Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tiền Giang khuyến khích nông dân hợp tác chuyên canh dừa hữu cơ

Anh Minh - 11:21 27/07/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Nhằm phát huy tiềm năng và thế mạnh cây dừa trong nền nông nghiệp hàng hóa, tỉnh Tiền Giang khuyến khích nông dân thay đổi tập quán, ứng dụng rộng rãi khoa học - kỹ thuật nông nghiệp thâm canh đồng thời chuyển đổi sang trồng dừa hữu cơ nhằm nâng chất lượng và giá trị sản phẩm dừa trên thị trường.

 

Huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) vận động các hộ dân trồng dừa chuyển sang phương pháp trồng dừa hữu cơ cho thu nhập cao

 Chuyển giao kỹ thuật trồng dừa hữu cơ cho vùng chuyên canh Chợ Gạo

Nằm ở phía Đông của tỉnh Tiền Giang, huyện Chợ Gạo có tiềm năng lớn về phát triển các vùng chuyên canh dừa, tạo giá trị nông sản hàng hóa cao, giải quyết việc làm cho người lao động vừa góp phần xây dựng nông thôn mới thành công. Toàn huyện Chợ Gạo hiện có trên 7.800 ha dừa, trong đó, diện tích dừa đang cho trái trên 6.000 ha.

Để có nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện tích cực hưởng ứng tham gia chuyển đổi trồng dừa theo hướng hữu cơ, huyện tuyên truyền vận động nông dân, chọn hộ làm điểm mô hình tham gia sản xuất dừa hữu cơ. Bên cạnh đó, huyện đã tổ chức đoàn tham quan, học tập về trồng dừa hữu cơ tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. Thành phần tham gia gồm lãnh đạo UBND huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, lãnh đạo UBND xã trồng dừa hữu cơ, hợp tác xã, đại diện nông dân 04 xã Bình Ninh, Xuân Đông, Hòa Định, An Thạnh Thủy. Tại Bến Tre, Đoàn đã trực tiếp tham quan các hộ nông dân sản xuất dừa hữu cơ, hợp tác xã tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dừa, cơ sở làm gia công gáo dừa...

Đến nay, có 300 lượt nông dân vùng chuyên canh dừa đã được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chợ Gạo tổ chức hơn mười cuộc tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác dừa hữu cơ. Tại các lớp tập huấn nông dân được hướng dẫn về quy trình trồng dừa hữu cơ, sử dụng phân và thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục được phép, ghi chép nhật ký canh tác, không sử dụng các chất bị cấm và đảm bảo thời gian cách ly...

Ông Phạm Văn Nghệ, nông dân ấp Hòa Phú, xã Bình Ninh tham gia chương trình trồng dừa hữu cơ phấn khởi cho biết, gia đình ông có trên 2 ha dừa chuyên canh. Đăng ký tham gia chương trình, ông được tập huấn chuyển giao kỹ thuật canh tác dừa hữu cơ, hướng dẫn cách ghi nhật ký canh tác, được khuyến cáo không sử dụng hóa chất cấm nhằm bảo vệ sức khỏe và an toàn cho môi trường. Ông hy vọng vườn dừa của gia đình sẽ cho thu nhập cao.

Ông Phạm Thanh Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Bình Ninh chia sẻ, đóng vai trò tập hợp nông dân, kết nối với doanh nghiệp Công ty Cổ phần công nghiệp thực phẩm Thabico để giải quyết đầu ra cho trái dừa hữu cơ, Hợp tác xã đã thu hút 111 thành viên với 120 ha dừa chuyên canh. Đây là vùng nguyên liệu lớn, góp phần bảo đảm nguồn cung nông sản chất lượng cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thời gian tới.

Hiện, toàn xã đã có 24 hộ nông dân với 16 ha đăng ký trồng dừa hữu cơ được doanh nghiệp Công ty Cổ phần công nghiệp thực phẩm Thabico phê duyệt, đưa vào danh sách tham gia.

