Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tiếp sức, đồng hành cùng hội viên thoát nghèo, vươn lên làm giàu

Nguyễn Tâm - 07:08 08/10/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) -Từ các nguồn vốn vay, hội viên nông dân trong tỉnh Hà Giang đã hăng hái thi đua lao động, sản xuất, đổi mới cách nghĩ, cách làm; mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, vươn lên làm giàu. Nhiều mô hình có quy mô sản xuất lớn cho thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm, thu hút hàng trăm lao động.

 Đa dạng nguồn vốn tiếp sức cho nông dân

Trong giai đoạn 2011 - 2022, toàn tỉnh Hà Giang có 4.041 lượt hộ được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân 2 cấp (tỉnh và huyện). Sau khi nguồn vốn được giải ngân, các hội viên đều đầu tư sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Nguồn vốn đã hỗ trợ xây dựng và nhân rộng được nhiều mô hình kinh tế giá trị cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả

Để tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên trong phát triển sản xuất, kinh doanh, Hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh quản lý 25 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) với trên 45,395 tỷ đồng; quản lý và sử dụng hiệu quả trên 2 tỷ đồng Quỹ Hỗ trợ nông dân. Hàng năm Hội xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở hội và chỉ đạo cơ sở xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát các tổ TK&VV, các hộ sử dụng vốn vay. 

Từ các dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, các cấp Hội đã hướng dẫn, thành lập được 238 chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp; 141 tổ hợp tác và 8 hợp tác xã nông nghiệp. Thông qua các nguồn vốn cho vay góp phần thu hút thêm hội viên mới tham gia vào Hội, năm 2022 đã phát triển mới được 1.758 hội viên, nâng tổng số hội viên nông dân toàn tỉnh lên 115.245 hội viên. Cũng từ nguồn vốn vay, các hộ nông dân đã có điều kiện đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống. Nhiều hộ đã vươn lên khá, giàu, tạo việc làm cho nhiều lao động, hỗ trợ nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Hàng năm, các cấp Hội đã giúp đỡ được trên 8.000 lao động có việc làm làm tại chỗ; giúp đỡ vốn; giống cây, con giống và kinh nghiệm sản xuất cho hơn 9.000 lượt hộ nông dân; giúp hơn 5.000 hộ nông dân thoát được nghèo và vươn lên làm ăn khá giả. Năm 2022, toàn tỉnh có 12.926 hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Hội Nông dân huyện Bắc Quang hiện có tổng số 236 chi hội với hơn 11.300 hội viên, trong đó có trên 4.300 là hội viên nghèo. Vì vậy, nhiệm vụ hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm, tăng thu nhập, từng bước giảm nghèo luôn được các cấp Hội quan tâm. Các cấp Hội Nông dân trong huyện tập trung hỗ trợ nông dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật và thông tin, tiêu thụ nông sản; xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả và vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp và xây dựng, phát triển các mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp.

Đến nay, tổng dư nợ Hội Nông dân huyện quản lý từ dịch vụ ủy thác Ngân hàng CSXH trên 148 tỷ đồng với hơn 3.700 hộ vay. Bên cạnh đó, nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân hiện có là trên 12 tỷ đồng, với 226 hộ được vay. Nhờ được tiếp cận nguồn vốn và các hoạt động tương thân tương ái của Hội đã giúp nhiều gia đình hội viên thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Nhân rộng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả

Trong 5 năm qua, trên địa bàn huyện Đồng Văn có 6.890 hộ nông dân đăng ký hộ SXKD giỏi các cấp. Qua đánh giá bình xét, bình quân hàng năm có khoảng trên 1.000 hộ nông dân đạt danh hiệu hộ SXKD giỏi các cấp. Riêng trong năm 2022, đã bình xét được 18 hộ SXKD giỏi cấp tỉnh, 156 hộ SXKD giỏi cấp huyện, 846 hộ SXKD giỏi cấp xã. Điển hình như hộ ông Tráng Quáng Phủ, thôn Sán Trồ, xã Phố Là với mô hình chăn nuôi lợn vỗ béo có quy mô từ 10 - 15 con, tạo việc làm cho 3 hội viên với mức thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/tháng; bà Ly Thị Sùng, thôn Há Đề, xã Sính Lủng với mô hình chăn nuôi lợn thịt, nấu rượu, kinh doanh hàng hóa với mức thu nhập bình quân 120 triệu đồng/năm; ông Ly Chá Tú, thôn Há Hơ, xã Sà Phìn với mô hình trồng trọt, chăn nuôi tổng hợp, mức thu nhập bình quân 150 triệu đồng/năm; ông Vàng Dỉ Gai thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú với mô hình nhà nông làm du lịch gắn với dịch vụ nhà nghỉ Homestay, thu nhập bình quân 800 - 1 tỷ đồng/năm…

