Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tổ hợp tác trồng lạc góp phần phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới

14:46 13/11/2019 GMT+7

Thực hiện Kế hoạch số 52- KH/HNDT ngày 12 tháng 8 năm 2019 của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bình Định về việc triển khai thực hiện dự án mô hình thâm canh cây lạc trên đất gò đồi vụ Thu Đông năm 2019. Được sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện Phù Mỹ, Ban Thường vụ Hội Nông dân xã Mỹ Châu tổ chức thực hiện Mô hình thâm canh cây lạc trên đất gò đồi vụ Thu Đông năm 2019 tại xã Mỹ Châu.

Ông Lê Đình Quang (lái máy) thành viên Tổ hợp tác mô hình thâm canh cây lạc trên đất gò đồi đang xới đất chuẩn bị gieo lạc.

Các khâu chuẩn bị triển khai dự án

Mỹ Châu là địa phương một xã miền núi cách trung tâm huyện Phù Mỹ về phía bắc 17 km, với diện tích tự nhiên 3.165,52ha, có 2.320 hộ, gồm 10.029 khẩu, được phân bổ thành 9 khu dân cư. Có 3 thôn đặc biệt khó khăn, Chương trình 135 của chính phủ; Có 242 hộ nghèo, tỷ lệ 10,5%; Có 223 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 9,7%. Tổng diện tích gieo trồng 2.063 ha. Trong đó, sản xuất cây lạc 538ha, năng suất bình quân 30 tạ/ha.

Có thể thấy, cây lạc hiện nay là một trong những cây trồng cạn quan trọng trong kế hoạch chuyển đổi cây trồng cạn trên chân đất lúa của tỉnh, phát triển cây lạc cần theo định hướng phát triển thâm canh, bền vững của ngành nông nghiệp: Vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, vừa bảo vệ tài nguyên đất (chú trọng vùng đất gò đồi) và đặc biệt là góp phần trong thực hiện đề án chuyển đổi cây trồng cạn và sản xuất bền vững gắn liên kết sản xuất và tiêu thụ. Tình hình sản xuất cây lạc trên địa bàn huyện Phù Mỹ nói chung và xã Mỹ Châu nói riêng ngày càng mở rộng diện tích, hiệu quả kinh tế cao so với một số cây trồng cạn khác trong cùng điều kiện. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề hình thành liên kết Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ lạc một cách bền vững hiện nay vẫn còn ít, chưa thật sự gắn kết, giá cả vẫn còn bấp bênh (được mùa thì mất giá), nông dân chưa an tâm sản xuất.

Trên cơ sở những thuận lợi, hạn chế, khó khăn trong việc phát triển cây lạc trong thời gian qua ở Bình Định và xã Mỹ Châu của huyện Phù Mỹ và dựa trên cơ sở tiềm năng đặc thù của đất đai thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp cho cây lạc sinh trưởng để phát triển vùng lạc hàng hóa tại địa phương, kinh nghiệm sản xuất của nông dân ở xã Mỹ Châu, Hội Nông dân tỉnh Bình Định đề xuất thực hiện dự án “Xây dựng mô hình thâm canh cây lạc trên đất gò đồi vụ Thu Đông nhằm thúc đẩy liên kết sản xuất và hỗ trợ thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã”.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân huyện về việc triển khai Mô hình thâm canh cây lạc trên đất gò đồi vụ Thu Đông năm 2019, Ban Thường vụ Hội Nông dân xã Mỹ Châu tiến hành tham mưu cho Đảng ủy, xin chủ trương về việc thành lập Tổ hợp tác thâm canh cây lạc trên đất gò đồi vụ Thu Đông năm 2019.

Ban Thường vụ Hội Nông dân xã Mỹ Châu phối hợp với cán bộ Địa chính – Nông nghiệp xã Mỹ Châu, lãnh đạo thôn Vạn An khảo sát diện tích đất gò sản xuất lạc hàng năm trên địa bàn thôn Vạn An. Kết quả khảo sát có 10ha với 30 hộ dân, 92 nhân khẩu đang sản xuất cây lạc trên diện tích 10ha này.

Ngày 21 tháng 8 năm 2019, Ban Thường vụ Hội Nông dân xã phối hợp với UBND xã, Mặt trận, các ban, ngành liên quan ở xã tổ chức cuộc họp để xem xét, đánh giá tình hình cụ thể, sau khi phân tích tình hình về điều kiện thuận lợi, khó khăn, cuộc họp đã nhất trí cao về việc chọn địa bàn thôn Vạn An, xã Mỹ Châu thành lập Tổ hợp tác sản xuất cây lạc trên đất gò đồi vụ Thu Đông năm 2019 và những năm tiếp theo.