Trao đổi thêm về việc này, ông Lê Văn Mỹ, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Chợ Gạo cho biết, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Chợ Gạo đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/HU ngày 01/12/2021 về lãnh đạo phát triển vùng sản xuất chuyên canh dừa đến năm 2025 và các năm tiếp theo với định hướng lập quy hoạch phát triển dừa theo quy mô tập trung, hình thành vùng chuyên canh; chuyển giao khoa học - kỹ thuật nhằm tăng năng suất, sản lượng, chất lượng và thu nhập cho nông dân, thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, nâng cao chuỗi giá trị, thúc đẩy ngành dừa phát triển bền vững; chuyển đổi tư duy và tập quán canh tác truyền thống sang trồng dừa hữu cơ xuất khẩu; phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 4.000 ha dừa sản xuất hữu cơ. Việc chuyển giao kỹ thuật trồng dừa hữu cơ là một bước đi mới, mở ra hướng phát triển bền vững, giúp nông dân vùng chuyên canh nâng cao chuỗi giá trị cây dừa, nâng cao thu nhập cho kinh tế gia đình trong tương lai.

Thực hiện mục tiêu, ngay từ đầu năm 2022, huyện Chợ Gạo đã phối hợp cùng Công ty Cổ phần Công nghiệp thực phẩm Thabico có trụ sở tại xã Bình Ninh triển khai hướng dẫn nông dân quy trình trồng và chứng nhận dừa hữu cơ tại 03 xã trọng điểm: Hòa Định, Xuân Đông, Bình Ninh, trên diện tích 300 ha. Doanh nghiệp cũng liên kết với các hợp tác xã nông nghiệp trong khu vực bao tiêu sản phẩm dừa hữu cơ cho nông dân.

Công ty cổ phần công nghiệp thực phẩm Thabico có công suất chế biến 300.000 trái dừa/ngày đêm, sẵn sàng bao tiêu dừa hữu cơ cho nông dân.

Hướng đến thành lập các HTX chuyên trồng dừa

Vừa qua, tại huyện Chợ Gạo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Chợ Gạo tổ chức Hội nghị phát triển sản xuất, liên kết tiêu thụ dừa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Theo thống kê của Sở NNPTNT, tổng diện tích dừa của toàn tỉnh là 21.654ha, với diện tích cho trái là 18.116ha, năng suất đạt 13,5 tấn/ha, sản lượng 244.115 tấn/năm. Thu nhập từ cây dừa tương đối khá và ổn định nên diện tích có xu hướng tăng nhanh. Từ năm 2015 đến nay, diện tích dừa đã tăng 5.749ha, với tốc độ tăng trưởng diện tích trung bình 4,5%/năm. Theo thống kê, khi cây dừa vào giai đoạn cho thu hoạch ổn định, nhà vườn trồng dừa thu lợi nhuận trung bình khoảng 91,2 triệu đồng/ha/năm.

Tuy nhiên, tỉnh đang gặp một số khó khăn do có rất ít cơ sở sơ chế, chế biến, chưa có liên kết sản xuất; thương lái chủ yếu thu mua bán lại cho địa phương khác dẫn đến việc tiêu thụ phụ thuộc vào nguồn thu mua bên ngoài; giá cả không ổn định nên ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư chăm sóc của người trồng...

Tại hội nghị, các hợp tác xã (HTX) đã chia sẻ về tình hình sản xuất, khó khăn trong liên kết tiêu thụ dừa; các doanh nghiệp thông tin về nhu cầu và tiêu chuẩn để thu mua dừa. Lãnh đạo các sở, ngành và địa phương đã nêu lên các giải pháp để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ dừa bền vững.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Sở NNPTNT đã có kiến nghị với Ủy ban nhân dân tỉnh cho chủ trương để phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương xây dựng đề án phát triển cây dừa trên địa bàn tỉnh; hướng đến cần phải thành lập các HTX để người dân trồng dừa phải tham gia HTX và liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp; về phía các sở, ngành liên quan sẽ hỗ trợ các HTX, người dân trồng dừa xây dựng thương hiệu, liên kết tiêu thụ...