Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tăng giám sát, nâng cao ý thức giữ rừng của dân

22:30 26/07/2019 GMT+7
“Nếu bảo họ đợi 50 – 70 năm sau mới khai thác, thì suốt 70 năm đó họ lấy gì để tạo thu nhập? Trên thế giới, nghề trồng rừng chỉ phù hợp với người giàu, trồng rừng bỏ đấy, đến nửa thế kỷ mới khai thác. Nhưng ở Việt Nam, nông dân nghèo quá,

“Nếu bảo họ đợi 50 – 70 năm sau mới khai thác, thì suốt 70 năm đó họ lấy gì để tạo thu nhập? Trên thế giới, nghề trồng rừng chỉ phù hợp với người giàu, trồng rừng bỏ đấy, đến nửa thế kỷ mới khai thác. Nhưng ở Việt Nam, nông dân nghèo quá, đã nghèo lại sống nhờ rừng. Vì vậy, họ trồng cây gì càng nhanh cho thu hoạch càng tốt.”

Đó là chia sẻ của GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng.

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng.

Vừa qua, cháy rừng liên tiếp xảy ra ở nhiều tỉnh miền Trung. Phải chăng công tác phòng chống cháy rừng đang kém đi, thưa Giáo sư?

Thực ra, năm nay diện tích rừng bị cháy không lớn, nhưng cứ có vụ cháy nào là báo chí đưa hình ảnh, thông tin lên ngay, nên dư luận cảm thấy cháy rừng nhiều quá. Trong khi, các năm trước đây cháy rừng nhiều hơn, thiệt hại lớn hơn, nhưng từng vụ việc báo chí không đưa thông tin lên, dư luận ít người biết chuyện cháy rừng. Trước đây, báo chí chỉ đưa ra con số hàng năm, hay mùa khô có bao nhiêu vụ cháy rừng, diện tích thiệt hại bao nhiêu hec-ta. Những thông tin này, người ta đọc xong quên tuột đi, không ai nhớ.

Xảy ra cháy rừng, trước hết là phải có mồi lửa. Nhiều người khi đi canh tác trong rừng, người ta kéo cành củi khô đốt lửa để nấu ăn, hoặc hun chuột, hun tổ ong để lấy mật. Yếu tố thứ hai, là vật dẫn cháy. Với những hành vi gây cháy rừng, chỉ phạt 200 nghìn thì không đủ sức răn đe. Cần phải tạo ra ý thức phòng cháy, bằng việc chỉ rõ ai là người vi phạm, để cộng đồng người dân xung quanh đó sẽ lên án, sẽ giảm được việc đem lửa vào rừng.

Dưới đất có các thảm mục do cây, lá khô rơi xuống lâu ngày, đây chính là những vật liệu dẫn cháy. Có những loài cây dẫn lửa, là những cây có dầu, bén vào một tí là cháy cả khu rừng. Rừng trồng rất dễ cháy, thường hay xảy ra cháy rừng vào mùa khô. Lá khô sẵn, thành ra lớp dày vài ba centimét, thì có lửa là sẽ cháy. Người chủ rừng muốn giữ rừng, nhưng họ không được giáo dục, tập huấn kỹ năng phòng chữa cháy rừng.

Ông có lời khuyên như thế nào đối với các cơ quan chức năng và chủ rừng về công tác  phòng chống cháy rừng?

Phương châm phòng là chính, chữa chỉ là khi rất cấp bách. Đối với loại rừng có nguy cơ dễ xảy ra cháy lớn, Tổng cục Lâm nghiệp nên chỉ đạo cứ 1.000ha phải có chòi canh lửa, đứng trên đó nhìn được toàn cảnh cánh rừng. Liên tục có người canh trên đó vào những tháng mùa khô, khi phát hiện đám cháy, thì dùng điện thoại báo tin ngay cho địa phương, cho chủ rừng. Cục Kiểm lâm nước ta đã thuê vệ tinh ứng dụng vào rất nhiều việc như chụp ảnh rừng, thông báo về tốc độc gió…

Nhưng bây giờ nên đàm phán thêm về việc đặt những thiết bị cảm ứng về nhiệt. Nếu như ở dưới mặt đất có đám cháy mà ngọn lửa cao 1m, rộng 1m thì cảm ứng vệ tinh sẽ phát hiện được ngay, đo được chính xác tọa độ đám cháy, chỉ sai số khoảng 1m. Khi báo tọa độ cháy, thì người dân sẽ kịp chạy đến dập được ngọn lửa nhỏ đó. Phải có đội cứu hỏa sẵn sàng trực tại mỗi khu rừng. Khi báo cháy, đội cứu hỏa phải đến ngay, dập tắt đám cháy ngay từ khi mới phát sinh, không để đám cháy ra rộng sẽ khó chữa cháy.

