Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nông sản Việt vươn xa nhờ liên kết chuỗi giá trị

Đức Vượng - 07:33 20/10/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), 37% sản lượng nông sản Việt Nam hiện đã được sản xuất và tiêu thụ theo các hình thức liên kết chuỗi giá trị gắn với thị trường. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy những nỗ lực của ngành Nông nghiệp trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân, và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Nông sản Việt tăng cạnh tranh nhờ liên kết chuỗi

Cả nước hiện có hơn 2.510 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, với sự tham gia của các tập đoàn lớn như Dabaco, Ba Huân, Saigon Co.op... góp phần đảm bảo nguồn cung và chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, có 7.558 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu tại 56 tỉnh thành phố và 1.558 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu cho các loại quả tươi như thanh long, xoài, chuối,... Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản sang các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản,...

Ngành Nông nghiệp cũng đẩy mạnh chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản thông qua các đề án phát triển chế biến rau quả, thủy sản,... Nhờ đó, cả nước có trên 13.000 cơ sở chế biến nông sản, với trên 620 cơ sở giết mổ tập trung, trên 5.200 cơ sở thu gom, sơ chế, chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản (đa ngành).

Hiện nay, liên kết chuỗi giá trị nông sản ở Việt Nam đang dần được hình thành và phát triển, với nhiều mô hình đa dạng
Hiện nay, liên kết chuỗi giá trị nông sản ở Việt Nam đang dần được hình thành và phát triển, với nhiều mô hình đa dạng

Trong đó, riêng cơ sở chế biến thuỷ sản quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu là hơn 850 cơ sở; cơ sở quy mô nhỏ phục vụ tiêu thụ nội địa khoảng 3.500 cơ sở. Tổng sản phẩm thủy sản chế biến đạt khoảng 3 triệu tấn (tương đương khoảng 6 triệu tấn nguyên liệu/năm), giá trị sản phẩm chế biến tăng bình quân về giá trị đạt 5,1%/năm. Đến nay, cả nước đã có 14.085 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, tăng 9.616 sản phẩm so với cuối năm 2020; hoàn thành và vượt mục tiêu được giao đến năm 2025. Có 7.846 chủ thể OCOP, trong đó có 32,8% là hợp tác xã, 22,7% là doanh nghiệp nhỏ, 38,6% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.

Đặc biệt, đã có hơn 2.420 hợp tác xã có sản phẩm OCOP, từng bước chuyển đổi hoạt động, thực hiện chức năng tiêu thụ sản phẩm, gắn với việc xây dựng sản phẩm có tiêu chuẩn, quy chuẩn, bao bì, nhãn mác và thương hiệu của hợp tác xã, thay vì chỉ làm các dịch vụ đầu vào cho các thành viên.

Hạn chế nào cản trở liên kết chuỗi giá trị nông sản?

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngành Nông nghiệp đã đẩy mạnh tổ chức sản xuất, liên kết thị trường theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp; trong đó, chú trọng phát huy vai trò của các hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết. Trong đó, nhận thức về liên kết chuỗi của các bên tham gia còn hạn chế.

Về phía người nông dân, quy mô sản xuất nhỏ lẻ là một trở ngại lớn. Bên cạnh đó, trình độ sản xuất của nhiều nông hộ còn thấp, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng nông sản. Chẳng hạn, nhiều nông dân trồng lúa vẫn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, khiến chất lượng gạo không đạt yêu cầu. Ngoài ra, kinh nghiệm hợp tác và nhận thức về lợi ích của liên kết chuỗi cũng là những hạn chế từ phía người nông dân. Về phía doanh nghiệp, năng lực liên kết còn yếu kém. Nhiều doanh nghiệp chưa chủ động xây dựng vùng nguyên liệu và hỗ trợ nông dân. Thiếu cam kết bao tiêu sản phẩm và chia sẻ lợi ích công bằng cũng là một vấn đề.

Liên kết sản xuất tiêu thụ theo chuỗi vẫn còn gặp phải một số hạn chế nhất định
Liên kết sản xuất tiêu thụ theo chuỗi vẫn còn gặp phải một số hạn chế nhất định

Hạn chế về chính sách cũng là một rào cản. Một số quy định còn cứng nhắc, chẳng hạn như quy định về thời gian liên kết tối thiểu 3 năm để được hưởng hỗ trợ, gây khó khăn cho doanh nghiệp và hợp tác xã. Hệ thống logistics kém phát triển cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của chuỗi cung ứng.

Để phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng cần cơ cấu lại ngành Nông nghiệp. Theo đó, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng; Chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ cho người lao động trong ngành; Tăng cường liên kết chuỗi, kết nối chặt chẽ các khâu sản xuất, chế biến và tiêu th; Tìm kiếm và phát triển thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Đặc biệt, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, phát triển nông nghiệp bền vững phải đi đôi với việc bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Các biện pháp như sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nước, bảo vệ đất đai và đa dạng sinh học cần được áp dụng rộng rãi.

Để hỗ trợ nông dân, giảm chi phí sản xuất và thúc đẩy nông nghiệp bền vững, ông Nguyễn Văn Phụng, chuyên gia cấp cao về Thuế và Quản trị doanh nghiệp khuyến nghị nên áp dụng thuế GTGT đối với phân bón ở thuế suất thấp, đồng thời thực hiện khấu trừ, hoàn thuế để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón có cơ hội giảm giá bán cho nông dân. Đồng thời, loại bỏ quy định "không khai, tính nộp thuế GTGT" đối với các hoạt động kinh doanh sau thu hoạch như sơ chế, giết mổ, bảo quản, đóng gói...nhằm giảm gánh nặng thuế cho các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị nông sản.

Hội Nông dân Hà Nội chuyển đổi số hướng đến xây dựng chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp xanh, tuần hoàn
(Tapchinongthonmoi.vn) - Thời gian tới, Hội Nông dân TP.Hà Nội sẽ đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong việc sản xuất, quản lý nhằm dướng đến xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp. Ứng dụng công nghệ số vào sản phẩm sản xuất, phân phối và tiêu thụ, tài nguyên tối ưu hóa và đảm bảo sự vững chắc cho hệ thống sinh thái nông nghiệp.