Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thu nhập tăng nhờ trồng chè theo hướng hữu cơ, an toàn

Hạnh Nguyễn - 07:15 07/11/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi) Để sản phẩm chè Thái có mặt trên thị trường 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và một số nước trên thế giới, tỉnh Thái Nguyên cũng xác định chè chính là cây trồng chủ lực và hướng nông dân chuyển dần sang sản xuất chè theo hướng hữu cơ, an toàn để sản phẩm phát triển ổn định, giúp họ có nguồn thu nhập cao hơn.
Thái Nguyên tập trung phát triển kinh tế bền vững, trên cơ sở phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái, tham quan ngắm cảnh vùng đồi trồng chè.

Quy hoạch để tăng quy mô trồng chè sạch

Nhận thấy những lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, Thái Nguyên đã sớm quy hoạch vùng trồng chè và xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ phù hợp để đưa cây chè thành mũi nhọn kinh tế nông nghiệp, tạo nguồn thu nhập cao và bền vững cho người dân. Tiếp đó, tỉnh khuyến khích các vùng sản xuất chè tăng cường đầu tư các khâu giống, liên kết sản xuất, kỹ thuật chế biến, xúc tiến thương mại... Chính vì vậy, chè Thái Nguyên sản lượng cao, giá tiêu thụ trong nước luôn cao hơn các vùng chè khác và luôn có chỗ đứng vững chắc.

Tuy nhiên, bất cập của ngành chè Thái Nguyên thời điểm trước năm 2020 là diện tích chè theo tiêu chuẩn VietGAP, chè hữu cơ rất ít. Trong bối cảnh xác định sản xuất nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu, năm 2020, tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt phương án sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, theo đó tổ chức triển khai thực hiện mô hình sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 11041-2: 2017 với quy mô 60ha tại các vùng trọng điểm chè của tỉnh (TP.Thái Nguyên: 5ha, huyện Đồng Hỷ: 20ha, huyện Phú Lương: 20ha, huyện Đại Từ: 15ha) trong thời gian 3 năm, từ năm 2020 đến 2022.

Tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025, diện tích chè đạt 23.000ha, 80% diện tích chè sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ. Đến năm 2030, diện tích chè đạt 24.000ha, 100% diện tích chè sản xuất tập trung được áp dụng theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ. 100% các sản phẩm chè do các doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã với nông hộ sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, có thương hiệu riêng.

Việc triển khai trồng chè an toàn, chè hữu cơ ở tỉnh Thái Nguyên nhằm giúp người dân có một phương thức sản xuất nông nghiệp mới thân thiện với tự nhiên và môi trường. Đồng thời, người dân tham gia sản xuất hữu cơ góp phần bảo vệ sức khỏe của chính họ và người tiêu dùng, nâng cao giá trị kinh tế cho người dân. Đặc biệt là góp phần phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới bền vững, nâng cao thu nhập và hướng tới một nền nông nghiệp sạch.

Theo ông Hà Trọng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên: Quá trình triển khai thực hiện mô hình sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 11041-2: 2017 tại 6 hợp tác xã, tổ hợp tác sau hơn 2 năm triển khai thực hiện mô hình (từ tháng 4/2020 - 7/2022), đến thời điểm hiện tại, nhìn chung các hợp tác xã, tổ hợp tác đã đang vận hành hoạt động quản lý sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ ổn định. Tiêu biểu có thể kể đến: Hợp tác xã chè Hảo Đạt; Hợp tác xã chè La Bằng, Hợp tác xã chè an toàn Khe Cốc; Hợp tác xã chè Tuyết Hương;...

Cây chè sản xuất theo hướng hữu cơ đang trở thành cây trồng chủ lực, tạo việc làm và thu nhập ổn định, góp phần giảm nghèo, làm giàu cho người dân Thái Nguyên.

HTX hoạt động ổn định nhờ có hướng đi đúng

Với mục tiêu hàng đầu là “sản phẩm sạch, an toàn”, nhiều các hợp tác xã, tổ hợp tác đã sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, nói không với thuốc diệt cỏ và thuốc kích thích tăng trưởng. Việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ bảo vệ sức khỏe người trồng chè, sản xuất, chế biến và tiêu dùng cũng như môi trường sống; đồng thời nâng cao thu nhập, hướng tới một nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững.

Ông Tô Văn Khiêm, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Chè an toàn Khe Cốc, (xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) cho biết: Hiện nay, Hợp tác xã Chè an toàn Khe Cốc đã xây dựng được vùng nguyên liệu khoảng 60ha, trong đó có gần 20ha sản xuất theo hướng hữu cơ, còn lại sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Những năm qua, nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất và chế biến an toàn nên giá trị sản phẩm chè của Hợp tác xã được nâng lên, thị trường tiêu thụ sản phẩm chè ngày mở rộng không chỉ trong tỉnh mà vươn ra các tỉnh bạn và nước ngoài, lợi nhuận bình quân đạt tới 80-100 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so với sản xuất chè thông thường khoảng 20%.

“Nhờ có hướng đi đúng mà HTX hoạt động ổn định, giải quyết việc làm thường xuyên cho thành viên và người lao động, mang lại thu nhập ổn định, cải thiện đời sống cho lao động địa phương; từng bước góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới tại huyện Phú Lương. Trong thời gian tới, Hợp tác xã sẽ mở rộng diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu chè của Hợp tác xã Chè an toàn Khe Cốc” ông Tô Văn Khiêm chia sẻ.

Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX Chè Hảo Đạt (xã Tân Cương, TP Thái Nguyên) cũng cho biết: HTX có 40 thành viên, với hơn 6ha trồng chè và các hộ liên kết là 35ha theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, HTX còn đầu tư hệ thống nhà xưởng với diện tích trên 1.000m2, dây chuyền sản xuất khép kín, được tự động hóa 70%; công suất từ 4,0 - 4,5 tấn chè búp tươi/ngày. Bình quân mỗi năm, HTX chế biến được 1.500 tấn chè búp tươi, cung cấp ra thị trường từ 250 - 300 tấn chè búp khô an toàn, chất lượng cao. Nhờ vậy mà sản phẩm của HTX không chỉ cung cấp cho thị trường các loại chè đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, 5 sao, xuất khẩu sang các thị trường “khó tính” như Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)…

Không chỉ sản xuất chè, từ năm 2021, HTX Chè Hảo Đạt còn kết hợp phát triển mô hình du lịch sinh thái đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình này đã mang tới cho du khách nhiều lựa chọn thú vị, như: Trải nghiệm không gian thanh bình của vùng chè đặc sản Tân Cương; tìm hiểu về lịch sử, nguồn gốc cây chè; tham quan quy trình trồng và chăm sóc chè; tham quan đồi chè và trải nghiệm cuộc sống nhà nông,… 

Song song với việc hướng người dân sang sản xuất chè an toàn, các cấp, ngành của tỉnh Thái Nguyên cũng có nhiều biện pháp tích cực để xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chè VietGAP, hữu cơ. Từ đó, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và thu nhập của người sản xuất tăng từ 10% trở lên. Đồng thời, nhân rộng sản xuất hữu cơ giúp người dân có một phương thức sản xuất nông nghiệp mới thân thiện với tự nhiên và môi trường, góp phần bảo vệ sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng.