Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thúc đẩy chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ theo hướng bền vững

TS. Đoàn Nhân Đạo - 07:06 02/12/2021 GMT+7
Phát triển nền nông nghiệp hữu cơ đang là xu thế tất yếu trên thế giới và được nhiều quốc gia phát triển xây dựng thành công. Tuy nhiên, tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi sang nền nông nghiệp tiên tiến và bền vững này vẫn còn chậm chạp với nhiều khó khăn, trở ngại cần tập trung giải quyết.
Mô hình trồng rau tại xã Châu Pha, TX Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) hiện mang lại nguồn thu nhập ổn định từ 90-120 triệu đồng/năm cho người dân. Ảnh: Kim Hồng

Xu thế tất yếu và bền vững

Sau hơn 30 năm đổi mới, từ một nền nông nghiệp lạc hậu, phải nhập khẩu lương thực, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu lúa gạo đứng thứ 3 thế giới sau Ấn Độ, Thái Lan, hồ tiêu đứng thứ nhất thế giới cùng nhiều nông sản khác được xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, khách quan nhìn nhận, nền nông nghiệp Việt Nam nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế cả về quy hoạch, trình độ kỹ thuật cũng như chất lượng nông sản. Đặc biệt, hiện nay trong khi cả thế giới đang bước vào xu hướng phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, Việt Nam vẫn mới đang ở những giai đoạn ban đầu của xu hướng. Dẫu có muộn hơn song không có nghĩa là đi ngược lại xu thế của thế giới, Việt Nam đã và đang có nhiều chính sách chuyển đổi để xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ để bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sinh thái.

Sỡ dĩ, nông nghiệp hữu cơ được nhiều quốc gia chú trọng phát triển bởi đây là hệ thống đồng bộ hướng tới thực hiện các quá trình với kết quả bảo đảm hệ sinh thái bền vững. Nông nghiệp hữu cơ với đặc trưng là không sử dụng các hóa chất nông nghiệp tổng hợp và các chất sinh trưởng phi hữu cơ sẽ tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong hệ canh tác. Đồng thời, do chỉ được sử dụng các nguồn hiện có trong nông trại và các vật tư theo tiêu chuẩn của quy trình sản xuất, nông nghiệp hữu cơ sẽ cung cấp nguồn thực phẩm an toàn, dinh dưỡng tốt, nhân đạo với động vật và công bằng xã hội.

Bên cạnh đó, với lợi thế của phương thức canh tác làm việc theo chu trình tự nhiên, bảo toàn và làm phong phú hệ sinh thái nông nghiệp, nông nghiệp hữu cơ cũng sẽ giúp mang lại lợi ích không chỉ đối với sức khỏe của người sản xuất và tiêu dùng mà còn góp phần cải tạo, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững nền nông nghiệp.

Trên thực tế, ngày càng có nhiều quốc gia áp dụng và thành công với mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp giữa kinh nghiệm truyền thống và tiến bộ kỹ thuật cùng phương pháp quản lý hiện đại này. Qua đó, không chỉ giúp nâng cao chất lượng nông sản, tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường.

Còn đó những khó khăn

Phát triển nền nông nghiệp hữu cơ đem lại hiệu quả bền vững, tuy nhiên quá trình chuyển đổi này tại Việt Nam còn diễn ra tương đối chậm do còn nhiều khó khăn, thách thức về nhiều mặt cần tập trung giải quyết. Trong đó, trước hết phải kể đến là áp lực của tăng năng suất. Năng suất cây trồng vật nuôi của nông nghiệp hóa chất và nông nghiệp hóa chất có kiểm soát hiện đang chiếm ưu thế rất lớn về số lượng cũng như mẫu mã so với nền nông nghiệp hữu cơ truyền thống. Điều này khiến phần lớn người nông dân vẫn lựa chọn phương thức canh tác theo nông nghiệp hóa chất và nông nghiệp hóa chất có kiểm soát. 

Việc sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp hiện cũng từ đó đã trở thành thói quen khó từ bỏ của người dân ở các vùng nông thôn. Đa số người nông dân đang dần mất đi thói quen sử dụng các loại phân bón hữu cơ có nguồn gốc động, thực vật và thay thế bằng việc sử dụng phân vô cơ được tổng hợp từ các loại hóa chất hoặc khoáng chất phân rã với ưu điểm nhanh, tiện lợi. Tuy nhiên, việc lạm dụng hoặc sử dụng không đúng cách các loại thuốc, phân hóa học đã và đang gây lãng phí, gây tác động xấu tới đất đai và khiến bà con nông dân phải đối mặt với những nguy cơ về mất an toàn sức khỏe trong lao động. 

