và 30% của tổng sản phẩm nội địa GDP toàn cầu (26,2 nghìn tỷ USD). Khối thương mại tự do này sẽ lớn hơn khối thương mại giữa Hoa Kỳ, Mexico và Canada và lớn hơn cả Liên minh châu Âu. GDP cộng lại của các nước thành viên RCEP vượt qua GDP cộng lại của Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhờ có Trung Quốc tham gia. Theo quá trình phát triển kinh tế, khối thành viên RCEP dự đoán sẽ đạt được hơn 100 nghìn tỷ USD trước năm 2050.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Duy Minh, Chủ tịch VFAEA cho biết: Năm 2020 Việt Nam đã ký kết được nhiều hiệp định quan trọng như: Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu – EVFTA; Hiệp định UKVFTA đã ký với Anh và Hiệp định RCEP. Điều đó có nghĩa, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đang bước sang một giai đoạn mới với những cơ hội được mở rộng thị trường xuất khẩu, gia tăng triển vọng thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Đây là tín hiệu rất tích cực trong bối cảnh dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Khi cơ hội của RCEP được mở rộng, thì những thách thức được đặt ra, điều đó đòi hỏi chúng ta phải vượt qua để tận dụng tốt nhất về thương mại và đầu tư. Các doanh nghiệp nông nghiệp, trang trại, hợp tác xã cần đáp ứng một loạt các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài các quy tắc đơn giản hóa quy trình và chi phí xuất nhập khẩu, quy tắc xuất xứ đơn giản hóa sẽ làm giảm thời gian và chi phí cho các nhà xuất khẩu của Việt Nam, do đó, tăng tỷ suất lợi nhuận và làm cho hàng hóa Việt Nam cạnh tranh hơn trên các thị trường RCEP.

Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Vân Nguyễn

Ông Nguyễn Hữu Nam – Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP.HCM chia sẻ: Hiệp định RCEP có tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam được đánh giá là một trong những nước kiểm soát dịch bệnh tốt nhất và là một trong số ít các quốc gia có sự tăng trưởng kinh tế dương, đạt 2,91%, trong khi đó hầu hết các quốc gia khác trên thế giới có mức tăng trưởng âm trong năm 2020. Đây là một nỗ lực lớn của Chính phủ, các cơ quan, ban ngành và các doanh nghiệp, những người tiên phong trong việc thúc đẩy hàng hóa xuất khẩu. Mục tiêu của Việt Nam trong Hiệp định RCEP là phát triển các ngành nông, lâm, thủy hải sản. Đây là những ngành nghề có đóng góp lớn cho GDP của Việt Nam, năm 2020 có mức tăng trưởng rất cao và đạt kim ngạch xuất khẩu 41 tỷ USD, đây là điểm tích cực và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có những ngành hàng có mức tăng trưởng dương như rau quả, tôm, hạt điều và gạo.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời cho biết: Hiệp định RCEP sẽ mang đến cho các doanh nghiệp những cơ hội rộng mở hơn. Hiệp định này có nhiều tiêu chí gần hơn với Việt Nam, nhưng ngược lại, giá cả sẽ không cao hơn châu Âu. Đối với khu vực châu Âu thường áp dụng những tiêu chí về rào cản cao hơn, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt phải phấn đấu để hoàn thiện, nhưng ngược lại, giá của khu vực này sẽ cao hơn, đồng nghĩa với việc sẽ mang lại lợi nhuận nhiều hơn cho các doanh nghiệp. Nếu chúng ta biết tận dụng tất cả các cơ hội đó, cái chính mà chúng ta đang cần đến là hội nhập để cùng phát triển cả về chất lượng, tầm nhìn, sự hiểu biết và thị trường. Khi mở ra, hàng hóa các nước sẽ tràn vào thị trường Việt Nam, đó là cơ hội để người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm tốt, chất lượng cao, điều này đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước phải nâng cao năng lực để cạnh tranh với các sản phẩm hàng hóa đó.

                                                                                        Vân Nguyễn