Ban Thường vụ Hội Nông dân xã phối hợp với lãnh đạo thôn Vạn An tổ chức họp dân công khai xin ý kiến của bà con nông dân về việc chọn diện tích 10 ha đất gò ở thôn Vạn An để thực hiện Mô hình Tổ hợp tác thâm canh cây lạc trên đất gò đồi. Tại cuộc họp dân thôn Vạn An vào ngày 25 tháng 8 năm 2019, có 30 hộ dân tham gia, sau khi được nghe phổ biến tình hình thực hiện mô hình Tổ hợp tác thâm canh cây lạc thì bà con nông dân có mặt tại cuộc họp đều nhất trí 100% là tham gia mô hình Tổ hợp tác thâm canh cây lạc.

Đối thoại và tập huấn kỹ thuật với nông dân

Ban Thường vụ Hội Nông dân xã tham mưu cho UBND xã ra Quyết định số 387/QĐ-UBND ngày 26 tháng 8 năm 2019 về việc thành lập Ban vận động “Mô hình Tổ hợp tác thâm canh cây lạc trên đất gò đồi”. Thành phần Ban vận động gồm: Đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban; đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân xã làm phó ban; các thành viên, chủ tịch Mặt trận, trưởng các ban, ngành liên quan ở xã.

Nông dân tham gia Tổ hợp tác mô hình thâm canh cây lạc trên đất gò đồi, tham gia lớp tập huấn kỹ thuật thâm canh cây lạc trên đất gò đồi.

Tháng 8 năm 2019, Ban vận động tiến hành tổ chức họp 30 hộ nông dân có diện tích đất trong vùng sản xuất cây lạc theo mô hình, nội dụng cuộc họp tuyên truyền, vận động, phân tích những ưu điểm, những thuận lơi khi bà con nông dân tham gia Tổ hợp tác. Kết quả cả 30/30 hộ làm đơn xin tự nguyện tham gia vào Tổ hợp tác thâm canh cây lạc (tất cả các đơn đăng ký các hộ đã được gửi về Hội Nông dân tỉnh Bình Định).

Tháng 10 năm 2019, lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, lãnh đạo Hội Nông dân huyện về làm việc với Đảng ủy, UBND xã và đối thoại trực tiếp với 30 hộ nông dân có đơn đăng ký tự nguyện tham gia mô hình Tổ hợp tác thâm canh cây lạc trên đất gò đồi. Tại buổi đối thoại, lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, lãnh đạo Hội Nông dân huyện, lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Mỹ Châu đã trả lời tất cả các ý kiến mà các hộ nông dân tham gia mô hình còn băn khoăn chưa rõ. Đại diện Ban quản lý dự án đã công khai tất cả các chế độ được hỗ trợ khi bà con nông dân tham gia mô hình Tổ hợp tác. Sau khi được nghe giải thích của lãnh đạo các cấp, bà còn nông dân nhất trí 100% và quyết tâm cao tham gia mô hình Tổ hợp tác thâm canh cây lạc trên đất gò đồi.

Trong tháng 11 năm 2019 này, Ban quản lý Dự án thực hiện mô hình Tổ hợp tác phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định tổ chức tập huấn kỹ thuật thâm canh cây lạc trên đất gò đồi cho 30 hộ nông dân tham gia mô hình Tổ hợp tác thâm canh cây lạc trên đất gò đồi. Tại buổi tập huấn bà con nông dân đã được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và một số kinh nghiệm về thâm canh cây lạc trên đất gò đồi.
Chia sẻ khi là một trong những thành viên của tổ hợp tác, nông dân Lê Đình Quang cho biết: “tôi là một nông dân, chuyên sản xuất cây lạc, năm nào cũng vậy, vào thời điểm này cũng phải làm đất để chuẩn bị sản xuất cây lạc, tuy nhiên năm nay sản xuất cây lạc theo quy trình mô hình thâm canh đã được tập huấn và được hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh, bản thân tôi rất phấn khởi, tôi và bà con nông dân ở đây tin tưởng rằng mô hình này sẻ thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho bà con nông dân, góp phần giảm nghèo bền vững ở địa phương”.

Được sự quan tâm hỗ trợ tích cực của các cấp Hội, Đảng ủy, UBND xã Mỹ Châu và các ban, ngành liên quan, sự đoàn kết quyết tâm cao của bà con nông dân tham gia mô hình, đặc biệt là sự chuẩn bị tốt các bước của Ban quản lý dự án mô hình Tổ hợp tác thâm canh cây lạc trên đất gò đồi, nông dân xã Mỹ Châu tin tưởng rằng mô hình Tổ hợp tác thâm canh cây lạc trên đất gò đồi là mô hình tiêu biểu góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương. 

Qua việc triển khai Dự án giúp cho cán bộ Hội Nông dân các cấp và nông dân được tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật mới và đánh giá hiệu quả thực tế do Dự án mang lại; đồng thời cũng giúp họ có kiến thức và kỹ năng quản lý, trở thành lực lượng tư vấn ở địa phương và hướng dẫn nông dân khác thực hiện.

Ông Đặng Hoài Tân – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Định

Bài, ảnh: Cẩm Thúy