Ở Việt Nam người trồng rừng sống dựa vào rừng. Ảnh: T.L

Đối với các hộ gia đình trồng rừng, phải chú ý luôn luôn canh gác, bảo vệ canh chừng nghiêm ngặt phòng ngừa cháy, cần xây sẵn bể, hố chứa nước để chữa cháy. Đã có quy trình kỹ thuật cho trồng rừng, các hộ trồng rừng phải tuân thủ quy trình này. Mỗi lô rừng trồng không được rộng quá 5ha. Lô nọ cách lô kia phải có con đường gọi là băng cản lửa. Có 2 loại băng. Băng trắng là đất trống để không thể truyền được lửa từ lô rừng này sang lô rừng bên cạnh. Khoảng cách băng trắng rộng 5-10m, đây cũng là để đội phòng cháy chữa cháy có đường di chuyển khi chữa cháy, có thể cho cả xe chữa cháy đi vào. Loại băng thứ hai là băng xanh, trồng những loại cây không bị cháy, những loại cây lá và thân mọng nước.

Tình trạng trồng rừng để bán dăm gỗ vẫn rất phổ biến, trong khi rừng cây gỗ lớn phục vụ cho chế biến đồ gỗ vẫn ít. Nguyên nhân vì đâu, thưa ông?

Trồng rừng lấy gỗ phục vụ chế biến đồ gỗ xuất khẩu là nguyện vọng của nhiều người, cũng là chủ trương của Nhà nước, Bộ NN&PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp. Cây gỗ thu hoạch phải có kích cỡ đủ lớn, từ 25cm trở lên, tốt nhất đường kính 40 – 80cm thì mới xẻ ra để đóng bàn, ghế. Nhưng người trồng rừng phải đợi 7-10 năm, thời gian đó phải làm việc khác để kiếm sống và chờ cây lớn lên. Nếu bảo họ đợi 50 – 70 năm sau mới khai thác, thì suốt 70 năm đó họ lấy gì để tạo thu nhập? Trên thế giới, nghề trồng rừng chỉ phù hợp với người giàu, trồng rừng bỏ đấy, đến nửa thế kỷ mới khai thác. Nhưng ở Việt Nam, nông dân nghèo quá, đã nghèo lại sống nhờ rừng.

Vì vậy, họ trồng cây gì càng nhanh cho thu hoạch càng tốt. Nhà nước có chính sách hỗ trợ dân vay vốn trồng rừng. Nhưng ngân hàng chỉ chấp nhận lãi suất thấp trong 5 năm đầu, mức 5%. Từ năm thứ sáu trở đi, người vay trồng rừng phải trả lãi suất theo thị trường. Nếu trồng rừng đến 10 năm, thì riêng phải trả lãi vay đã tăng gấp 3 rồi. Người dân tính toán cách nào có lợi thì mới làm.

Cần xiết lại công tác giao khoán và khai thác rừng trồng. Ảnh: T.L

Thứ hai, không phải đất nào cũng trồng rừng cây gỗ lớn được. Trước đây đất rừng tự nhiên khi mới bị chặt phá, hàm lượng mùn nhiều, độ ẩm tốt thì trồng gỗ lớn rất khả thi. Nhưng những khu rừng trở thành đất trống đồi núi trọc đã trên 20 năm, mất hết mùn, mưa gây xói mòn, trơ lại toàn sỏi, chỉ trồng được một số loại cây như bạch đàn, keo dậu… Vì vậy, Nhà nước cần quy hoạch, nghiên cứu từng loại đất, chỗ nào đủ điều kiện thì mới nên kêu gọi trồng cây gỗ lớn. Trồng rừng gỗ lớn lên giao cho các doanh nghiệp lớn có tiềm lực vốn đầu tư, hoặc phải có chính sách đặc biệt, cho người trồng vay vốn 30-50 năm lãi suất thấp.

GS nhận định thế nào về công tác nghiên cứu, quản lý giống cây lâm nghiệp?

Công tác nghiên cứu quản lý giống cây lâm nghiệp ở nước ta còn kém. Trong khi các nước trên thế giới họ chú trọng khâu giống cây lâm nghiệp từ lâu. Nếu có giống tốt, thì nên nhân giống bằng vô tính sẽ cho di truyền lại đời sau những cây có chất lượng tốt, phát triển đồng đều, năng suất gỗ cao. Mặc dù các nhà khoa học lâm nghiệp nước ta đã chọn tạo nhiều giống cây lâm nghiệp có chất lượng, nhưng ít được phổ biến vào sản xuất. Hoạt động, nhân và kinh doanh giống cây lâm nghiệp chủ yếu người dân tự phát làm.

Họ gom đủ loại hạt, có cả hạt từ những cây già cỗi, cây còi cọc, cây cong queo… rồi đem gieo làm cây giống. Nông dân tâm lý tiếc tiền, cứ chỗ nào bán cây giống giá rẻ thì mua. Do giống chất lượng kém, trồng rừng chỉ một năm sẽ phân ly ra mấy lớp chiều cao, cây to lẫn cây bé, khiến năng suất rừng trồng rất thấp, thu nhập từ nghề trồng rừng không đảm bảo.

Chu Khôi (thực hiện)