Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Triệu phú làm vườn trên bản vùng cao

08:50 01/01/2021 GMT+7

Có trong tay hàng nghìn mét vuông đất vườn đồi, lại được tham gia các lớp tập huấn do Hội Nông dân (ND) tổ chức, ông Tao Văn Điếng (xã Bản Hon, huyện Tam Đường, Lai Châu) đã tạo nên mô hình kinh tế vườn cho thu nhập 200 triệu đồng/năm. Câu chuyện vượt khó của ông cũng là ý chí, khát vọng của hàng nghìn nông dân ở các bản vùng cao đang biến đồi hoang thành vườn xanh cây trái kết hợp trang trại chăn nuôi với thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Cây cam đang khẳng định vị thế cây chủ lực ở huyện Tam Đường.

Thoát khỏi tư duy lạc hậu

Để có được cơ ngơi và cuộc sống đủ đầy như ngày hôm nay, ông Tao Văn Điếng vẫn không thể quên những ngày gian khó. Ông kể: Trước đây gia đình tôi cũng như nhiều hộ gia đình khác trong bản sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Trồng trọt, chăn nuôi năng suất thấp, giá thành bấp bênh, đầu ra sản phẩm khó khăn, không ổn định, thu nhập bình quân 11 triệu đồng/người/năm.

Dù cuộc sống khó khăn, nhưng ông cũng như nhiều nông dân trên bản vùng cao này rất lúng túng, không biết bắt đầu từ đâu. Thế rồi được được sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện của cán bộ Hội ND hướng dẫn, động viên gia đình ông muốn thoát khỏi cái nghèo là phải làm kinh tế. Ông nhận ra rằng, muốn thoát nghèo, phát triển kinh tế thì trước hết là phải có kế hoạch, có đất sản xuất, phải biết tiết kiệm trong chi tiêu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ vào sản xuất mới mang lại hiệu quả cao.

Từ sự thay đổi nhận thức, năm 2014, ông được Hội ND huyện cho tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi, khuyến nông, khuyến lâm như: trồng chè, trồng cam, trồng lúa, kỹ thuật nuôi cá… Từ đây, ông đã mở mang đầu óc,dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư. Ông cùng gia đình quyết tâm biến những kiến thức thành hành động, tích cực lao động, sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào phát triển sản xuất để thoát khỏi cái đói, cái nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Và bước ngoặt đã tới vào năm 2015, ông Điếng bàn với gia đình vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách – Xã hội để đầu tư thâm canh 5.000m2 cây cam đất đồi mà gia đình ông đã trồng từ năm 2013. Trước mắt là lấy ngắn nuôi dài, tập trung trồng lúa nước, chăn nuôi thêm con gà, con vịt để có cái ăn, cái mặc, sau đó chăm sóc cây chè, cây ngô, chăn nuôi lợn nái sinh sản.

Người dân xã Bản Hon được hướng dẫn kỹ thuật bọc ni lông để ổi cho trái đẹp và không bị sâu.

Thành triệu phú làm vườn

5 năm qua, kể từ khi vay những đồng vốn đầu tiên phục vụ sản xuất, đến nay ông Điếng đã tạo dựng được một mô hình kinh tế vườn khiến nhiều người mơ ước. Những giọt mồ hôi cùng với kiến thức làm kinh tế qua những đợt tập huấn của Hội ND đã giúp ông kiến tạo nên những thành quả hôm nay.

Ông Điếng hồ hởi nói: Gia đình tôi hiện có 8.000m2 đất trồng chè và 5.000m2 đất trồng cam V2. Thu hoạch ban đầu cam cho quả chua, ít nước khó tiếp cận thị trường nên tôi đã mạnh dạn đầu tư, thâm canh, bón phân chuồng kết hợp với phân vô cơ, trồng ổi xen cam với 200 gốc, hiện nay cây đang sinh trưởng tốt, chất lượng quả ngon cho thu hoạch, tăng thu nhập cho gia đình. Ngoài ra, gia đình tôi có 4.500m2 đất trồng ngô, 600m2 đất trồng các loại rau. Bình quân sau khi trừ chi phí về trồng trọt, mỗi năm gia đình tôi thu nhập khoảng 30 triệu đồng/năm.

