Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tạo đột phá từ những mô hình mới, cách làm hay

Lương Thủy - 07:16 08/02/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Trong năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid – 19 nhưng Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ nông dân hiệu quả. Đặc biệt là tạo ra bước đột phá trong công tác Hội và phong trào nông dân từ việc xây dựng những mô hình mới, cách làm hay và hiệu quả.
Cán bộ Hội ND tỉnh thăm mô hình trồng bí xanh thơm ở huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn).

Làm tốt công tác tuyên truyền, hỗ trợ nông dân

Theo ông Lưu Văn Quảng - Chủ tịch Hội Nông dân (ND) tỉnh Bắc Kạn, năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc triển khai các hoạt động công tác Hội và các phong trào ND gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm, Hội ND tỉnh đã bám sát sự chỉ đạo của T.Ư Hội, Tỉnh ủy, kịp thời triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng đến các cấp Hội thực hiện, đồng thời thường xuyên đôn đốc, rà soát các nhiệm vụ đã triển khai theo kế hoạch; phân công cán bộ phụ trách địa bàn xuống cơ sở nắm tình hình để kịp thời hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho hội viên ND. 

Trước tình hình dịch bệnh Covid - 19 diễn biến phức tạp, Hội ND tỉnh đã chỉ đạo Hội ND các cấp bám sát và thực hiện nghiêm các văn bản của chính quyền và ngành Y tế. Hội đã thực hiện hội nghị trực tuyến từ cấp tỉnh đến cơ sở. Đối với các hoạt động thực hiện trực tiếp tại cơ sở, Hội ND các cấp đã thực hiện chia nhỏ số lượng người triệu tập, chia nhỏ các lớp tập huấn, hội nghị. Phối hợp tuyền truyền, vận động đến 100% hội viên, ND thực hiện tốt các văn bản hướng dẫn về phòng chống chống dịch, tích cực đóng góp xây dựng quỹ phòng, chống Covid-19, tích cực tham gia ủng hộ hàng hóa, nông sản hỗ trợ phòng chống dịch Covid -19 cho nhân dân TP. Hồ Chí Minh trị giá hơn 1 tỷ đồng gồm các sản phẩm nông sản như miến dong, bún khô, phở khô, bí xanh, bí thơm, bí đỏ...

Song song với công tác phòng chống dịch bệnh, trong năm 2021, Hội ND tỉnh đã ban hành 23 văn bản, kế koạch, hướng dẫn chỉ đạo các cấp Hội triển khai thực hiện. Kết quả thực hiện Phong trào ND thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững năm 2021 có 10.471 hộ đăng ký đạt 112,68% kế hoạch (trong đó đăng ký đạt cấp tỉnh 316 hộ, cấp huyện 1.864 hộ, cấp cơ sở 8.291 hộ), có 5.427 hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi các cấp (đạt 102,4%). 

Từ Phong trào này đã có nhiều gương điển hình trong SXKD giỏi như bà Nguyễn Thị Hồng Minh (xã Nông Thượng, TP. Bắc Kạn) với mô hình vườn - ao - chuồng - rừng, tổng thu nhập đạt hơn 1,5 tỷ đồng/năm; ông Quản Trọng Quỳnh (xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn) với mô hình trồng cây lâm nghiệp, thu lãi 1,5 tỷ đồng/năm… Qua phong trào đã dần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa như chè Như Cố (huyện Chợ Mới); Cam, quýt (huyện Bạch Thông); Hồng không hạt (huyện Chợ Đồn), chăn nuôi vỗ béo trâu bò (huyện Pác Nặm); Trồng bí xanh thơm (huyện Ba Bể); Sản xuất miến dong (huyện Na Rì);...

Bên cạnh đó, các cấp Hội tích cực vận động hội viên, ND tham gia xây dựng NTM ở địa phương; phối hợp với cơ quan chuyên môn thực hiện các dự án, mô hình, thành lập các THT, HTX phát triển kinh tế hiệu quả như: THT trồng chè hoa vàng tại xã Đồng Phúc (huyện Ba Bể); trồng mít Thái siêu sớm, mô hình trồng mướp đắng rừng (TP. Bắc Kạn)…

Mô hình canh tác lúa nếp tài hữu cơ tại HTX Yến Dương, huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) .