Với đặc thù đòi hỏi một quy trình sản xuất hết sức khắt khe về các đầu vào, thậm chí là ngay cả nguồn đất “sạch”, nông nghiệp hữu cơ cần nhiều vốn để cải tạo đất, sản xuất phân bón hữu cơ, phân vi sinh và xử lý nguồn nước… Do đó, chi phí đầu tư ban đầu thường cao hơn bình thường khoảng 3 - 4 lần đang thực sự tạo ra trở ngại lớn nữa đối với các mô hình chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ. Trong khi đó, ở giai đoạn đầu, khi chuyển sang sản xuất hữu cơ chưa mang lại lợi ích kinh tế ngay do phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học có tác dụng chậm. Môi trường cần thời gian để thiết lập lại cân bằng sinh thái, thời gian này có thể kéo dài tùy theo mức độ tổn thương.

Với một nền nông nghiệp quy mô nhỏ, lạc hậu, khả năng tài chính còn hạn chế, quá trình đầu tư phát triển một nền nông nghiệp hữu cơ ở nước ta đang gặp phải những trở ngại, khó khăn nhất định mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách đầu tư hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp sạch nói chung và phát triển nông nghiệp hữu cơ nói riêng. Thực tế này đang đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt để triển khai hiệu quả chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam.

Thu hoạch dưa lưới ở xã Trà Vong (Tân Biên, Tây Ninh). Ảnh: Nguyễn Huỳnh Ðông

“Lời giải” cho nông nghiệp hữu cơ Việt Nam

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 nhằm phục vụ Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia và phát huy tiềm năng thế mạnh về nông nghiệp hữu cơ của các vùng miền và địa phương. Đây được coi là một bước thúc đẩy sự phát triển của nền nông nghiệp hữu cơ với nhiều định hướng và chỉ tiêu cụ thể. Tuy nhiên, để triển khai có hiệu quả các chính sách này, cần có sự quyết tâm của các cấp, các ngành và sự tham gia đồng thuận của người dân trong thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng về nông nghiệp hữu cơ

Các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan thông tấn, báo chí thông qua các kênh truyền thông như báo chí, hội thảo, tuyên truyền miệng... để đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, doanh nghiệp đặc biệt người sản xuất thấy rằng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ là duy trì sự phát triển bền vững, tăng cường “sức khỏe” cho đất đai, cho vật nuôi, cây trồng và con người như một thể liên kết không tách rời, giữ gìn môi trường trong lành, giúp cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ cộng đồng.

Cùng với đó, tập trung phổ biến, hướng dẫn và thực thi các chính sách, pháp luật, các tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ để tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong sử dụng, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, người sản xuất và nhà quản lý về việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, giám sát, chứng nhận nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ. Hỗ trợ các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về nông nghiệp hữu cơ

Trước mắt, nhà nước cần tập trung phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung. Các địa phương căn cứ vào lợi thế về điều kiện sinh thái, sản phẩm có thế mạnh và thị trường tiêu thụ, xác định các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chủ lực, tiến hành xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, đánh giá đất đai, nguồn nước, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, định hướng phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung. Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp, các hợp tác xã và người dân có nhu cầu sản xuất hữu cơ đầu tư vào sản xuất. Xây dựng hệ thống phân phối theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ (kết hợp với du lịch, nông nghiệp sinh thái) theo đặc thù vùng miền, qua đó tổng kết bài học thành công để hoàn thiện các quy trình kỹ thuật và tập huấn, chuyển giao.

Cùng với đó, tăng cường quản lý đầu vào của sản xuất hữu cơ như: giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất bảo quản, chất phụ gia, nguồn nước sử dụng cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ; quản lý các quy trình canh tác cây trồng hữu cơ, quy trình chăm sóc vật nuôi và thủy sản hữu cơ. Các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện việc kiểm tra giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ và chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo quy định để đảm bảo chất lượng sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn đã được chứng nhận khi lưu thông trên thị trường. Đồng thời, thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm hữu cơ tại từng công đoạn sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

Thúc đẩy nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế

Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Xây dựng Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030. Ngoài ra, tiếp tục triển khai ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa công nghệ sinh học để tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, phục vụ tốt cho nhu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của những nông sản là thế mạnh của tỉnh và của các địa phương.

Xây dựng và nhân rộng mô hình điểm nông nghiệp hữu cơ

Để làm được điều này, Nhà nước cần khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân tham gia thành lập các tổ chức chứng nhận trong nước có uy tín và đầu tư xây dựng các mô hình nghiên cứu chuyển giao công nghệ sản xuất, chế biến các sản phẩm hữu cơ. Xây dựng mô hình khuyến nông về sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Hoàn thiện các quy trình kỹ thuật, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân. Xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ theo liên kết chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm hữu cơ và nhân rộng theo các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, muối. Xây dựng mô hình về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nông nghiệp hữu cơ.

Xây dựng và phát triển nền nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu và được nhiều quốc gia phát triển triển khai thành công. Với nhiều lợi ích thiết thực về sức khỏe và môi trường, nông nghiệp hữu cơ được chứng minh là hướng đi bền vững cho nền nông nghiệp hiện đại của cả thế giới. Do vậy, chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để thúc đẩy sự chuyển đổi sớm sẽ giúp nền nông nghiệp Việt Nam sớm bắt kịp xu thế này và mang lại những hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện, nâng cao chất lượng sống của người dân và bảo vệ môi trường sinh thái.