Bên cạnh những vườn chè và cây ăn trái, ông còn xây 70m2 chuồng trại để nuôi lợn và các loại gia cầm. Trong chuồng của gia đình luôn có khoảng trên 10 con lợn, 100 con gia cầm. Sau khi trừ chi phí cũng thu về khoảng 80 triệu đồng/năm. Để khai thác tối đa hiệu quả, ông còn đào 1.500m2 ao để thả các loại cá. Hàng năm cho thu hoạch hơn 6 tấn cá các loại tính theo giá thị trường sau khi trừ chi phí đầu tư cũng thu được 30 triệu đồng/năm. Năm 2019 gia đình ông tiếp tục đầu tư trồng cây Mắc ca xen chè và trồng thuần trên 1,5ha.

Mô hình kinh tế vườn của ông Điếng được thiết kế khoa học, tạo nguồn thu quan năm và bền vững. Chỉ tính từ năm 2017 đến nay, mỗi năm đem lại cho ông nguồn lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng. Đặc biệt, riêng năm 2020 dự kiến lợi nhuận sẽ đạt 200 triệu đồng.

Không chỉ nỗ lực làm kinh tế, với những kinh nghiệm tích lũy được từ thực tế, ông Điếng còn tích cực vận động gia đình và người thân làm tốt việc luân canh, xen canh tăng vụ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, mạnh dạn dám nghĩ, dám làm vươn lên làm giàu chính đáng. Đồng thời, ông sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm trong chăn nuôi, sản xuất mà bản thân biết cho bà con nhân dân trong bản, giúp đỡ, hỗ trợ cho những người có nhu cầu học tập để đầu tư phát triển sản xuất.

Nguồn thu từ kinh tế vườn đã giúp gia đình ông có cuộc sống đủ đầy. Hiện nay gia đình đã mua sắm được đầy đủ các loại phương tiện như: 02 chiếc xe máy làm phương tiện đi lại, 01 máy cày bừa, 01 máy bơm tưới nước phục cho sản xuất, ti vi, tủ lạnh… để phục vụ cho sinh hoạt gia đình và nuôi dạy 02 con ăn học chu đáo.

Cán bộ khuyến nông và Hội Nông dân hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng cam.

Ông cũng là hội viên nông dân tích cực đi đầu trong hoạt động của Hội ND địa phương. Ngoài việc luôn tích cực tham gia các buổi sinh hoạt chi Hội, ông còn tham gia ủng hộ Quỹ Hỗ trợ ND, tham gia đóng góp xây dựng quỹ Hội. Bên cạnh đó gia đình ông còn tham gia ủng hộ Quỹ Vì người nghèo và các loại quỹ khác do thôn, bản phát động…

Ông Điếng chia sẻ: “Có được thành công như ngày hôm nay, cùng với ý chí vượt khó vươn lên của bản thân và gia đình, với sự cố gắng tìm tòi, học hỏi kiến thức, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ mới nhất vào sản xuất. Gia đình tôi còn có sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng, chính quyền và Hội ND các cấp cho tôi được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, hỗ trợ về vay vốn, giống, vật tư… Vì vậy những khó khăn dần được tháo gỡ, thu nhập của gia đình tôi ngày càng ổn định và nâng lên. Từ đó gia đình tôi đã mạnh dạn đăng ký danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp và nhiều năm liền đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện”.

Để phát triển kinh tế, thoát khỏi đói nghèo, những nông dân trên các bản vùng cao như ông Điếng rất cần có sự quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền, đoàn thể trang bị kiến thức, kỹ thuật, vốn để tạo lập sinh kế. “Tôi xin kiến nghị với Đảng, Nhà nước và các cấp Hội ND Việt Nam tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ nông dân về các chương trình, dự án để hội viên nông dân có giống, vốn, khoa học kỹ thuật. Tăng cường mở các lớp đào tạo nghề để hội viên nông dân có điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu trên chính quê hương mình” ông Điếng nói.

Mô hình kinh tế vườn của ông Điếng được thiết kế khoa học, tạo nguồn thu quan năm và bền vững. Chỉ tính từ năm 2017 đến nay, mỗi năm đem lại cho ông nguồn lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng. Đặc biệt, riêng năm 2020 dự kiến lợi nhuận sẽ đạt 200 triệu đồng.

Thái Bảo