Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

“Tổ hỗ trợ nông vụ” vừa kết nối tiêu thụ vừa cung ứng nông sản cho vùng dịch

07:12 23/08/2021 GMT+7

Những ngày này, tỉnh Nghệ An đang căng mình chống dịch, các ca lây nhiễm cộng đồng  tăng. Trước tính cấp thiết trong phòng chống dịch, nông sản vào vụ còn chưa có thị trường đầu ra, Hội Nông dân huyện Nghi Lộc đã sáng tạo, nhanh chóng thành lập Tổ hỗ trợ nông vụ để cung ứng thực phẩm thiết yếu vùng dịch vừa tạo thị trường tiêu thụ nông sản cho hội viên, nông dân.

Hiện nay, toàn tỉnh Nghệ An đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid -19. Trong đó có 14 huyện, thành thị thực hiện Chỉ thị 16 gồm: Thành phố Vinh; 3 Thị xã: Cửa Lò, Hoàng Mai và Thái Hòa; 9 huyện: Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Yên Thành, Anh Sơn, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và Nghĩa Đàn; 7 huyện thực hiện Chỉ thị 15 gồm: Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tân Kỳ.

Người dân xã Nghi Thuận chuẩn bị rau, củ cho các đơn đặt hàng thông qua Tổ hỗ trợ nông vụ đến tay người tiêu dùng.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các ca nhiễm cộng đồng tăng, tỉnh Nghệ An đã có những biện pháp cứng để công tác phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao. Đối với những người không có việc cần thiết không được ra đường nên việc tiêu thụ nông sản đến thời gian thu hoạch bị hạn chế rất lớn. Những khu dân cư trong vùng bị phong tỏa không thể ra ngoài để mua thực phẩm. Cùng với đó, trên địa bàn thành phố Vinh nhiều chợ phải đóng cửa để phục vụ công tác phòng chống dịch do xuất hiện các ca lây nhiễm trong chợ, việc giao thương không thể thực hiện được. Trước tình hình cấp thiết đó, Hội Nông dân huyện Nghi Lộc đã thành lập tổ hỗ trợ nông vụ nhằm đưa sản phẩm của hội viên, nông dân sản xuất đã vào vụ đến với người tiêu dùng. Đồng thời, cung ứng thực phẩm kịp thời đến với bà con vùng dịch. Quá trình thực hiện có tính tổ chức cao, vừa tuân thủ công tác phòng chống dịch bệnh vừa đưa nông sản sạch, tươi sống đến tay người tiêu dùng. Tổ hỗ trợ nông vụ được thành lập với các thành viên trong Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện và 29 tổ cấp xã do Chủ tịch Hội Nông dân các xã làm tổ trưởng.

Dưa vàng Nghi Lộc được ưa chuộng trên thị trường nhưng do dịch bệnh nên khó khăn trong quá trình vận chuyển, để thành quả của người lao động đến tay người dùng Tổ hỗ trợ nông vụ Nghi Lộc đã kết nối và đưa sản phẩm vào các khu vực đang phải cách ly, phong tỏa.

Chị Lê Thị Tâm Bình – Tổ trưởng Tổ hỗ trợ nông vụ, Hội Nông dân huyện Nghi Lộc cho biết: “Các tổ có nhiệm vụ nắm bắt lịch nông vụ của bà con, hiện đang thu hoạch cái gì, giá cả ra sao, chất lượng thế nào. Sau đó, đăng tin lên các hội nhóm, để người dân cần thì đặt hàng. Đối với các vùng cách ly, tổ sẽ nhận hỗ trợ vận chuyển, giao nhận hàng giúp dân. Thay vì để nông sản hiếm đầu ra hay để dân tự lo được trong khi mọi hoạt động đều bị hạn chế thì Hội Nông dân sẽ đứng ra làm đầu mối và quy tụ một điểm để đảm bảo an toàn hơn trong thời điểm dịch bệnh còn bùng phát khắp nơi. Việc thành lập Tổ hỗ trợ nông vụ một mặt giúp bà con vận chuyển nông sản đến kỳ thu hoạch đến tay người tiêu dùng vừa tránh được vấn đề bí đầu ra, vừa giúp bà con có thêm thu nhập, tạo động lực cho mùa vụ sau. Đồng thời, tránh được nơi sản xuất dư thừa, nơi cách ly thì khan hiếm thực phẩm”.

