Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thừa Thiên Huế: Hướng nông dân vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Đỗ Lan - 07:09 19/03/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Chủ trương phát triển nông nghiệp “sạch” phục vụ du lịch hay gắn nông nghiệp với phát triển du lịch được các cấp chính quyền trong tỉnh Thừa Thiên Huế quán triệt, được doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng quan tâm. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Thừa thiên Huế vừa là xu hướng, vừa là giải pháp bảo đảm an toàn chất lượng nông sản cũng như an toàn thực phẩm.
Mô hình trồng rau hữu cơ theo chuỗi của gia đình ông Nguyễn Tân, thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đầu tư ngân sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ 

Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XVI đề ra phương hướng phát triển nông nghiệp toàn diện gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông sản; ưu tiên phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết chuỗi giá trị, gắn với thị trường tiêu thụ, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trước chủ trương của Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu các chính sách như Nghị quyết 20/2020/NQ-HĐND, Nghị quyết 30/2021/NQ-HĐND dành ngân sách hỗ trợ từ 15-20 tỷ đồng/năm giúp phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Với những chính sách quan tâm hỗ trợ của tỉnh đã tạo điều kiện cho các mô hình sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn ngày càng phát triển góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân và gắn với bảo vệ môi trường.

Ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm và thủy sản Thừa Thiên Huế chia sẻ, hiện nay, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế đã định hình và từng bước đi vào ổn định đối với một số cây trồng chủ lực chính như lúa, rau màu các loại, cây ăn quả…

Theo ông Khoa, từ năm 2016, cơ hội mở ra đối với sản xuất nông nghiệp hữu cơ  Thừa Thiên Huế là khi Tập đoàn Quế Lâm, một công ty hàng đầu trong sản xuất phân bón hữu cơ đầu tư nhiều dự án trong lĩnh vực hữu cơ tại tỉnh như chăn nuôi lợn an toàn sinh học, trồng lúa hữu cơ… Với những hoạt động mà Tập đoàn Quế Lâm đã thực hiện, đó chính là chất xúc tác, góp phần lan tỏa nông nghiệp hữu cơ tại Thừa Thiên Huế, đã có nhiều mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ quy mô nông hộ, quy mô hợp tác xã. Từ những tín hiệu tích cực, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ký kết Biên bản hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm, dự án được thực hiện tại 9 huyện, thị xã, thành phố Huế.

Mặt khác, với sự hỗ trợ từ Dự án Thích ứng và chống chịu với Biến đổi khí hậu VIE/433 của Chính phủ Luxembourg (2019) đã hình thành nên các tổ, nhóm nông dân PGS sản xuất rau hữu cơ liên kết nông hộ tại các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền.

Cụ thể, sản phẩm rau má hữu cơ Quảng Thọ, rau hữu cơ Quảng Thành, gà Quảng Phước; lúa hữu cơ Phú Mỹ, rau hữu cơ Mỹ Lợi, dầu lạc Mỹ Á, lúa hữu cơ Lộc An với 14 nhóm/130 hộ tham gia; góp phần thay đổi nhận thức của người dân về phương pháp canh tác từ vô cơ sang hữu cơ.

Đến nay, diện tích canh tác hữu cơ và theo hướng hữu cơ trên toàn tỉnh có 500ha. Trong đó, có 330ha lúa và rau; chăn nuôi hữu cơ gia súc (heo) 3.000con/năm và gia cầm 1.000 con/năm; 21 nhà lưới với tổng diện tích hơn 52.700m2. Có 2 Chứng nhận hữu cơ do NHONHO, FAO cấp cho Tập đoàn Quế Lâm (20ha) và HTX An Lỗ (21ha).

Lấy phong trào nông dân SXKDG để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Hội Nông dân Thừa Thiên Huế đã phối hợp với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh từng bước hỗ trợ, phối hợp với Hội Nông nghiệp hữu cơ tỉnh trong việc lan toả phong trào sản xuất nông nghiệp hữu cơ và đạt chuẩn nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn. Hội đã tập hợp các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, tổ nhóm, hợp tác xã để liên kết tạo ra lượng hàng hoá lớn, chất lượng đồng đều, liên kết doanh nghiệp tiêu thụ.

Năm 2022, đã có gần 300 nghìn lượt hộ đăng ký thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, Hội Nông dân tỉnh đã chọn được gần 180 nghìn hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi này đã và đang tạo ra nhiều mô hình sản xuất đa dạng, ngày càng có nhiều chuỗi sản phẩm nông sản có giá trị cao được hình thành và nhân rộng, tạo sức lan toả mạnh ở địa bàn nông thôn. 

Bước đầu đã có nhiều nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cùng với hợp tác xã ký kết các chương trình hợp tác sản xuất, tiêu thụ nông sản theo quy trình hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm.

Tuy nhiên, tỉnh Thừa Thiên Huế đang vấp phải là tìm cách Chứng nhận sản phẩm hữu cơ. Ông Nguyễn Chí Quang, Chủ tịch Hội Nông dân Thừa Thiên Huế cho rằng, hiện nay để có Chứng nhận sản phẩm hữu cơ giúp người tiêu dùng nhận dạng, tìm kiếm sản phẩm hữu cơ phù hợp với nhu cầu thực phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn cho cá nhân và gia đình có 2 phương thức:

Một là, thuê các Tổ chức chứng nhận bên thứ 3 trong và ngoài nước đánh giá, chứng nhận với chi phí rất cao. Qua khảo sát, cần 10 triệu đồng/ha chi phí chứng nhận đối với các Tổ chức chứng nhận trong nước theo TCVN:11041- 2017.

Vấn đề này là bất khả thi đối với các mô hình hữu cơ quy mô nông hộ, tổ, nhóm vốn yếu thế; chỉ phù hợp với các Tập đoàn lớn cũng như doanh nghiệp quy mô sản xuất lớn, hướng đến thị trường xuất khẩu.

Hai là, Chứng nhận hữu cơ theo Hệ thống cùng tham gia đảm bảo chất lượng (PGS) là một cơ chế đảm bảo chất lượng với chi phí thấp, giúp bảo đảm chất lượng nông sản và có thể khôi phục lòng tin của người tiêu dùng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã thành lập ra liên nhóm PGS tại 3 huyện Phú Lộc, Quảng Điền và Phú Vang từ Dự án VIE433. Tuy nhiên, những sản phẩm hữu cơ trên được bán theo giá nông sản thông thường do sản phẩm chưa được Chứng nhận sản phẩm hữu cơ.

“Một số doanh nghiệp kinh doanh yêu cầu có Chứng nhận sản phẩm hữu cơ để tiêu thụ trên thị trường có hiệu quả hơn. Thách thức đặt ra là thành lập Ban điều phối PGS cấp tỉnh để tập hợp các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ hợp tác và nông hộ ở địa phương có tâm huyết tham gia vào phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh và chứng nhận sản phẩm hữu cơ. 

“Xác định phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) vừa là xu hướng, vừa là giải pháp để phát triển, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với thế mạnh về du lịch, dịch vụ, cùng với những giải pháp trên, cần sự tiếp tục vào cuộc của Hội Nông dân tỉnh, ngành NN&PTNT trong hỗ trợ, phối hợp với Hội Nông nghiệp hữu cơ tỉnh để lan tỏa phong trào sản xuất NNHC và đạt chuẩn NNHC trên địa bàn tỉnh bền vững; tập hợp các hộ dân sản xuất kinh doanh giỏi, tổ, nhóm, HTX để liên kết sản xuất, liên kết doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông sản hữu cơ”.
Ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm và thủy sản Thừa Thiên Huế.