Hội viên, nông dân huyện Vị Xuyên hỗ trợ các hộ trên địa bàn cải tạo vườn tạp

Để phát triển nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, hàng năm, Hội Nông dân các huyện, thành phố đã tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền bổ sung nguồn vốn cho Quỹ. Năm 2022, ngân sách địa phương đã cấp bổ sung cho Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp tổng số tiền 3.800 triệu đồng. Trong đó cấp tỉnh 2 tỉ đồng; cấp huyện 1 tỷ 800 triệu đồng. Tính đến ngày 30/11/2022, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân 2 cấp đạt 27.083 triệu đồng. Trong đó, Quỹ cấp tỉnh là 21.131 triệu đồng; Quỹ cấp huyện là 5.952 triệu đồng. Hiện nay, nguồn vốn hỗ trợ nông dân ngày càng đa dạng, góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển.

 Được chứng kiến một buổi giải ngân vốn vay để thực hiện dự án “Chăm sóc cam vàng Hà Giang” cho nông dân huyện Quang Bình diễn ra mới đây tại xã Vĩ Thượng mới thấy được cách làm bài bản, chặt chẽ của Hội đã phát huy tối đa hiệu quả đồng vốn. Với tổng số vốn được giải ngân là 500 triệu đồng cho 7 hộ vay, mức phí đối với người vay là 0,7%/tháng (8,4%/năm), thời gian vay là 36 tháng, nguồn vốn này các hội viên tham gia vay vốn có điều kiện để đầu tư mở rộng quy mô, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thêm việc làm, giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế.

 Điều đáng ghi nhận là, tại buổi giải ngân, lãnh đạo Hội Nông dân huyện Quang Bình, Đảng ủy xã Vĩ Thượng nêu rõ mục đích, ý nghĩa của nguồn vốn, quán triệt các hộ tham gia vay vốn phải sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả kinh tế cao và duy trì sinh hoạt tổ nghề nghiệp để trao đổi kinh nghiệm về kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh cho cây cam để nâng cao thu nhập cho hộ gia đình. Thực hiện thanh toán vốn vay gốc và phí đúng kỳ hạn; tích cực hỗ trợ hội viên nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, nâng cao quy mô sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, tích cực tham gia xây dựng địa phương và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Đại diện các hộ được vay vốn cam kết sẽ sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả phí và gốc đầy đủ đúng hạn.

Ông Trần Xuân Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Giang cho biết: Để quản lý nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, Ban Thường vụ, Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đã sâu sát, cụ thể, tuân thủ các quy định của Điều lệ Quỹ và pháp luật của Nhà nước. Thực hiện tốt các khâu từ lựa chọn mô hình đầu tư, hộ vay, thẩm định dự án, giải ngân cho vay; Kết hợp tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án tại cơ sở; đặc biệt là phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm cho Hội cấp dưới và các cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ. Nhờ vậy, hầu hết các hộ hội viên vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, đảm bảo hiệu quả đồng vốn. Cùng với các kênh hỗ trợ khác, nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đã tiếp sức, đồng hành cùng hội viên vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua của Hội, góp sức làm chuyển biến bộ mặt nông nghiệp, nông thôn của địa phương.

"Thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, Hội Nông dân tỉnh Hà Giang sẽ hướng đến việc cho vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, gắn với bảo vệ môi trường; thành lập các HTX, tổ hợp tác để quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay", ông Trần Xuân Thủy - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Giang nhấn mạnh.