Kết nối qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, zalo và đăng vào các nhóm là việc làm hiệu quả nhất hiện nay để kết nối thông tin đến với mọi người.

Để cung ứng thực phẩm đển với bà con vùng dịch thành phố Vinh một cách thuận tiện, Hội Nông dân Nghi Lộc đã kết nối với Hội Nông dân thành phố Vinh để lên kế hoạch, phương án đưa thực phẩm đến với bà con. Vì thế, những ngày này chị Đặng Thị Thanh Hoa, cán bộ Hội Nông dân thành phố Vinh rất bận rộn với việc liên hệ với các chủ hộ sản xuất thống nhất về giá cả, số lượng hàng hóa, chất lượng các nông sản; đăng thông tin về việc cung cấp nông sản của người dân thành phố lên các trang của Hội, nhóm, sau đó là nhận đơn hàng, liên hệ shipper để kết nối cung – cầu tiêu thụ nông sản cho hội viên mùa dịch Covid 19.

Chị Hoa cho biết: “Từ khi dịch xuất hiện trên địa bàn thành phố, việc kết nối cung – cầu về các loại nông sản giữa người dân các phường, xã đã được manh nha. Theo đó, Hội Nông dân các xã nắm tình hình sản xuất, cung ứng của các hộ hội viên, sau đó, Hội Nông dân thành phố đứng ra làm cầu nối nhu cầu của người dân thành phố và cung ứng gạo, trứng, thịt, rau, củ, quả cho người dân”.

Hàng được vận chuyển đến điểm đầu tuyến cách ly và đến với tay người tiêu dùng, việc vận chuyển luôn tuân thủ công tác phòng chống dịch 5K của Bộ Y tế

Các sản phẩm đã kết nối và bán chủ yếu là dưa lưới, dưa kim hoàng hậu trồng tại xã Nghi Trung, Nghi Trường, Nghi Thịnh, Nghi Thạch; Thanh long trồng tại xã nghi Long; Rau sạch tại xã Nghi Thuận, Nghi Long; Nước mắm, ruốc, tôm, cá tại xã Nghi Tiến, Nghi Yên, Nghi Thiết; Dầu lạc tại xã Nghi Long; Cà muối mắm tại xã Nghi Xuân… và rất nhiều sản phẩm nông sản khác do hội viên, nông dân trên địa bàn sản xuất.

Dầu lạc nguyên chất được sản xuất tại xã Nghi Long đảm bảo cho sức khỏe và an toàn, chất lượng.

Từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân Nghi Lộc đã đứng ra kết nối tiêu thụ nông sản cho người dân không chỉ trong huyện, trong tỉnh mà còn kết nối tiêu thụ cả những nông sản ngoại tỉnh như bơ Đắk Lắk, hành tím Sóc Trăng… Theo đó, từ tháng 3 đến nay đã tiêu thụ được 10 tấn hành tăm cho nông dân Nghi Kiều, Nghi Lâm; 10 tấn dưa lưới, 5 tấn dưa hấu, cà chua cho dân các xã Nghi Trường, Nghi Thịnh, Nghi Phong, Nghi Trung; 25 tấn quýt cho nông dân Nghĩa Đàn và Quỳ Hợp; 3 tấn hành tím Sóc Trăng và mận hậu Sơn La; 4 tấn bơ, sầu riêng cho nông dân Đắk Lắk.

                                                                                                                        Bùi Ánh