Xây dựng nhiều mô hiệu quả

Được sự hỗ trợ của UBND tỉnh và các đơn vị liên quan, nhằm giúp các hộ ND sản xuất nhỏ nâng cao giá trị nông sản thông qua các THT, HTX, năm 2021, Hội ND tỉnh đã thành lập Ban Điều phối Hệ thống đảm bảo cùng tham gia (PGS) Bắc Kạn với 23 thành viên. Hội ND tỉnh là cơ quan thường trực Ban Điều phối, có chức năng, nhiệm vụ hướng dẫn các hộ ND sản xuất theo quy trình hữu cơ, đảm bảo các sản phẩm theo đúng tiêu chuẩn PGS. Vận hành hệ thống PGS minh bạch và phát triển hệ thống có sự tham gia của các bên liên quan một cách công khai, minh bạch. Đồng thời, ban hành giấy chứng nhận PGS cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Hội ND tỉnh đã tổ chức tập huấn cho hội viên ND về sản xuất hữu cơ, hướng dẫn ủ phân hữu cơ vi sinh, cách chế biến các chế phẩm sinh học, ghi nhật ký sản xuất, kế hoạch quản lý nông hộ, tuân thủ nghiêm các nội dung trong quy trình sản xuất hữu cơ; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy trình của các hộ. Kết quả, các hộ tham gia mô hình đều nắm vững những kiến thức cơ bản trong sản xuất hữu cơ, cây trồng phát triển tốt, bước đầu đạt hiệu quả. Hiện Ban Điều phối PGS Bắc Kạn đã cấp chứng nhận sản phẩm hữu cơ đối với những sản phẩm trên. Trong thời gian tới, Hội ND tỉnh tiếp tục hướng dẫn HTX Tài Hoan (xã Côn Minh, huyện Na Rì) và HTX Yến Dương (xã Yến Dương, huyện Ba Bể).

Đánh giá về hiệu quả của mô hình này, ông Lưu Văn Quảng cho rằng, mô hình đã góp phần nâng cao giá trị, chất lượng hàng hoá nông sản, tăng thu nhập cho người dân khoảng 10 - 15% so với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Đồng thời, góp phần lưu giữ, phát triển giống cây trồng địa phương đã gắn bó lâu đời với đồng bào vùng cao; giúp nâng cao thu nhập, tạo công ăn việc làm cho hội viên ND.
Không chỉ có vậy, để hỗ trợ người dân nâng cao năng lực và hiệu quả SXKD nông lâm nghiệp, Hội ND đã đề xuất, kiến nghị với UBND tỉnh và Ban Điều phối dự án Hỗ trợ kinh doanh nông hộ (CSSP) tỉnh Bắc Kạn giao cho Hội ND được tham gia Tiểu hợp phần Quỹ tài trợ cạnh tranh cho các THT. Dự án CSSP được thực hiện tại 33 xã thuộc 4 huyện (Ba Bể, Na Rì, Pác Nặm, Ngân Sơn), thời gian thực hiện 2017 - 2023 với tổng số tiền thực hiện các tiểu dự án là 20,572 tỷ đồng. Sau khi tiếp nhận bàn giao, Hội ND tỉnh đã chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị thực hiện.

“Để thực hiện tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu do T.Ư Hội NDVN và Tỉnh ủy giao, trong năm 2022, Hội ND các cấp vẫn tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền hội viên nông dân tham gia phòng chống dịch Covid - 19,  chuẩn bị cho Đại hội Hội ND vào năm 2023 và tổ chức Hội thi Nhà nông đua tài. Đồng thời, tổ chức các hoạt động nhằm thu hút các nguồn lực hỗ trợ ND về vốn, phân bón, tập huấn kỹ thuật. Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ HTND; đẩy mạnh phát triển nguồn vốn Quỹ các cấp và nguồn ngoài ngân sách. Tổ chức, phối hợp đào tạo nghề cho ND theo hướng tăng cường thực hành, gắn với mô hình thực tế, học trực tuyến qua mạng Internet theo nhu cầu của hội viên, ND; gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho ND sau học nghề tại các doanh nghiệp và lao động ở nước ngoài.... Đặc biệt, Hội sẽ đẩy mạnh việc xây dựng các chi, tổ hội nghề nghiệp gắn với mô hình kinh tế tập thể (THT, HTX), xây dựng các chuỗi sản xuất, mô hình canh tác hữu cơ, các sản phẩm OCOP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm...” - ông Lưu Văn Quảng nhấn mạnh.       

“Để xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, Hội ND Bắc Cạn đã chỉ đạo các các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò, lợi ích của sản xuất theo quy trình hữu cơ, góp phần bảo vệ sức khoẻ, môi trường và nâng cao giá trị nông sản. Hội đã khảo sát, lựa chọn các loại cây bản địa, có tiềm năng, thế mạnh của địa phương như mô hình sản xuất hữu cơ tại 3 THT, HTX với 3 loại sản phẩm gồm: 2ha bí thơm, 6,9ha lúa Nếp Tài, 19,01ha dong riềng tại xã Yến Dương (huyện Ba Bể) và xã Côn Minh (huyện Na Rì)…”. 
Theo ông Lưu Văn Quảng.